Dân thấp thỏm sống trong những căn nhà nứt toác lo lắng bị 'hà bá' nuốt chửng

Đời sốngThứ Sáu, 09/10/2020 07:34:00 +07:00
(VTC News) -

Ba năm nay, nhà của 8 hộ dân ở bến đò Quán (Hải Phòng) cứ sụt lún dần rồi nứt toác, có công trình bị dòng nước sông Văn Úc "xóa sổ" khiến người dân thấp thỏm lo âu.

Video: Người dân Hải Phòng thấp thỏm sống trong những ngôi nhà bị sụt lún, nứt toác

Vài năm gần đây, dòng sông Văn Úc bỗng thay đổi dòng chảy gây tình trạng xói lở mạnh, khiến nhà cửa của 8 hộ dân sinh sống bên bãi sông thôn Quán Trang (xã Bát Trang, An Lão, Hải Phòng) bị sạt lở, nứt toác, một số công trình của người dân bị "hà bá" nuốt chửng. Các hộ dân nơi đây đang lâm cảnh đi không được mà ở cũng chẳng xong.

Bếp sập lúc nửa đêm

Bước qua những viên gạch trên nền gian bếp bị dòng sông Văn Úc nuốt chửng, bà Nguyễn Thị Ngọt (58 tuổi, thôn Quán Trang, xã Bát Trang, huyện An Lão, TP Hải Phòng) xót xa khi cơ ngơi 2 vợ chồng gây dựng nên từ đôi bàn tay trắng cứ mất dần.

Bà Ngọt vẫn nhớ đêm mưa bão cách đây 3-4 tháng, vợ chồng bà đang ngủ trong nhà bỗng nghe tiếng đổ “rầm”. Bà vội trở dậy rồi chạy về hướng có tiếng đổ thì giật mình khi thấy căn bếp bị sập đổ, sạt xuống sông.

Dân thấp thỏm sống trong những căn nhà nứt toác lo lắng bị 'hà bá' nuốt chửng - 1

Căn bếp nhà bà Ngọt bị "xóa sổ" chỉ trong một đêm.

Chúng tôi quanh năm làm nghề chài lưới, tích cóp được ít tiền để sinh sống ở khu vực bến đò Quán, cạnh dòng sông Văn Úc. Cuộc sống cứ êm ả trôi qua gần 30 năm nhưng 3 năm trở lại đây xảy ra hiện tượng sạt lở, sụt lún.

Chồng tôi rất sợ hãi và lo lắng vì bếp đổ là một chuyện nhưng những bức tường trong nhà cùng nhiều chỗ nứt toác, nguy cơ đổ tường luôn rình rập. Cứ mỗi khi mưa bão, chúng tôi lại mang tâm trạng như thế”, bà Ngọt nói rồi bước lại gần hơn một nền đất trống cách nhà bà chưa đến 10m.

Đó là vị trí căn nhà chừng 15m2 của chị Nguyễn Thị Oanh (con gái bà Ngọt) từng ở mấy năm về trước. Nhưng sông Văn Úc hiền hòa bỗng nhiên đổi dòng khiến căn nhà bị sạt lở nghiêm trọng. Lo lắng cho cuộc sống của mình, chị Oanh xây nhà lùi vào cách nhà cũ khoảng 10m.

Dân thấp thỏm sống trong những căn nhà nứt toác lo lắng bị 'hà bá' nuốt chửng - 2

Căn nhà 15m2 của con gái bà Ngọt giờ chỉ còn một miếng đất nhỏ.

Những tưởng cuộc sống sẽ yên ổn nhưng dòng nước vẫn không buông tha từng mái nhà và cuộc sống người dân nơi bến đò Quán. Căn nhà mới xây của chị Oanh cũng đang có dấu hiệu bị nứt, căn nhà cũ bị sạt lở thêm, nước cuốn trôi tất cả chỉ còn trơ lại nền móng, diện tích cũng không còn bao nhiêu so với trước đây.

“Con gái tôi giờ đi làm xa, cuối tuần mới về đây. Ngôi nhà đó hiện có cháu ngoại của tôi đang học lớp 11 sinh sống. Mỗi đêm ngủ chỉ nghe một tiếng động tôi lại giật mình, hết lo căn nhà mình đổ lại lo cho cháu ngoại đang ngủ một mình.

Hơn 3 năm trước, cơ ngơi của chúng tôi còn cả sân vườn với cây vải, cây nhãn thẳng một hàng rồi giếng, bể nước… nhưng giờ chẳng còn gì ngoài những công trình mỗi năm bị sạt lở thêm một chút.

Tôi cũng bỏ ra hơn 20 triệu đồng mua đá, kè quanh nhà nhưng nhà cửa vẫn bị nứt”, bà Ngọt xót xa.

Dân thấp thỏm sống trong những căn nhà nứt toác lo lắng bị 'hà bá' nuốt chửng - 3

Dù đêm hay ngày, cửa nhà của các hộ dân khu vực bến đò Quán luôn mở để đề phòng khi nhà bị sạt lở còn kịp chạy ra ngoài. 

Bà Ngọt bảo rằng, ngày bão, chính quyền địa phương cũng di dời các hộ dân sống quanh khu vực bến đò Quán có nguy cơ bị sạt lở vào nơi an toàn. Nhưng bà Ngọt đều chọn ở lại trông thuyền, trông nhà và đồ đạc. Còn chồng bà cùng cô con gái chậm phát triển trí não sẽ đến nơi tránh trú.

Ở lại nơi nguy hiểm luôn rình rập nhưng bà lúc nào cũng lo cho chồng con vì sức khỏe họ không tốt luôn cần có người bên cạnh chăm sóc.

Cánh cửa không bao giờ đóng

Cách nhà bà Ngọt không xa là căn nhà nứt nẻ nhiều chỗ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhũ (64 tuổi, thôn Quán Trang). Ông Nhũ thở dài khi ngày qua ngày, vợ chồng ông phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ nhà bị đổ sập hay cuốn trôi.

Gia đình ông ra bờ sông mưu sinh từ năm 1988 đến nay. Hàng chục năm sống yên ổn không sao nhưng vài năm trở lại đây, bờ tường trôi theo dòng nước, từ nhà đến sân bị nứt toác, nhiều cây lâu năm cũng ngả nghiêng, sụt xuống đến 40cm.

Dân thấp thỏm sống trong những căn nhà nứt toác lo lắng bị 'hà bá' nuốt chửng - 4

Những vết nứt toác, xé đôi tường nhà ông Nhũ.

Trước đây nhà tôi có tường bao, bể lọc nước, 2 căn nhà, khu vệ sinh, nhà bếp được xây dựng kiên cố. Từ nhà ra mé bờ sông là 11m, trẻ con còn đánh bóng nhưng giờ tường bao mất rồi, nhà cách bờ sông cũng chỉ vài mét, trẻ nhỏ phải di dời đi chỗ khác.

Buổi tối đi ngủ chúng tôi không dám đóng cửa vì sợ không may có sạt lở còn chạy ra được. Chúng tôi cũng đổ đá kè bờ nhưng lại bị sạt hết rồi”, ông Nhũ nói.

Dẫn phóng viên tham quan nơi ở của gia đình, ông Nhũ không giấu được sự thất vọng khi công trình nào cũng bị nứt toác nhiều chỗ. Giường ngủ của vợ chồng ông Nhũ cũng được bao quanh bởi những vết nứt: nứt ngay dưới sàn, nứt ở đầu giường.

Dân thấp thỏm sống trong những căn nhà nứt toác lo lắng bị 'hà bá' nuốt chửng - 5

Khoảng sân, bức tường bị nứt hoặc bị dòng nước nuốt chửng.

"Hiện nay nhà trên, nhà dưới, nhà bếp, nhà vệ sinh của gia đình tôi đều nứt đôi hết, toàn những vết nứt lớn. Giường vợ chồng tôi kê cũng bị nghiêng, không cẩn thận người đang nằm có thể bị rơi xuống đất. Đêm nằm tôi luôn giật mình không biết nhà sẽ bị lở hay trôi lúc nào. Nỗi sợ hãi ấy đeo bám chúng tôi suốt 3 năm nay trong khi chúng tôi đều tuổi cao, có người ốm yếu, bệnh nặng.

Chúng tôi mong cơ quan chức năng có phương án di dời các hộ ở đây hoặc hỗ trợ chúng tôi an cư", ông Nhũ nói.

Mong muốn của ông Nhũ cũng là mong muốn của hơn 30 khẩu đang sinh sống tại khu vực bến đò Quán (thuộc thôn Quán Trang) khi cùng chung cảnh nhà bị sạt lở, có công trình đã bị cuốn trôi.

Dân thấp thỏm sống trong những căn nhà nứt toác lo lắng bị 'hà bá' nuốt chửng - 6

Cửa sổ ngay cạnh giường nằm của vợ chồng ông Nhũ cũng nứt toác.

Sớm di dời dân 

Trả lời PV VTC News, ông Phan Viết Huy – Phó chủ tịch UBND xã Bát Trang cho biết, chính quyền địa phương đã làm việc với các hộ dân sống trong vùng sạt lở khu vực bến đò Quán. Các hộ dân cũng đề nghị được bố trí nơi ở để di dời theo chủ trương của Nhà nước.

Để bảo đảm an toàn cho người dân, UBND xã Bát Trang có văn bản trình UBND huyện An Lão, phối hợp cơ quan liên ngành kiểm tra thực trạng sạt lở, đo đạc, cắm ranh giới, mốc giới, lên sơ đồ thửa đất từng hộ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Dân thấp thỏm sống trong những căn nhà nứt toác lo lắng bị 'hà bá' nuốt chửng - 7

Nguyện vọng của người dân là được cơ quan chức năng hỗ trợ để di dời khỏi nơi nguy hiểm và luôn đe dọa tính mạng họ hàng ngày.

Cũng theo ông Huy, việc di dời các hộ dân này là cần thiết và đang được thực hiện từng bước. Hơn nữa, các hộ dân chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, khi được di dời vào khu đất mới ổn định hơn, vấn đề việc làm với họ cũng là bài toán cần giải quyết.

Đánh giá nguyên nhân dẫn tới hiện tượng sạt lở nhà dân trong những năm gần đây, ông Huy cho biết là do sông Văn Úc thay đổi dòng chảy.

Trước thực trạng này, Sở TN&MT TP Hải Phòng có văn bản gửi UBND TP Hải Phòng về việc ổn định dân cư cho 8 hộ dân vùng sạt lở khu vực đò Quán. Văn bản nêu rõ: "Để đảm bảo an toàn cho các hộ dân, việc thu hồi đất của 8 hộ tại khu vực sạt lở, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người là cần thiết".

Ngày 7/9/2020, UBND TP Hải Phòng có văn bản số 5624 chỉ đạo thu hồi đất vùng sạt lở khu vực đò Quán.

Theo đó, UBND TP Hải Phòng đồng ý chủ trương thực hiện thu hồi đất của 8 hộ dân vùng sạt lở khu vực đò Quán theo quy định; đồng ý chủ trương bố trí khu đất tại khu dân cư xóm 1, thôn Quán Trang để tái định cư xen ghép 8 hộ dân trên.

Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn