Dân chống cát tặc, cơ quan chức năng ở đâu?

Thời sựThứ Ba, 29/04/2014 07:20:00 +07:00

(VTC News)- Không cam chịu mất đất đai, người dân đã dùng kẻng, trống, còi hú báo động để cùng nhau xua đuổi, vây bắt mỗi khi cát tặc cướp đất.

(VTC News)- Không cam chịu mất đất đai, người dân đã dùng kẻng, trống, còi hú báo động để cùng nhau xua đuổi, vây bắt mỗi khi cát tặc cướp đất.  

Như VTC News đã phản ánh về tình trạng cát tặc lộng hành, xâm phạm hành lang bảo vệ luồng, làm sạt lở đất đai, ruộng vườn của người dân bên bãi bồi sông Luộc, đoạn chảy qua thôn Tri Lễ, xã Hà Thanh (Tứ Kỳ, Hải Dương) trong thời gian qua. Nguy hiểm hơn, cát tặc còn tấn công người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Vụ việc xảy ra ngày 25/4 vừa qua, lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng cát tặc lộng hành. Người nông dân không cam chịu cảnh mất đất đai, ruộng vườn nên đã cùng nhau đồng tâm hiệp lực xua đuổi, truy bắt cát tặc, còn chính quyền và các ngành chức năng thì.... bất lực.  

Khi dân làm thay chính quyền  

Trưa 25/4, sau khi xảy ra vụ việc cát tặc tấn công khiến một nông dân phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não, PV VTC News đã có mặt tại hiện trường. Người dân vô cùng bức xúc, bày tỏ quan điểm “quyết chiến” với cát tặc đến cùng chứ không chịu lùi bước.
cát tặc, Tứ Ký, Hải Dương, sông Luộc, Hải Phòng
Đã 84 tuổi, nhưng lão nông này vẫn cùng người dân trong làng quyết bảo vệ ruộng vườn - Ảnh MK 
Nhiều người dân nơi đây cho biết, chính con tàu “không đăng ký, đăng kiểm, không biển số” sáng 25/4 bị xua đuổi, lâu nay thường xuyên vào hút trộm cát khu vực bãi triều ven sông Luộc. Đây là đất sản xuất nông nghiệp người dân trồng hoa màu hàng năm.

Ban ngày, cát tặc khai thác từ 5-6 chuyến/ngày, còn ban đêm thì không biết bao nhiêu. Người dân thường xuyên báo cho chính quyền địa phương, nhưng chính quyền bảo không có đủ phương tiện, lực lượng để xử lý, mà chỉ phối hợp với lực lượng cảnh sát đường thủy bắt giữ, xử lý nhưng rồi đâu lại vào đấy.
cát tặc, Tứ Ký, Hải Dương, sông Luộc, Hải Phòng
Chiếc kẻng được đặt trên trần nhà, mỗi khi có cát tặc, một hồi kẻng báo động là cả làng cùng nhau ra xua đuổi cát tặc - Ảnh MK 
Không còn cách nào khác, người dân phải tự bảo nhau, huy động nhân lực, gom góp kinh phí 20.000 đồng/hộ, các hộ có điều kiện kinh tế ủng hộ nhiều hơn để mua sắm các phương tiện, dụng cụ để ngăn chặn tình trạng cát tặc lộng hành.

Ngoài các phương tiện kẻng, trống, người dân còn mua sắm cả còi hú (loại còi thường dùng cho xe cứu thương và ngành Công an, Quân đội) giao cho một lão nông cài đặt sẵn trên chiếc xe đạp để chạy khắp làng báo động cho người dân ra vây bắt, xua đuổi mỗi khi cát tặc vào triền sông hút trộm cát, làm sạt lở ruộng vườn.
cát tặc, Tứ Ký, Hải Dương, sông Luộc, Hải Phòng
Lão nông này có nhiệm vụ bấm còi hú báo động khi có cát tặc đến hút trộm cát - Ảnh MK  
Vụ việc một chiếc tàu hút cát bị đắm trên sông Luộc khi bị người dân xua đuổi xảy ra cuối năm 2013 vừa qua, tưởng chừng nạn cát tặc sẽ chấm dứt, tuy nhiên từ đầu năm nay, tình trạng các tàu vào khai thác cát trái phép vẫn diễn ra hàng ngày, khiến người dân bức xúc, bỏ cả việc nhà để thay nhau phục kích, ngăn chặn.  

Chính quyền có dung túng cho cát tặc?  

Mới đây, trong buổi làm việc với UBND xã Thắng Thủy (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), chúng tôi được biết, ông Tống Duy Vương (ngoài 40 tuổi) là người trong xã, có thành lập Công ty chuyên sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Con tàu trong vụ cát tặc tấn công trọng thương người dân thôn Tri Lễ, xã Hà Thanh (Vĩnh Bảo) là của ông Vương.

Ông Vương có bãi tập kết vật liệu, chủ yếu là cát đen, với diện tích trên 3.000m2, nằm bên bờ sông Luộc, thuộc địa bàn thôn Hà Phương (xã Thắng Thủy), do ông Vương tự hoán đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân mà thành chứ chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đây được coi là bãi cát “bất hợp pháp” đã tồn tại nhiều năm qua.
cát tặc, Tứ Ký, Hải Dương, sông Luộc, Hải Phòng
Con tàu này hoạt động bất hợp pháp nhiều năm qua nhưng vẫn chưa bị xử lý - Ảnh Minh Khang 
Khi được hỏi, cát tập kết trên bãi của ông Vương được chuyển từ đâu về và vận chuyển đi đâu, một số cán bộ xã nói “không biết”, có người lại cho rằng “bán cho người dân trong thôn”.

Về nghi vấn con tàu không đăng ký, đăng kiểm, không biển số, người lái tàu không có bằng lái nhưng vẫn hoạt động nhiều năm qua trên địa bàn xã, ông Tống Khánh Thản - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hầu hết các tàu khai thác cát đều trong tình trạng như vậy”.

Một cán bộ địa chính xã cho biết, trong các cuộc họp giao ban với huyện Vĩnh Bảo, ông đã nhiều lần đề nghị với cấp trên có biện pháp xử lý đối với trường hợp này, tuy nhiên, huyện chưa có động thái nào xử lý dứt điểm.

Còn theo trưởng Công an xã, lực lượng Công an chủ yếu làm nhiệm vụ xua đuổi cát tặc, còn nếu có kế hoạch bắt giữ phải có sự phối hợp, giúp đỡ của các ngành chức năng của huyện, vì các đối tượng cát tặc rất manh động.

Mới đây, đích thân ông đã phải nổ súng xua đuổi một tàu cát tặc vào hút trộm cát bên triền sông Luộc, thuộc địa phận xã.
cát tặc, Tứ Ký, Hải Dương, sông Luộc, Hải Phòng
Chính quyền địa phương nói không có phương tiện, nhưng người dân sẵn sàng dùng 2 con thuyền nan chòng chành trên sông, đối mặt với nguy hiểm như thế này để xua đuổi cát tặc - Ảnh MK 
Sau sự việc cát tặc đánh người dân trọng thương hôm 25/4, ông Trần Văn Điền - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Thanh xác nhận với PV VTC News, việc  bị hút trộm 5-6 chuyến cát mỗi ngày như người dân phản ánh là có và đã diễn ra trong suốt thời gian qua. Trộm được cát, họ lại đổ lên bãi cát của ông Vương (xã Thắng Thủy, Vĩnh Bảo).

Chính quyền có 2 công an viên của xã ở địa bàn thôn Tri Lễ cũng thường xuyên phối hợp với người dân theo dõi biến động của cát tặc. Tuy nhiên, các đối tượng trộm cát di chuyển rất nhanh. Mỗi khi có lực lượng đến bắt giữ, cát tặc lại thu quân chạy về phía bờ bên kia sông thuộc địa phận huyện Vĩnh Bảo nên ít khi bắt được.

Về phía xã, do thẩm quyền có hạn, lực lượng mỏng, phương tiện không có, chỉ có huyện mới có đoàn liên ngành đủ điều kiện tuần tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép.

Trước nghi vấn đội quân cát tặc được bảo kê, ông Điền khẳng định: Xã Hà Thanh không có hiện tượng bảo kê cho cát tặc, cát tặc chủ yếu nằm ở địa bàn Hải Phòng.

Đến nay, dư luận đang chờ câu trả lời về trách nhiệm của chính quyền hai địa phương nơi con sông Luộc bị cát tặc lộng hành, tấn công người dân thời gian qua.

Còn người dân vẫn tự mua sắm phương tiện, cắt cử nhau trông coi ruộng vườn suốt ngày đêm. Đã có 2 người dân đổ máu trên con sông này.

Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đang ở đâu?   

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn