Dân mạng phản ứng ra sao trước mức xử phạt 7 triệu đồng cho tài xế uống 2 chén rượu?

Giới trẻThứ Sáu, 03/01/2020 07:13:42 +07:00
(VTC News) -

Luật phòng chống tác hại của rượu, bia đang trở thành điểm nóng trên nhiều diễn đàn trong những ngày đầu được đưa vào thực thi.

Ngày 2/1, thông tin tài xế tại Hà Nội uống hai chén rượu bị phạt 7 triệu đồng và tước giấy phép lái xe trong 23 tháng thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Rõ ràng, khi luật được đưa vào thực thi một cách nghiêm minh sẽ tăng tính răn đe trong toàn xã hội, nâng cao nhận thức của người dân. Nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên vì dù chỉ uống rất ít nhưng mức phạt lại cao. Điều này cho thấy, quy định thực sự có sức ảnh hưởng, đánh trúng vào tâm lý của bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Bài viết trên một diễn đàn trẻ liên quan đến vấn đề nóng này nhận được hơn 21.000 lượt tương tác, hơn 5.000 bình luận và hơn 1.000 lượt chia sẻ chỉ sau vài tiếng đăng tải.

"Nói chung cứ phải phạt thế đi cho bớt rượu chè lại, không rượu chè là tốt chứ hại cái gì đâu. Phạt thật nặng vào thì đất nước này bớt được những kẻ nát rượu!", Trần Hương bình luận.

Dân mạng phản ứng ra sao trước mức xử phạt 7 triệu đồng cho tài xế uống 2 chén rượu? - 1

Cộng đồng mạng rôm rả bàn luận xung quanh luật mới để giảm tác hại của rượu bia. (Ảnh chụp màn hình)

Lê Hữu Nghiêm nêu quan điểm: "Mình thích nhậu cùng anh em bạn bè nhưng mình luôn ủng hộ vấn đề xử phạt. Nhiều lần mình lái xe trong tình trạng có men rượu nhưng chưa gặp vấn đề nên chưa sợ. Thôi từ nay ăn nhậu thì đi Grab. Vì hạnh phúc của mình và mọi người".

"Thế là từ nay những anh đo mà có nồng độ cồn thấp không phải tị nạnh vì nồng độ ít không được đóng phạt bằng người quá mức quy định nữa nhé! Ủng hộ tuyệt đối quy định này, mấy ông say ra đường không gây hại cho mình thì cũng gây hại cho người, phạt nặng thế này cho chừa", Khá Phan viết.

Nguyễn Thuỳ Linh cho biết: "Ủng hộ hết mình! Tết nhất đến nơi rồi lắm nơi rượu chè! Không ai cấm uống, uống vào thì gọi Grab mà về!".

"Các chiến sỹ mạnh tay là đúng. Bao vụ tai nạn người mất nhà tan đau thương toàn do có chất cồn trong ngươi. Nên nghiêm khắc để giảm bớt hậu quả bản thân và người khác", Treasure Trinh bình luận.

"Những người thích nhậu thì đều có lí do của nó cả các bác ạ. Lúc chưa vợ tôi ít nhậu lắm, sau lấy vợ trong một lần say lái xe ngã, về vợ mắng cho. Từ đấy mỗi lần nói với vợ đi nhậu là vợ đưa 500 nghìn dặn nếu say thì đi taxi về. Và cũng từ đấy mình chăm nhậu hẳn lên", Hiển Lee hài hước viết.

Dân mạng phản ứng ra sao trước mức xử phạt 7 triệu đồng cho tài xế uống 2 chén rượu? - 2

Một trường hợp bị xử phạt sau khi đo nồng độ cồn cao tại Hà Nội ngày 1/1/2020.

Tuy nhiên, trước  một số trường hợp nhận kết quả nồng độ cồn ở mức rất thấp sau khi ăn các loại hoa quả, uống thuốc, nhiều người mong rằng cần phải xem xét, quy định rõ ràng, tránh phạt oan cho nhiều người.

Nguyễn Trung Hiếu viết: "Cấm rượu bia là đúng, ai cũng rõ tác hại bao năm nay rồi! Nhưng cấm từ mức 0.01 thì thật sự là một suy nghĩ cần xem xét! Phải tính đến mức nào thì mất kiểm soát, chứ ăn uống có một số thực phẩm cũng dính. Sau 1 ngày nghỉ ngơi sau bữa rượu thổi vẫn dính. Mà quan trọng là mức thấp dưới 1 ngưỡng ví dụ 0.5, 0.25 thì không thể say. Nhiều ông bảo chống chế này nọ, cứ không uống đi xem có sao không? Có ai uống 1 nhấp môi không? 1 nhấp môi của rượu khéo lên 0.4 rồi. Nên việc có ngưỡng dưới khác 0.01 là cần thiết!".

"Luật là đúng nhưng nên điều chỉnh lại nồng độ cồn. Nồng độ thấp vậy rất dễ dẫn tới sai lệch khi kiểm tra. Vì ăn vài loại hoa quả hoặc dùng thuốc cũng xảy ra việc thổi kiểm tra cũng tăng nồng độ cồn, như vậy thì vẫn bị phạt là không đúng", Châu Đức Sơn cũng có chung quan điểm.

"Cần phải có biện pháp phân biệt nồng độ cồn trong người từ trái cây hay từ rượu. Như tôi biết vừa qua có vụ người ăn vải cũng bị phạt, như thế thì oan quá!", Như Quỳnh bình luận về vấn đề này.

Nhiều tài khoản còn hài hước cho rằng sau quy định này, nhiều người sẽ chuyển sang làm nghề taxi hoặc xe ôm để tăng thêm thu nhập, giúp các "quý ông bợm nhậu" về nhà an toàn sau khi quá chén.

 "Tuyển anh em đầu tư tiền mua ô tô đứng trực ở các quán nhậu nhận chở khách thuê, vừa kiếm tiền tăng thêm thu nhập, vừa được hít mùi thức ăn, chưa kể đông ấm hè mát mưa không đến mặt nắng không đến đầu", Huy Hoàng viết.

"Sắp tới, số lượng các quý ông say xỉn tham gia giao thông chắc chắn sẽ ít đi và tỉ lệ thuận với đó sẽ là số lượng các anh xe ôm, các bác tài có tâm hành nghề trước cửa các quán nhậu", Anh Minh bình luận.

Nguyễn Văn Quyết nói: "Kể từ năm 2020, các thanh niên Việt Nam có xu hướng ít rượu bia, chăm chỉ làm ăn. Ngày đi làm hành chính, tối tối về chạy Grab kiếm tiền xây nhà lấy vợ đúng không các bác?".

5 điểm mới đáng lưu ý Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được áp dụng từ 1/1/2020

1. Đã uống rượu bia thì không được lái xe

Tại Điều 5 của luật này có 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu bia. Trong đó đáng chú ý là hành vi: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Ngoài ra, Luật cũng nghiêm cấm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; Cung cấp thông thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe

2. Quán nhậu hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống rượu bia

Các chủ quán nhậu phải có trách nhiệm hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống rượu bia. Cụ thể, khoản 6 Điều 32 quy định: “Cơ sở bán rượu bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu bia”.

3. Phải dán thông báo không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi

Tất cả cơ sở bán rượu bia phải thực hiện yêu cầu này. Cụ thể, khoản 5 Điều 32 của luật chỉ rõ: “Cơ sở bán rượu bia phải niêm yết thông báo không bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh”.

4. Thành viên gia đình được hướng dẫn kỹ năng từ chối uống rượu bia

Điều 34 quy định các gia đình có trách nhiệm “Giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu bia trong gia đình cai nghiện rượu bia; hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu bia…”.

5. Không mở mới điểm bán rượu bia gần trường học, bệnh viện

Khoản 7 Điều 32 nêu rõ: “Kể từ ngày luật này có hiệu lực, không được mở mới điểm bán rượu bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông”.

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn