Dân Nam Sơn vẫn thấp thỏm sau cuộc đối thoại với Chủ tịch Hà Nội

Thời sựThứ Tư, 01/06/2016 07:49:00 +07:00

Sau cuộc đối thoại của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường tại bãi rác Nam Sơn, người dân vẫn đang thấp thỏm chờ thành phố có những giải pháp ổn định cuộc sống bởi với mức hỗ trợ hiện tại, nhiều người cho hay tiền hỗ trợ không đủ mua khẩu trang.

Ngày 30/5, phóng viên Tiền Phong đã quay lại xã Nam Sơn. Dọc con đường từ Quốc lộ 3 dẫn vào Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) thoang thoảng mùi rác thải. Càng gần bãi rác, mùi hôi thối càng nồng nặc.

 Người dân bức xúc vì không khí ô nhiễm và phải sống chung với ruồi. Ảnh: Trần Hoàn

Bán nhà giá rẻ nhưng không ai mua

Bà Nguyễn Thị Thân, trú tại thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn cho hay gần 17 năm sống gần bãi rác, người dân đã quá quen với mùi hôi thối. Từ khi có bãi rác, người dân còn phải quen sống chung với ruồi. Ở thôn Đông Hạ, nhà nào cũng có vỉ dính ruồi, mỗi ngày dùng đến 3, 4 vỉ nhưng vẫn không thấm vào đâu. 

Gian bếp phải quây kín để ruồi không lọt vào, nếu không đậy kỹ thức ăn thì chỉ vài phút, ruồi sẽ bậu đen kịt. Cùng chung cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Dinh, bán rau, thịt cạnh đó đưa chúng tôi xem vỉ ruồi mới đặt vài tiếng đã kín hết chỗ. “Cứ 2, 3 tháng một lần, cơ quan chức năng cử cán bộ tới để phun thuốc diệt ruồi, nhưng đâu vẫn hoàn đấy”, bà Dinh nói.

 
“Chúng tôi kiến nghị nhiều rồi. Thứ nhất là phải xử lý an toàn, đúng quy trình. Thứ hai đề nghị cho di dời dân trong vòng 500 – 1000 m. Toàn bộ khu đó sẽ tạo thành hành lang cây xanh sẽ giảm thiểu được rất nhiều. Chúng tôi ý kiến lâu rồi, các cấp ghi nhận nhưng không giải quyết nên đành sống chung với lũ”. ÔngNguyễn Ngọc Oanh - Phó Chủ tịch xã Nam Sơn

Ồng Nguyễn Ngọc Oang - Phó Chủ tịch xã Nam Sơn

Ở đây người dân còn quen cả với những cái chết vì những căn bệnh “bất ngờ” của người thân, hàng xóm... Chị Lương Thị Đường có chồng vừa mất cách đây hơn 1 tháng. Chị bảo, chồng chị bị đau phải vào viện cấp cứu, khám mới biết bị ung thư giai đoạn cuối. Chính chị cũng đang mắc bệnh u thực quản. Người dân sống quanh khu vực này cũng cho biết cách đây không lâu, tại xóm Đông Hương, xã Nam Sơn, một gia đình đột ngột có 3 người chết vì ung thư, để lại 3 đứa nhỏ bơ vơ.

Anh Kiều Văn Thử (Thanh Hóa) cho hay, tối 30/5, cả thôn Chấu (xã Bắc Sơn) bị mùi thối xộc tới, gần như người dân cả thôn không ai ngủ được. “Tôi cũng chỉ ở đây kiếm ăn 1, 2 năm sau đó chuyển đi. Không thể định cư lâu dài ở mảnh đất này được”, anh Thử chia sẻ. 

Những người ở xa đến làm ăn còn có thể rời đi nhưng với những người dân lâu năm ở đây họ chỉ biết kêu trời bởi muốn bán nhà cũng khó vì không ai dám mua đất, mua nhà cạnh bãi rác lúc nào cũng nồng nặc mùi hôi thối.

Phải “sống chung với lũ”

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Triệu Tuấn Đức, Giám đốc Chi nhánh Urenco 8 (thuộc Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội), đơn vị quản lý Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn cho biết, mỗi ngày “bãi rác” tiếp nhận khoảng 3.800 – 4.000 tấn rác, những hôm lễ, Tết thì tăng gấp rưỡi.

Ông Đức cho biết, nguyên nhân người dân chặn xe rác chủ yếu là do phí hỗ trợ đền bù môi trường chưa thỏa đáng. “Thứ nhất là chậm trễ. Quyết định có từ cuối 2014 nhưng đến 2016 vẫn chưa trả. Hơn nữa, việc tính khoảng cách thế nào cho đúng cũng phức tạp. Theo quy định người nằm trong bán kính 1.000m thì được hỗ trợ nhưng 1.001m thì không được. 

Nhiều người thắc mắc khoảng cách 1, 2 mét liệu có khác nhau về mức độ ô nhiễm hay không… Thứ nữa là mức hỗ trợ cũng chênh lệch. Ở bán kính 500m thì được 70 nghìn/người/tháng nhưng khu vực 1.000 m chỉ được 8 nghìn/người/tháng. Người ta bảo tiền đó không đủ mua khẩu trang trong một tháng”, ông Đức nói.

Trước lo ngại của người dân về việc ô nhiễm nguồn nước, ông Đức nói cần các nhà khoa học vào nghiên cứu thêm. “Năm 2014, Sở TN&MT đã về lấy mẫu ở các giếng nước ngầm và thấy không có gì bất thường”, ông Đức nói.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Nguyễn Ngọc Oanh cho rằng, lo ngại của người dân là có cơ sở, vì máy xử lý nước thải trong Khu liên hiệp xử lý rác thải công suất bé, không xử lý được lượng nước thải nên phần lớn nước đang đọng ở hồ. “Trời nắng thì bốc hơi, cộng với chỗ rác chôn lấp cũng bốc hơi, gây ảnh hưởng đến môi trường của bà con”, ông Oanh nói. Còn về việc thẩm thấu, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, theo ông Oanh, bản thân ông đã có ý kiến với Trung tâm y tế Sóc Sơn để lấy mẫu nước xét nghiệm.

Ông Oanh cũng cho biết, sau cuộc đối thoại của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với người dân Nam Sơn, hiện đã cho rà soát lại danh sách các hộ dân trong vùng ảnh hưởng lên phương án hỗ trợ, còn việc có tăng tiền lên hay không thì phải chờ công văn kết luận.

“Trước đó, Ban quản lý dự án tổ chức chi trả nhưng dân không đồng thuận vì mức chi trả thấp quá. Cũng vì thế người ta mới chặn xe rác không cho vào đổ nữa. Đến giờ mới có mấy chục hộ lấy thôi, tỷ lệ khoảng được 1/10”, ông Oanh nói.

Trao đổi thêm với phóng viên, ông Oanh thông tin, trụ sở UBND xã Nam Sơn nằm ngoài vùng bán kính 1.000m nhưng vẫn nồng nặc mùi hôi thối từ khu xử lý rác thải.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn