Dân lập 'chiến lũy': Tháo dỡ nhà máy gây ô nhiễm

Thời sựThứ Sáu, 12/07/2013 04:00:00 +07:00

(VTC News) – Nhà máy gây ô nhiễm đang được tháo dỡ nhưng người dân vẫn kiên quyết bám “chiến lũy”, đòi giải quyết triệt để.

(VTC News) – Nhà máy gây ô nhiễm đang được tháo dỡ nhưng người dân vẫn kiên quyết bám “chiến lũy”, đòi giải quyết triệt để.

Đến ngày 10/7, “chiến lũy” nhằm ngăn cản hoạt động của nhà máy hóa học của công ty TNHH Trường Khánh (thôn Châu Xá, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) của người dân lập cách đó hơn 1 tháng vẫn còn tồn tại.

Theo ghi nhận của phóng viên VTC News, tại con đường dẫn vào nhà máy hóa chất Trường Khánh, người dân vẫn tiếp tục cắm cờ, dựng lều bạt, bàn ghế, rải đá, đào đường… để phản đối nhà máy hóa chất hoạt động gây ô nhiễm.

Dân lập 'chiến lũy'
Chướng ngại vật trên lối vào nhà máy hóa chất gây ô nhiễm. Ảnh chụp ngày 10/7.

Cách “chiến lũy” chừng 200 mét, nhà máy hóa chất của công ty Trường Khánh đã ngừng hoạt động, nhà xưởng chỉ còn khung sắt, cột khói và lò nung đã được tháo dỡ.

Theo ông Nguyễn Văn Hanh (SN 1969, thôn Châu Xá, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), từ ngày dân lập “chiến lũy”, nhiều đoàn công tác của các cơ quan chức năng đã về làm việc với người dân và nhà máy gây ô nhiễm, yêu cầu công ty Trường Khánh phải ngừng hoạt động, tháo gỡ nhà máy, trả lại mặt bằng.

“Mới đây nhất, huyện yêu cầu nhà máy phải tháo dỡ toàn bộ trong vòng 5 ngày từ 2/7 - 6/7. Tuy nhiên, đến hiện tại, nhà máy này mới chỉ tháo dỡ được một phần như lò nung, cột khói, mái tôn… còn các bộ phận khác, đặc biệt là nhà điều khiển trung tâm vẫn hoạt động, vẫn có người và điện vẫn sáng trong nhà máy” – ông Hanh cho hay.

Dân lập 'chiến lũy'
 
Dân lập 'chiến lũy'
Cận cảnh khu lều "giã chiến" của người dân. Ảnh chụp ngày 10/7. 

Tiếp xúc với phóng viên VTC News ngay tại “chiến lũy”, hàng chục người dân thôn Châu Xá cho biết, mặc dù phía nhà máy đã ngừng hoạt động nhưng việc tháo dỡ, trả lại mặt bằng vẫn chậm so với cam kết nên “chiến lũy” sẽ tiếp tục được duy trì đến khi nào nhà máy được tháo dỡ hoàn toàn.

Bà Lê Thị Tứ (81 tuổi, người làng Châu Xá) cho biết, việc nhà máy hoạt động và xả thải gây ô nhiễm môi trường, người dân khi hít phải khí này cảm thấy tức ngực, khó thở và buồn nôn, lâu ngày sẽ tích bệnh khiến dân làng sợ hãi.

“Tôi già rồi, không biết sống được bao lâu nữa nhưng phải đấu tranh để giành sự sống cho con cháu sau này” – bà Tứ cho hay.

Theo bà Tứ, gần 1 tháng lập “chiến lũy”, ngày nào bà cũng có mặt để “trực chiến” cùng dân làng. Đang trong mùa cấy lúa nên ban ngày, các cụ già từ 60 tuổi trở lên sẽ túc trực ở lán trại để những người có sức lao động đi làm, buổi đêm thì thanh niên và trung niên thay nhau ở lại “chiến lũy”.

Dân lập 'chiến lũy'
 Bà Lê Thị Tứ sợ hãi kể lại chuyện bị nhóm người lạ mặt truy đuổi trong đêm.

Việc cơm nước sẽ do một số phụ nữ đảm nhận, họ tập trung nấu ở trong làng rồi đến bữa trưa và bữa tối thì mang ra ăn cùng. “Dân chúng tôi không rời khỏi lều này nửa bước nếu nhà máy ô nhiễm kia chưa được tháo dỡ hoàn toàn” – bà Tứ khẳng định.

Nhớ lại trận truy đuổi của nhóm người lạ mặt vào đêm 25/6 với những người dân lập “chiến lũy”, bà Tứ cho biết, đến bây giờ vẫn còn hoảng sợ. Bà nói đêm đó khi bị đuổi, bà chỉ biết gắng sức chạy theo đám dân làng mà không biết mệt là gì, khi chúng đi về bà tiếp tục mọi người quay lại, “nhưng đêm nào cũng nơm nớp sợ chúng quay lại”.

dân lập chiến lũy
Người dân tổ chức ăn cơm trưa ngay tại "chiến lũy". Ảnh chụp ngày 10/7.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thấm (76 tuổi, người làng Châu Xá) nói rằng, dù không ở lại “chiến lũy” vào những đêm bị nhóm người lạ mặt tấn công nhưng ròng rã một tháng qua, gia đình bà cũng mất ăn mất ngủ, bỏ công bỏ việc để cùng bà con trực “chiến lũy”.

“Những lúc mát trời thì còn đỡ, nhưng những lúc nắng nóng, người ngồi trong bạt như phát hỏa, những lúc trời mưa thì ai cũng ướt như chuột lột. Cả ngày ngồi túc trực trong sự sợ hãi, lo lắng nên người lúc nào cũng mệt mỏi, chúng tôi chỉ mong chính quyền giải tỏa sớm nhà máy ô nhiễm để chúng tôi về nhà lo làm ăn” – bà Thấm than thở.

Trả lời phỏng vấn phóng viên VTC News chiều 10/7, ông Lê Văn Kha – Chủ tịch UBND xã Duy Tân cho biết, huyện Kinh Môn đã xuống kiểm tra và yêu cầu công ty Trường Khánh  ngừng hoạt động, gỡ bỏ và di chuyển nhà máy khỏi khu vực xây dựng trái phép nhưng đơn vị này đã thực hiện chậm trễ theo kế hoạch cam kết.

dân lập chiến lũy
Chiếc máy xúc do nhóm người lạ mặt bỏ lại trong đêm truy đuổi người dân. 
dân lập chiến lũy
Nhà máy hóa chất gây ô nhiễm đã ngừng hoạt động. Ảnh chụp ngày 10/7. 

Đồng thời, xã tuyên truyền vận động người dân dừng hoạt động dừng lều bạt cản đường vào nhà máy để ổn định tình hình địa phương.

Trong khi đó, trả lời qua điện thoại với phóng viên, ông Trần Văn Khoa – đại diện công ty TNHH Trường Khánh cho biết, thực hiện thông báo của huyện Kinh Môn, công ty đã tiến hành tháo dỡ nhà máy, đến nay công việc đã hoàn thành đến 90% và “việc chậm trễ là do sự cản đường của người dân”.

Hiện “chiến lũy” của người dân thôn Châu Xá vẫn đang tiếp tục hoạt động, người dân nơi đây vẫn mong chờ sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng để vự việc sớm được giải quyết.

 “Cảm ơn VTC News đã vào cuộc”

Vụ việc người dân Châu Xá lập “chiến lũy” để phản đối nhà máy hóa chất gây ô nhiễm, đấu tranh “giành sự sống” trong nhiều ngày qua đã được Báo điện tử VTC News liên tục cập nhật, phản ánh chân thực.

Gặp phóng viên VTC News ngày 10/7, ông Lê Văn Hanh, đại diện người dân Châu Xá xúc động cho biết, mỗi khi VTC News đăng tải về sự việc dân làng đều háo hức đón đọc, những cụ già không đọcđược báo mạng được những người trẻ in bài và đọc cho nghe.

“Nghe xong, ai cũng vui mừng vì VTC News đã lên tiếng giúp người dân, cảm ơn VTC News vì những bài báo” – ông Hanh chia sẻ.

Trong một diễn biến khác, ngày 10/7, sau loạt bài của VTC News về sự việc trên, Văn phòng Bộ Công an đã có công văn yêu cầu Công an tỉnh Hải Dương chỉ đạo, kiểm tra, xử lý thông tin vụ việc, sớm thông báo kết quả xử lý.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.


Bạch Dương – Hà Minh

Bình luận
vtcnews.vn