Dân kêu trời bãi rác hôi thối ngay giữa TP.HCM

Thời sựThứ Bảy, 15/08/2015 12:50:00 +07:00

Dù có sự can thiệp của công nghệ hiện đại Mỹ, và mỗi ngày tiêu tốn 49.000 USD nhưng sự hôi thối, ô nhiễm không khí từ bãi rác Đa Phước khiến người dân kêu trời.

Dù có sự can thiệp của công nghệ hiện đại Mỹ, và mỗi ngày tiêu tốn 49.000 USD nhưng sự hôi thối, ô nhiễm không khí từ bãi rác Đa Phước khiến người dân kêu trời. 

Dân “dài cổ” chờ đền bù để di dời
Hoạt động từ ngày 1/11/2007 đến nay, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (gọi tắt là bãi rác Đa Phước) tại xã Đa Phước huyện Bình Chánh, TP.HCM do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư. Hiện nay, mỗi ngày bãi rác Đa Phước xử lý khoảng 5.000 tấn rác của thành phố, cùng với khoảng 4.000-5.000 tấn rác của bãi rác Phước Hiệp đã làm cho hệ thống bãi chứa rác ở đây quá tải.
Trên thực tế, bãi rác Đa Phước được cho là có sự “can thiệp công nghệ” hiện đại của Mỹ, và thành phố mỗi ngày phải mất hơn 49.000 USD để chi trả cho việc xử lý rác ở đây. Công nghệ hiện đại ở đâu chưa thấy nhưng việc gây ô nhiễm từ bãi rác này khiến người dân quanh vùng lên tiếng phản đối kịch liệt.
San lấp để mở rộng diện tích chứa rác thải.
Các loại xe chuyên dụng hoạt động liên tục trên “núi rác”.
Theo người dân ấp 3, xã Đa Phước cho biết, hiện tại bãi rác Đa Phước đang làm bờ đê để mở rộng bãi chứa rác.
Ông Chín Mùi, người dân ở tổ 9, ấp 3 cho biết thêm, đã có quy hoạch vành đai cây xanh xung quanh khu vực bãi rác Đa Phước với bán kính ban đầu 1km nhưng sau đó có khu vực giảm xuống còn 300m. Quy hoạch được đề ra khoảng năm 2011, theo đó người dân nằm trong quy hoạch sẽ được đền bù và di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm. 
“Quy hoạch có cùng thời điểm quy hoạch đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, người dân ở quy hoạch đường cao tốc đã nhận đền bù và di dời từ lâu, còn dân ở đây chờ dài cổ vẫn chưa thấy đâu. Hiện tại dân chúng tôi mong ngóng được đền bù từng ngày để di dời đi nơi khác. Bãi rác hiện tại đã rất hôi thối, mà mở rộng ra đây thì chắc ung thư chết hết”(gần khu vực nhà ông Chín Mùi - PV), ông Mùi nói.
Xe ủi đang san lấp một đoạn bờ đê mới trong kế hoạch mở rộng khu vực chứa rác.
Xe ủi đang san lấp một đoạn bờ đê mới trong kế hoạch mở rộng khu vực chứa rác. 
Bà Tâm ngụ tổ 7 bức xúc: “Mỗi lần họp chúng tôi đều có ý kiến nhưng càng ngày ô nhiễm càng trầm trọng hơn. Có lần họp có cả lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh, mấy ông ấy cũng có hứa sẽ khắc phục vấn đề mà bà con phản ánh, vậy mà đến nay đâu vẫn vào đấy. Xã tên Đa Phước mà có thấy “phước đâu”, “vô phước” chứ đa phước cái nỗi gì”.
Bà Tâm còn cho biết thêm, bà có đất nằm ngay bên cạnh khu vực bờ rào của bãi rác Đa Phước, thời gian đầu thì còn được đi trên bờ đê của bãi rác nhưng sau đó bảo vệ ở đây cấm không cho đi. Lý giải điều này bà Tâm cho rằng, vì báo chí đăng nhiều phản ánh quá nên họ không cho đi trên khu vực đó để giảm đến mức thấp nhất PV quay phim, chụp hình bãi rác.
Bãi rác Đa Phước với hàng rào lưới B40 kiên cố và canh phòng cẩn mật bởi một đội bảo vệ chuyên nghiệp, sẵn sàng rượt đuổi phóng viên.
Bãi rác Đa Phước với hàng rào lưới B40 kiên cố và canh phòng cẩn mật bởi một đội bảo vệ chuyên nghiệp, sẵn sàng rượt đuổi phóng viên. 

Đường vào khu vực bãi rác Đa Phước hiện tại chỉ có duy nhất cổng chính hướng từ quốc lộ 50 đi vào khoảng 1,5km. Ngày 12/8, khi vừa đến trước cổng khu vực bãi rác, chúng tôi đã bị bảo vệ chặn lại và mời ra. Hỏi nhiều người dân thì cũng chỉ nhận được câu trả lời là không có đường nào khác vào bãi rác ngoài đường cổng chính này.
Khu vực phía sau bờ đê đã sẵn sàng tiếp nhận lượng rác lớn đổ về.
Khu vực phía sau bờ đê đã sẵn sàng tiếp nhận lượng rác lớn đổ về. 

Theo một công nhân làm việc trong bãi rác cho biết, khu vực xung quanh bờ rào luôn có lực lượng bảo vệ tuần tra liên tục. Đặc biệt khu vực hồ nước thải của bãi rác thì có khoảng 3-4 bảo vệ canh phòng cẩn mật cả ngày lẫn đêm. Xung quanh rào vẫn có lối vào do công nhân tự khoét để tiện đi lại, nhưng đặc biệt ở khu vực hồ nước không có lối vào từ bên ngoài.
Anh công nhân này cũng cho biết, anh làm việc ở đây đã lâu nhưng không thấy ống nước xả thải của bãi rác. Khoảng năm 2012, bờ đê của hồ nước thải bị vỡ và chỉ sau 1 đêm nước trong hồ đã chảy ra sông hết. Nguyên đoạn sông nước chuyển sang màu đỏ gạch và cá chết nổi trắng cả sông.
PV thắc mắc vì sao bờ đê nhìn có vẻ chắc chắn như thế mà lại bị vỡ? Anh công nhân cho rằng, “Vỡ đê” chỉ là do họ (người có trách nhiệm trong bãi rác Đa Phước - PV) dựng lên để nói với người ta thôi chứ thật ra việc vỡ đê là việc làm có chủ đích. “Hiện tại nước trong hồ vẫn có màu đỏ gạch và có mùi hôi thối, thả con cá xuống 1 phút là nó chết ngay. Tôi nghĩ chắc không bao lâu nữa sẽ có chuyện “vỡ đê” tương tự”, anh công nhân cho biết thêm.
Ngân sách chi tiền nhiều, ô nhiễm chẳng cải thiện bao nhiêu
Bãi rác Đa Phước hoạt động đến nay gần 8 năm, “ngốn” ngân sách nhà nước một số tiền khổng lồ nhằm mục đích cuối cùng là cải thiện môi trường.
Kỳ họp HĐND TP.HCM khóa VIII vừa qua nhiều đại biểu đã bày tỏ bức xúc của người dân đối với bãi rác này. Trước đó, trong lần tiếp xúc cử tri TP.HCM ngày 17/5/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổ ĐBQH đơn vị 1 Quốc hội khóa VIII cũng đã tiếp nhận nhiều bức xúc của cử tri liên quan đến việc gây ô nhiễm của bãi rác Đa Phước. Thậm chí có cử tri còn đặt vấn đề liệu có hay không “lợi ích nhóm” đối với bãi rác này?
Rác đổ thành đống và chưa che bạt rất hôi thối.
Rác đổ thành đống và chưa che bạt rất hôi thối. 

Theo số liệu không chính thức, so sánh mức chênh lệch trong việc chi trả tiền xử lý rác giữa bãi rác Phước Hiệp - Củ Chi với bãi rác Đa Phước năm 2007 (5USD/tấn so với 16,4USD/tấn) thì mỗi năm tiền chênh lệch chi trả cho bãi rác Đa Phước hơn 12 triệu USD (11,4USD x 3.000 tấn x 365 ngày). 
Mỗi năm thành phố phải tăng 3% giá cho VWS, đơn vị này được vay 9 triệu USD và 100 tỷ VND với lãi suất 0%. Thực tế số tiền chênh lệch được chi trả cho việc xử lý rác ở bãi rác Đa Phước có thể lớn hơn so với hiện tại. Được ưu ái hơn so với nhiều doanh nghiệp khác và với mức chênh lệch như thế nhưng việc đảm bảo xử lý ô nhiễm môi trường của VWS đến hiện tại vẫn đang là bài toán khó đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động, rất nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng phản ánh những bức xúc của người dân đối với việc ô nhiễm mà bãi rác này gây ra, thế nhưng nó vẫn tồn tại, bất chấp dư luận.
San lấp để mở rộng diện tích chứa rác thải.
San lấp để mở rộng diện tích chứa rác thải. 

Việc xử lý nước rỉ ra từ rác (khoảng 800m3/ngày tương ứng với 3.000 tấn rác) cũng là vấn đề không nhỏ. Thời điểm đó VWS chỉ mới vận hành được hệ thống xử lý nước rỉ rác 150m3/ngày. Mỗi năm lượng rác thành phố thải ra đều tăng nhanh (dự kiến đến năm 2020 là 16.000 tấn/ngày) vậy công nghệ xử lý nước rỉ từ rác thải của VWS hiện nay có đáp ứng được yêu cầu hay chưa?
Nước thải từ bãi rác chảy thẳng ra nguồn cấp nước cho Thủ đô

Trước đó từng có hiện tượng “vỡ đê” với lượng nước khổng lồ chưa qua xử lý tràn ra môi trường sống của người dân thì liệu rằng với hồ nước thải có màu đỏ gạch, rất thối như hiện nay liệu có lập lại kịch bản“vỡ đê” lần nữa hay không?
Lối đi nào cho người dân Đa Phước và nhiều khu vực dân cư khác đang bị bãi rác này ngày đêm “tra tấn” bởi sự ô nhiễm? Câu trả lời người dân đang khát khao mong chờ ở cơ quan chức năng!

Nguồn: Người tiêu dùng
Bình luận
vtcnews.vn