Dân lập 'chiến lũy': Vì đâu nên nỗi?

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 06/07/2013 07:05:00 +07:00

(VTC News) - Vì sao nhà máy to như thế xây dựng trái phép mà lãnh đạo xã không biết để can thiệp?

(VTC News) - Vì sao nhà máy to như thế xây dựng trái phép mà lãnh đạo xã không biết để can thiệp?


Bài 3: Vì đâu người dân phải lập 'chiến lũy’?

Trong những ngày có thể nói là nước sôi lửa bỏng này, hầu hết lãnh đạo xã, huyện, các doanh nghiệp có liên quan đều cáo bận khi phóng viên hẹn gặp, thì ông Lê Đức Tài, trưởng thôn Châu Xá (Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương) đã bỏ buổi họp quan trọng có mặt của lãnh đạo huyện đang diễn ra ở trụ sở xã, để về nhà giãi bày với phóng viên.

Ông Tài cho biết: “Thú thực với nhà báo, nhiều ngày nay tôi không ăn, không ngủ được. Là trưởng thôn, mới 60 tuổi, mà đã có 40 năm tuổi Đảng, được dân tín nhiệm bầu, nhưng tôi chưa làm tròn chức trách của mình. Giờ tôi nói dân không tin, không nghe nữa. Tôi còn mang tiếng oan làm ngơ để người ta xây nhà máy to tướng không phép ở cánh đồng làng”.

Ông Tài là người gần dân nhất, nên ông nắm tường tận mọi diễn biến dẫn đến hành động có thể nói là “kỳ lạ” của nhân dân thôn mình, ấy là lập “chiến lũy” để đối đầu với các nhà máy và với xã hội đen.

Theo đó, vào ngày 01/10/2011, UBND xã Duy Tân lập hồ sơ cho đấu thầu diện tích đất nông nghiệp, với tổng diện tích 1,17 héc-ta, với mục đích trồng cây lâu năm, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Công ty TNHH một thành viên thương mại Trường Khánh đã trúng thầu lô đất này. Trước đó, công ty này đã thuê một lô đất rộng 1,2 héc-ta cạnh đó, để làm xưởng sản xuất vôi.

Hải Dương
Ông trưởng thôn Lê Đức Tài 

Trong “Hợp đồng giao khoán” mảnh đất 1,17 héc-ta cũng ghi rõ: Công ty phải sử dụng đúng mục đích mảnh đất, nghiêm cấm việc xây dựng nhà trên diện tích đất được giao khoán, chỉ được phép làm nhà cấp 4, diện tích không quá 20m2 để trông nom, bảo vệ tài sản của mình…

Tuy nhiên, Công ty Trường Khánh đã không sử dụng đất đúng mục đích, mà xây dựng trên đó một nhà máy lớn. Người dân không được biết rõ hợp đồng giao khoán này, cứ nghĩ công ty đã được UBND tỉnh cấp phép xây dựng nhà máy, nên không có ý kiến gì.

Việc công ty này xây dựng nhà máy trái phép sẽ không bị phát giác, nếu không có chuyện một ngày, công ty đi vào hoạt động và người dân không chịu nổi một thứ mùi khủng khiếp, nên quyết làm cho ra nhẽ.

Trong đơn kêu cứu khẩn cấp của người dân Châu Xá có đoạn thống thiết như sau: “Sự việc chỉ bị phát giác khi nhân dân làng Châu Xá ngày đêm bị tra tấn bởi một thứ bụi mờ trong không khí có mùi rất tanh. Nhân dân trong làng hít phải thứ mùi đó, người bị đau đầu chóng mặt, người tức ngực không thở nổi. Những người cao tuổi không chịu nổi, nối nhau vào bệnh viện và tử vong. Cá chết hàng đống, rất nhiều gà vịt thả nuôi xung quanh nhà máy không con nào còn sống. Hàng đêm khói tỏa ra khắp khu vực khiến nhân dân phải chịu cực hình tra tấn. Bệnh ung thư và cái chết luôn rình rập bất cứ lúc nào đối với nhân dân làng Châu Xá và nhân dân trong khu vực”.

Trong đơn cũng ghi: Nhân dân đã gửi đơn đi khắp nơi, từ địa phương tới trung ương, song không nhận được sự giải quyết nào thỏa đáng. Bức xúc, người dân đã kéo lên xã yêu cầu chính quyền trả lời.

Theo ông Lê Đức Tài, ngày 27/2/2013, lãnh đạo xã đã tổ chức một cuộc họp giữa nhân dân và thường trực Đảng ủy, UBND xã Châu Xá, cùng với Công ty Trường Khánh. Công ty khẳng định chỉ sản xuất gạch chịu lửa nung bằng điện, không gây ô nhiễm. Tuy nhiên, thực tế đã được làm rõ, đó là công ty này xây dựng nhà máy sản xuất Pro Niken, là thứ hóa chất dùng trong mạ hợp kim.
Hải Dương
Hình ảnh chiếc xe xúc lật "gục ngã" trước lán chốt của nhân dân Châu Xá 
Đến lúc đó, người dân mới biết công ty Trường Khánh xây dựng không phép. Nhà máy được xây dựng trên đất nông nghiệp, doanh nghiệp không có quyết định giao, cho thuê đất. Nhà máy không có quyết định chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh Hải Dương, không có đánh giá tác động môi trường, không có cam kết bảo vệ môi trường…

Với những sai phạm rõ rành rành như vậy, nên trong cuộc họp, nhân dân yêu cầu công ty dừng hoạt động, phải đảm bảo đúng thủ tục đã. Tuy nhiên, công ty tiếp tục xây dựng nhà máy và hoạt động trái phép, thách thức nhân dân.

Yêu cầu chính đáng của nhân dân không được đáp ứng, nên ngày 29/4, người dân tiếp tục kéo ra nhà văn hóa thôn Châu Xá. Ông trưởng thôn Lê Đức Tài đã trả lời chất vấn của nhân dân. Tuy nhiên, nhân dân không thỏa mãn với những giải thích của trưởng thôn.
Hải Dương
Người dân rải đá dọc làng, dùng đá làm vũ khí tấn công xã hội đen 
Vài ngày sau, 2/5, nhân dân lại kéo lên xã, yêu cầu lãnh đạo xã phải trả lời đơn thư kiến nghị. Xã hứa chiều hôm sau sẽ trả lời dân trực tiếp. Chiều 3/5, tại hội trường thôn Châu Xá, ông chủ tịch UBND xã Lê Văn Kha, đã không trả lời được những chất vấn của nhân dân, chẳng hạn như: Cấp nào phê duyệt dự án xây dựng nhà máy? Vì sao nhà máy to như thế xây dựng trái phép mà lãnh đạo xã không biết để can thiệp?...

Sau buổi họp dân đó, lãnh đạo xã Duy Tân đã họp với Công ty Trường Khánh và yêu cầu ngừng đầu tư, sản xuất, dỡ bỏ nhà máy ra khỏi khu vực. UBND huyện cũng ra văn bản yêu cầu Công ty Trường Khánh ngừng hoạt động. Văn bản đã ban hành, Công ty Trường Khánh đã đồng ý. Tuy nhiên, công ty này không thực hiện nghiêm túc.

Theo nhân dân Châu Xá, thì trong thông báo của UBND huyện Kinh Môn, mặc dù yêu cầu Công ty Trường Khánh ngừng hoạt động, nhưng đó chỉ là cái cớ để nhân dân im lặng, để họ hoàn thiện thủ tục pháp lý. Người dân nghi ngờ công ty này sẽ tranh thủ thời gian để hợp pháp hóa hoạt động bởi thông báo nói rằng “Cty Trường Khánh chỉ được phép tổ chức sản xuất khi đã hoàn thiện đủ thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật ”.
Hải Dương
Chiếc xe máy của người dân bị xã hội đen ném xuống kênh 
Với những nghi ngờ đó, và sự thực là Công ty Trường Khánh không thực hiện tháo dỡ nhà máy như đã cam kết, nên ngày 13/6, nhân dân thôn Châu Xá đã tự ý lập lều lán, chặn các ngả đường ra vào của Công ty Trường Khánh, cũng như nhà máy của công ty này. Người dân đã dùng búa tạ đập vỡ cống bắc qua mương, để xe ô tô không thể ra vào được nữa.

Hành động của nhân dân làng Châu Xá đã vô hiệu hóa hoạt động của Công ty Trường Khánh. Tuy nhiên, nó cũng làm tê liệt hoạt động của hai doanh nghiệp lớn trên địa bàn, là Công ty xi măng Phúc Sơn và Công ty xi măng Trung Hải 2. Con đường nhân dân chốt chặn là đường lấy đất sét của Công ty Phúc Sơn và đường khai thác đá của Nhà máy xi măng Trung Hải 2.
 Ông Lê Quang Huy, Bí thư xã Duy Tân: “Trước mắt, chúng tôi cố gắng hết sức để bảo đảm tình hình trật tự, an toàn cho nhân dân. Còn những hậu quả đáng tiếc từ vụ việc này sẽ tiến hành giải quyết sau. Về cơ bản, quan điểm của Đảng ủy là đồng ý với yêu cầu chính đáng của bà con là đòi dỡ bỏ nhà máy xây dựng trái phép. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để bà con hiểu vấn đề, tránh việc đòi hỏi ngoài sức giải quyết. Huyện cũng đã thành lập đoàn công tác, liên tục làm việc với xã nhằm tháo gỡ từng bước vấn đề phức tạp này”.

Bài tiếp: ‘Dân lập chiến lũy’: Dân sai hay chính quyền sai?

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn