Dân tình nguyện làm thêm vì lương quá thấp

Thời sựThứ Tư, 23/11/2011 12:18:00 +07:00

(VTC News) – “Cùng là người lao động chân tay, cùng là người lao động trí óc, tại sao một người được nghỉ 104 ngày, trong đó người lại nghỉ có 7 ngày/năm?”

(VTC News) – “Cùng là người lao động chân tay, cùng là người lao động trí óc, tại sao một người được nghỉ 104 ngày, trong đó người lại nghỉ có 7 ngày/năm?”

Đây là một trong những băn khoăn về nội dung thời gian làm thêm giờ theo dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) quy định, thảo luận về nội dung này (ngày 22/11) tại hội trường, nhiều ĐB đồng tình nhưng cũng không ít ĐB không tán thành.


Thời gian làm thêm giờ tăng lên là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ

ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) nhất trí và đề nghị tăng thêm giờ theo như dự thảo (360 giờ/năm), tuy nhiên, ĐB Thu đề nghị: cần quy định tiền lương cho giờ làm việc cao hơn so với quy định hiện hành, để tăng thêm thu nhập cho người lao động và chủ sử dụng, cũng phải cân đối đủ năng lực và tài chính mới có thể tổ chức làm thêm cho người lao động.


Theo ĐBQH Cù Thị Hậu, người lao động đã phải tình nguyện làm thêm để có thêm… một bữa cơm và có thêm thu nhập (Ảnh: baodatviet) 

ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) không đồng tình với ý kiến cho rằng người lao động muốn làm thêm, mà người lao động làm thêm vì tiền lương quá thấp, công nhân phải thuê nhà ở, phải thuê phương tiện đi lại và không có điều kiện vui chơi giải trí, do vậy người lao động đã phải tình nguyện làm thêm để có thêm… một bữa cơm và có thêm thu nhập.


Theo phân tích của ĐB Cù Thị Hậu, công nhân phải làm việc 52 ngày thứ bảy trong năm, trong khi đó công chức nghỉ 104 ngày (1 tuần nghỉ 2 ngày), bây giờ tăng thêm 360 giờ nữa, tương đương với 45 ngày. Như vậy 52 ngày + 45 ngày = 97 ngày,  công nhân phải làm nhiều hơn so với công chức. Một số nhà đầu tư và những người sử dụng lao động cũng đề nghị tăng 600 giờ/năm, như vậy với 416 giờ của 52 ngày thêm đó sẽ tăng lên là 1.016 giờ.


“Tôi thấy như vậy thì người ta không còn sức khỏe để làm nữa. Nếu chúng ta quyết định tăng lên 360 giờ/năm thì công nhân chỉ được nghỉ có 7 ngày/ năm, người ta có thời gian đâu để chăm sóc con cái, thời gian đâu để tham gia sinh hoạt văn hóa, thăm quan du lịch hoặc học hành?


Cùng là người lao động chân tay, cùng là người lao động trí óc, tại sao một người được nghỉ 104 ngày, trong đó người lại nghỉ có 7 ngày/năm? Tôi đề nghị chỉ giữ lại theo quy định của Bộ luật cũ là 200 giờ/năm, sẽ xử lý một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định theo quy định cũ của Luật lao động” – ĐB Hậu thẳng thắn.

Đồng quan điểm, ĐB Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cho rằng, thể chất của người Việt Nam còn hạn chế, tai nạn lao động gia tăng trong những năm gần đây, trong đó có nguyên nhân làm thêm giờ quá nhiều khiến người lao động mệt mỏi, suy giảm về tinh thần, thao tác thiếu chính xác.

“Theo quy luật khi trình độ công nghệ cao, khoa học và trình độ sản xuất phát triển, tiến bộ thì thời gian làm việc sẽ phải giảm xuống để đảm bảo điều kiện làm việc và sức khỏe, đời sống cho người lao động. Nếu thời gian làm thêm giờ tăng lên là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, là sự thụt lùi của việc sửa đổi Bộ luật lao động trong lần này” – ĐB Vinh nói.


ĐB Lê Thành Nhơn (Bình Dương) cũng chưa nhất trí với Ban soạn thảo về tăng thêm giờ làm, bởi “đây là một sự kéo lùi của sự tiến bộ xã hội mà người lao động nói chung đã đấu tranh hàng trăm năm mới có được 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi - chính là khẩu hiệu hành động của Đại hội quốc tế Cộng sản lần thứ nhất, tháng 9/1886 đã đưa ra và kêu gọi nhân dân lao động toàn thế giới hưởng ứng và đấu tranh”.

Cũng theo ĐB Nhơn, không nên chọn giải pháp tăng thêm giờ làm mà chú ý tăng năng suất lao động, tăng tỷ lệ lao động và đào tạo, tăng hàm lượng trí thức trong lao động, điều chỉnh hợp lý và quản lý tốt định mức lao động, đơn giá tiền lương.

Mặt khác, số giờ làm thêm ở nước ta hiện nay so với một số nước là không thấp nếu không muốn nói là ở nhóm nước tương đối cao, vả lại nếu tính tiền lương bằng giờ thì còn rất thấp so với nhiều nước, “chúng ta chỉ có thể hơn Lào và Campuchia mà thôi” – ĐB Nhơn ví dụ.


60 tuổi về hưu thì chỉ còn 10 năm để hưởng cuộc sống... tươm tất một chút

Về quy định tuổi nghỉ hưu, ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) đề nghị Bộ luật lao động nên giữ 55 đến 60 tuổi, còn các đối tượng đặc thù thì do Chính phủ quyết định. “Tôi thấy cần thiết có thể sẽ kéo dài thêm các đối tượng nữ có trình độ đại học trở lên, nhưng công nhân có thể là thấp hơn”.

ĐBQH Bùi Văn Phương - Ảnh: TTXVN. 
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề xuất qui định tuổi nghỉ hưu của cả nam, nữ đều 60, trong điều kiện bình thường thì lao động nữ được quyền nghỉ hưu trước 5 tuổi và trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại thì nam được nghỉ hưu trước 5 tuổi và nữ được nghỉ hưu trước 10 tuổi.


Còn việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có chuyên môn cao thì giao cho Chính phủ qui định. “Tôi nghĩ qui định như vậy sẽ đảm bảo quyền được hưởng lương hưu, nghĩa vụ lao động và có quan điểm rất rõ ràng về giới” – ĐB Hùng nói.


ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) lại nhấn mạnh, vấn đề này là được nghỉ hưu chứ không phải là phải nghỉ hưu. Trong khi tuổi bình quân chúng ta hiện nay mới hơn 70 tuổi, mà 60 tuổi về hưu thì chỉ còn 10 năm để dành thời gian hưởng những gì mình đã đóng góp và để cho cuộc sống có tươm tất một chút. Nếu cứ đẩy thời gian lao động nâng lên đến 65 tuổi thì người nghỉ hưu không còn mấy thời gian để nghỉ ngơi cho mình.

ĐB Phương cũng đề nghị, vì phụ nữ nghỉ hưu sớm, nên có một chính sách nâng một bậc lương sớm cho phụ nữ trước khi nghỉ hưu để đảm bảo sự ưu ái đối với phụ nữ.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) lên tiếng, vì qui định tuổi nghỉ thấp hơn 5 năm với nữ, cho nên mọi vấn đề của nữ đều bị hạn chế, để đào tạo được một cán bộ nữ quản lý điều hành khoa học và lao động kỹ thuật rất khó khăn và rất đắt, hiện nay đất nước ta đang cần người tài, đang thiếu chất xám cho nên tôi nghĩ không nên để đội ngũ nữ này nghỉ bởi vì rất lãng phí cho đất nước.

“Nếu nhìn xa hơn nữa trong khu vực thế giới thì chỉ còn một số nước trong tầm chưa phát triển thì quy định tuổi nghỉ hưu của nữ thấp hơn nam, còn các nước phát triển thì gần như ngang bằng. Tôi đề nghị nên sửa tuổi nghỉ hưu của nữ lần này để khỏi phải mất thời gian tổ chức hội thảo, khảo sát hoặc để xem xét của các cấp, tôi nghĩ Quốc hội mấy khóa trước đã xem và sửa pháp lệnh, pháp lệnh chờ luật, bây giờ luật không sửa thì không biết cơ hội của nữ đến bao giờ mới được bình đẳng trong làm việc” – ĐB An nói.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn