Dân Anh đồng ý rời EU: Người hốt bạc, kẻ thân tàn

Kinh tếThứ Sáu, 24/06/2016 17:08:00 +07:00

Sự kiện Anh trưng cầu dân ý rời Liên minh châu Âu (EU) khiến tất cả các thị trường biến động rất mạnh, trong đó người hốt bạc, kẻ thân tàn.

Hôm nay, 24/6, là ngày quan trọng không chỉ với nước Anh mà còn với cả thế giới khi phong trào Brexit (Anh rời khỏi châu Âu) thắng thế. Người dân Anh bỏ phiếu bầu để quyết định Anh có rời Liên minh châu Âu (EU) hay không. Sau khi tất cả 382 khu vực bỏ phiếu đều đã tiến hành kiểm phiếu xong, nước Anh công bố kết quả với tỷ lệ người dân Anh chọn rời khỏi EU là 51,9%.

Đây là kết quả đã được dự báo trước vì vậy trước đó, các thị trường tài chính, chứng khoán, vàng, dầu đã có những biến động rất mạnh theo kết quả này. Trong khi thị trường vàng dầu leo lên những kỷ lục mới, thị trường chứng khoán chao đảo và đồng bảng Anh sụt giá thê thảm.

Brexit 1

 Những người ăn mừng vì Brexit

Vàng, đồng Yên Nhật “dậy sóng”

Thị trường được hưởng lợi nhiều nhất có lẽ là vàng. Ngay từ đầu giờ sáng 24/6, giá vàng thế giới đã không ngừng leo dốc, đạt “đỉnh” 2 năm. Có thời điểm, giá vàng thế giới leo lên 1.340 USD/ounce, tăng 140 USD/ounce so với “đáy” của đêm qua.

Lúc này, mặc dù đã hạ nhiệt nhưng giá vàng vẫn duy trì được đà tăng rất mạnh khi có thêm gần 70 USD/ounce và đạt mức 1.325 USD/ounce. Giá vàng ghi nhận có được mức tăng mạnh mẽ nhất kể từ 2008, thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng.

Hiện tại, vàng đang được xem là nơi trú ẩn an toàn tốt nhất trong bối cảnh các thị trường hứa hẹn sẽ có nhiều biến động.

Trong thị trường kim loại quý, không chỉ vàng “dậy sóng”, bạc cũng được hưởng lợi từ Brexit. Dù tốc độ đi lên khiêm tốn hơn vàng nhưng hôm nay, giá bạc cũng đã tăng 3% và đạt đỉnh cao mới.

Song hành cùng vàng là đông yên Nhật (JPY). Thực ra, JPY đã “khởi động” đà tăng từ khá lâu. Brexit chỉ là yếu tố tác động thêm đẩy JPY lên các đỉnh cao mới so với USD, đồng bảng Anh (GBP) và đồng đô la Úc (AUD). Cùng với vàng, JPY được đánh giá là nơi trú ẩn an toàn. Sau khi kết quả bầu chọn cho thấy nước Anh sẽ rời EU, JPY tiếp tục bứt phá. JPY tăng 3,7% so với USD.

Bảng Anh, chứng khoán, dầu chao đảo

Cùng nằm trong rổ tiền tệ như JPY nhưng GBP lại có số phận khác. Anh rời EU đồng nghĩa với việc nhiều khó khăn có thể sẽ xảy ra với nước Anh. Vì vậy, GBP liên tục trượt dốc kể từ khi Brexit được phát động. Hiện tại, GBP rơi xuống mức thấp nhất 31 năm.

Cụ thể, khi Brextit được người dân bỏ phiếu, GBP giảm 11% xuống 1,3229/USD, mức thấp nhất kể từ năm 1985. Theo thống kê, con số 10% là mức giảm lớn nhất trong một ngày đối với một đồng nội tệ. Như vậy có thể thấy GBP đã giảm sâu đến như thế nào.

Đà giảm của GBP mạnh đến mức một số chuyên gia tài chính còn so sánh đà lao dốc của GBP có sức công phá tương đương với sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ. Mà Lehman Brothers là nguyên nhân “khơi mào” cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008.

Cần phải biết năm 1992, khi GBP  mới “chỉ” giảm 4,1%, Ngân hàng Trung ương Anh buộc phải rút GBP ra khỏi cơ chế hối đoái châu Âu.

GBP không phải “nạn nhân” duy nhất của Brexit. Giá dầu cùng chung “số phận” với GBP khi giảm tới 6% xuống 47,54 USD/thùng chỉ trong phiên giao dịch châu Á. Trong ngày 23/6, giá dầu nhảy vọt lên 50,9 USD/ounce nhưng Brexit đã ngăn cản đà hưng phấn của dầu.

Thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo không kém. Ngay sau khi kết quả được công bố, chỉ số Topix của thị trường Nhật Bản dẫn đầu đà sụt giảm ở châu Á khi “bốc hơi” hơn 7%.

brexit2

 Những người thê thảm vì Brexit

Thị trường chứng khoán châu Âu giảm sâu khi giá cổ phiếu ngân hàng lao dốc. Hôm nay, chứng khoán ghi nhận đà suy giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1987. FTSE 100 giảm 9%, Euro Stoxx 50 mất 11%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng trải qua những giây phút giao dịch điên rồ. Có thời điểm chỉ số VN-Index giảm tới 34 điểm. Điều đó đồng nghĩa với việc vốn hóa thị trường trên sàn giao dịch chứng khoán Tp.HCM “bốc hơi” tới 75.000 tỷ đồng.

Đối mặt với những biến động trên thị trường tài chính, chứng khoán, các Ngân hàng Trung ương châu Á cấp tốc tìm phương án đối phó với Brexit.

Theo Bloomberg, thống đốc Ngân hàng Trung ương và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cho biết Ngân hàng Trung ương của 6 nước phát triển đã chuẩn bị sẵn sàng các dòng hợp đồng hoán đổi tiền tệ để kích thích thanh khoản.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn