Dân chê cấp cứu chậm, lãnh đạo 115 nói gì?

Sức khỏeThứ Tư, 17/10/2012 06:24:00 +07:00

(VTC News) - Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, người dân vội vàng gọi taxi hay chở bệnh nhân đi cấp cứu bằng xe máy có thể gây hậu quả nặng nề

VTC News) - Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội Nguyễn Văn Chánh cho biết, bị nhồi máu cơ tim mà đưa bệnh nhân đi xe máy hay đi taxi thì bệnh nhân sẽ nặng lên; Gãy xương đùi học gãy chấn thương đốt sống cổ, nếu bệnh nhân không được dùng thuốc giảm đau, chống sốc, nẹp đùi, nẹp cổ thì sẽ rất nguy hiểm.

Xung quanh chiếc xe cấp cứu, người thì hài lòng nhưng có người thì chê trách, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Chánh Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội.

 Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Chánh Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội.

Để phục vụ người dân Hà Nội, Trung tâm cấp cứu 115 hiện hoạt động như thế nào, thưa ông?

Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội là Trung tâm chuyên khoa thuộc Sở Y tế Hà Nội với nhiệm vụ chính là cấp cứu, vận chuyển cấp cứu người bệnh, người bị tai nạn tại cộng đồng trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Ngoài ra còn phục vụ các sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa, thể thao diễn ra trên địa bàn Thành phố. 

Hiện toàn trung tâm về mặt tổ chức có 01 Trạm cấp cứu khu vực Trung tâm tại 11 Phan Chu Trinh và 04 Trạm cấp cứu khu vực đặt tại 4 cửa ngõ của Thành phố với tổng số 15 kíp xe thường trực 24/24 giờ, đáp ứng yêu cầu cấp cứu, vận chuyển cấp cứu của người dân qua số điện thoại 115.

Trạm cấp cứu trung tâm tại 11 Phan Chu Trinh có 05 kíp cấp cứu và 01 xe phục vụ cho vận chuyển bệnh nhân tâm thần đáp ứng yêu cầu cấp cứu tại các quận nội thành.

Trạm cấp cứu khu vực Từ Liêm đặt tại bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội với 3 kíp trực 24/24 giờ, đáp ứng cấp cứu và vận chuyển cấp cứu cho dân ở khu vực Từ Liêm, Cầu Giấy, một phần các quận Thanh Xuân, Đống Đa;

Trạm cấp cứu khu vực Gia Lâm đặt tại Trung tâm y tế Long Biên, đáp ứng yêu cầu cấp cứu cho khu vực quận Long Biên, huyện Gia Lâm và một phần khu vực Đông Anh, những tai nạn giao thông ở quốc lộ 3; 5.

Trạm thứ 3 là trạm cấp cứu khu vực Thanh Trì đặt tại bệnh viện đa khoa Thanh Trì với 02 kíp xe, đáp ứng cho khu vực Thanh Trì, Hoàng Mai, Thường Tín, một phần quận Thanh Xuân., các tai nạn Quốc lộ 1, Đường 70…

Trạm thứ 4 đặt tại trung tâm y tế Hà Đông với 02 kíp xe, đáp ứng yêu cầu cấp cứu tại quận Hà Đông, một phần quận Thanh Xuân, Từ Liêm và những tai nạn giao thông ở Quốc lộ 6.

Hiện nay  trung bình mỗi ngày chúng tôi phục vụ cấp cứu, vận chuyển cấp cứu tất cả khoảng 80 chuyến/ngày. Với khả năng của trung tâm hiện có thể đáp ứng được hơn 100 ca/ngày.

Nhưng thực tế là vẫn có người chưa hài lòng với cấp cứu 115 Hà Nội vì sợ xe đến muộn?

Trước đây, 115 Hà Nội chỉ có 1 địa điểm ở 11 Phan Chu Trinh nên vào giờ cao điểm đi từ Trung tâm đến cấp cứu ở khu vực ngã Tư Sở, Cầu Giấy rất khó khăn. Nhưng hiện đã có thêm 4 trạm thì cấp cứu khu vực nên khả năng đáp ứng cũng nhanh hơn.

Tất cả thông tin các cuộc gọi điện thoại đến 115 yêu cầu cấp cứu như giờ gọi đến, giờ xe đi đều được chúng tôi ghi lại chi tiết. Thời gian từ khi tiếp nhận thông tin đến khi xe xuất phát trong trung tâm chỉ từ 2 - 3 phút.

Nhưng từ nơi xuất phát ở Trung tâm hay các Trạm đến nơi yêu cầu có rất nhiều yếu tố khách quan như đường tắc, đường đông, giờ cáo điểm … mà chúng tôi cũng rất khó kiểm soát được.

Đi trên đường, khi có tín hiệu còi đèn xin ưu tiên cũng có người nhường đường, hoặc muốn nhường đường mà đường lại đông quá, nhưng cũng có người không muốn nhường đường vì thấy trên xe xe cấp cứu không có bệnh nhân.

Trên thực tế, trên xe chưa có người bệnh chúng tôi càng phải đi thật nhanh để kịp thời đến cấp cứu chứ đã có bệnh nhân trên xe tức là bệnh nhân đã được xử lý cấp cứu ban đầu rồi và chuyên môn chủ động được việc chăm sóc, theo dõi người bệnh.

Phải chăng các kíp trực hoạt động mức độ vừa phải là do nhiều người dân chưa biết đến dịch vụ 115 hay họ e ngại giá thuê đắt, thưa ông?

 

Hiện cấp cứu 115 còn miễn phí cho người có công, cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đây là chính sách nhân đạo của nhà nước ta.
Ông Trần Văn Nam, Giám đốc Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội
 
Nói là 115  cấp cứu trên toàn thành phố, nhưng hiện nay, trung tâm đáp ứng được nhu cầu cấp cứu tại các quận nội thành và một số huyện ngoại thành vùng ven như Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì. Còn xa quá thì không đáp ứng được.

Khi có những trường hợp như vậy, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho người dân liên hệ với bệnh viện gần nơi người đó sống để yêu cầu cấp cứu.

Hiện tại, khả năng đáp ứng cấp cứu của Trung tâm  đối với cuộc gọi đến 115 là trên 99%. Tuy nhiên so với tổng số các ca cấp cứu đưa đến các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội thì vẫn còn thấp chỉ chiếm khoảng 10% trở lại. Còn lại đa số đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng phương tiện khác như taxi, xe máy, xích lô...

Hiện chúng tôi đang tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của công tác cấp cứu trước bệnh viện, nếu người bệnh được xử trí cấp cứu ban đầu kịp thời, đúng kỹ thuật sẽ giúp cho giảm tỉ lệ tử vong, giảm biến chứng nặng cho người gặp nạn, bị bệnh và rút ngắn thời gian điều trị tại bệnh viện.

Nhiều người dân vẫn còn chưa biết gọi đến số 115 khi cần cấp cứu. Hơn nữa, họ cũng e ngại, gọi như vậy phải trả phí cao cho 1kíp cấp cứu vì trả cho bác sĩ, điều dưỡng, thuốc… Nhưng người bệnh không biết rằng, 115 chỉ thu 1 phần phí rất thấp theo bảng giá quy định của Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội.

Cấp cứu tại nhà với cự ly dưới 10 km thu có 80 nghìn đồng cho cả ê kíp cả thuốc, nhân lực. Cấp cứu chuyển viện thu 120 nghìn đồng.

Nếu đi xa hơn thì thu 120 nghìn và 200 nghìn đồng. Như vậy, chi phí rất thấp, không bằng đi taxi.

Vậy quy trình tiếp nhận điện thoại cấp cứu của người dân thế nào để việc cấp cứu được nhanh chóng?

Hiện Tại Trung tâm có bộ phận điều hành cấp cứu bố trí 03 nhân viên trực hàng ngày, với 4 line tiếp nhận thông tin yêu cầu cấp cứu tại cộng đồng, 2 line còn lại thì dùng để điều hành. Người dân sử dụng bất cứ mạng điện thoại nào cũng có thể gọi được 115.

Sau khi nhận được thông tin, bộ phận tiếp nhận sẽ hỏi một số thông tin cơ bản như địa điểm, tình trạng bệnh nhân, địa điểm đón và số điện thoại liên lạc khi cần thiết.

Ở đây có hiện số điện thoại gọi đến nhưng người trực vẫn phải hỏi số điện thoại để chắc chắn đó là cuộc gọi yêu cầu cấp cứu thật. Vì thực tế, có một tỉ lệ không nhỏ các cuộc điện thoại gọi đến 115 để trêu.

Sau khi tiếp nhận thông tin, tùy theo địa bàn, người trực sẽ dùng bộ đàm hoặc điện thoại điều xe ở các khu vực cho phù hợp, đảm bảo thời gian đáp ứng nhanh nhất.

Khi đến, bệnh nhân được bác sĩ thăm khám và xử trí cấp cứu ban đầu, nếu tình trạng không nặng, có thể để bệnh nhân ở nhà. Còn với trường hợp nặng, kíp xe cấp cứu sẽ chở bệnh nhân đến cấp cứu ở bệnh viện gần nhất hoặc theo chuyên khoa cấp cứu hoặc đi theo tuyến bảo hiểm của bệnh nhân.

Có người phàn nàn gọi mãi không thấy nhấc máy vậy lý do là gì và khi gặp như vậy họ phải làm gì thưa ông?

Bộ phận trực điện thoại chúng tôi bố trí 3 cán bộ trực, tối thiểu lúc nào cũng phải có 2 người ngồi trực. Có trường hợp người dân gọi đến không liên hệ được có thể do các máy đều bận. Thậm chí có máy điện thoại trục trặc mà nhân viên điều hành điện thoại không biết.

Bản thân tôi khi gọi 115 cũng không được, tôi phải vừa đi xuống chỗ trực vừa gọi số 115 để kiểm tra, nhân viên vẫn ngồi đó nhưng máy không đổ chuông. Như vậy, đường dây bị hỏng nên phải gọi công ty cung cấp dịch vụ để sửa…

Gặp phải trường hợp như vậy, tốt nhất nên dập máy và gọi lại.  Vì có 4 line nên các line sẽ luân phiên nhận cuộc gọi.

Phí sử dụng xe cấp cứu dán trên xe.

Khi có bệnh nhân cần cấp cứu ngay, tâm lý hiện nay rất sợ gọi đến 115, vì sợ chậm, ảnh hưởng tới tính mạng. Phần lớn họ chủ động đưa đi bệnh viện cấp cứu. Ông có lời khuyên gì cho người dân trong tình huống này?

Vai trò của sơ cấp cứu ban đầu là rất quan trọng. Nếu không có kiến thức sơ cấp cứu ban đầu, hoặc cấp cứu không đúng kỹ thuật rất có thể người bệnh dễ gặp nguy cơ cao hơn.

Ví dụ bị nhồi máu cơ tim mà đưa bệnh nhân đi xe máy hay đi taxi thì bệnh nhân sẽ nặng lên; Gãy xương đùi học gãy chấn thương đốt sống cổ, nếu bệnh nhân không được dùng thuốc giảm đau, chống sốc, nẹp đùi, nẹp cổ thì sẽ rất nguy hiểm.

Có thể người nhà bệnh nhân không hiểu nên gọi taxi hoặc cho người bệnh lên xe máy chở đi đến viện mà không lường trước được, có những ca cấp cứu cần phải cố định người bệnh, phải nằm trên cáng chứ không được ngồi… mới giữ được tính mạng cũng như sự an toàn cho người bệnh.

Song chỉ cần nhấc máy gọi 115 bạn đã có thể được các bác sĩ, các điều dưỡng trực điện thoại tư vấn cho việc sơ cấp cứu ban đầu. Ví dụ sốt thì làm gì, bị chảy máu thì cầm máu ra sao…

Xin cảm ơn ông.

Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn