Đàm Vĩnh Hưng kể về quãng đời cơ cực làm thợ cắt tóc

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 15/11/2013 07:12:00 +07:00

(VTC News) - Cực chẳng đã, khi của nả trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi, chẳng còn đường thoát thân, anh thợ cắt tóc Huỳnh Minh Hưng khởi nghiệp từ đó.

(VTC News) - Cực chẳng đã, khi của nả trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi, chẳng còn đường thoát thân, anh thợ cắt tóc Huỳnh Minh Hưng khởi nghiệp từ đó.

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn mà gia đình Đàm Vĩnh Hưng liên tục gặp vận hạn. Kinh tế cứ nổi lên lại chìm xuống, nhưng thể số phận đang cố tình thử sức đôi vai gầy gỏ mỏng mảnh của mẹ anh xem có thể chịu đựng được đến đâu.

Cực chẳng đã, khi nhà cửa đất đai phải bán hết trừ nợ, của nả trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi, chẳng còn đường nào thoát thân, ba mẹ con Đàm Vĩnh Hưng lâm vào cảnh ly tán.

Trở thành anh thợ cắt tóc

‘Không được ở với mẹ, tôi và em gái về với ông bà ngoại. Ông bà thương anh em tôi lắm, để các cháu kiếm sống được, ông bà cho hai đứa tự chọn nghề để học, sau đấy sẽ ra làm ăn tự bảo ban nuôi sống nhau.

Trước đó tôi cũng có đi hát đám cưới ở nơi này nơi khác, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ hát sẽ là nghề để tôi nuôi sống chính bản thân và gia đình. Tôi quyết định chọn nghề tóc còn em gái chọn nghề may.

Tôi là người nắm bắt rất nhanh mọi vấn đề nên trong quá trình học, chỉ cần nhìn thầy làm là tôi có thể lặp lại y chang.

Thấy tôi sáng dạ, lại tốt tính nên thầy đã truyền đạt cho tôi nhiều kỹ thuật hơn với mong muốn tôi sẽ ở lại phụ giúp cửa hàng.

Ngày đó học cũng cực, cửa tiệm có một vị khách luôn bo 2000 đồng mỗi lần cô sấy gội. Thế nên những đứa học việc như tôi cứ thấy cô đến là tranh nhau được gội đầu cho cô.

2000 đồng nào có nhiều nhặn gì, nhưng năng nhặt chặt bị, có được đồng tiền là quý giá lắm rồi, nào ai kể giá trị là bao nhiêu.

Tích góp mãi, tôi mới dám mua chiếc xe đạp màu tím. Chiếc xe đó có vứt ngoài đường cũng không ai thèm lấy, nhưng tôi quý nó lắm bởi tôi mua nó bằng đồng tiền tự tay mình làm ra, còn gọi nó là chiếc Dream II của riêng mình nữa.

Giờ nghỉ trưa, khi học viên và thầy đi nghỉ trưa hết thì mình tôi ở lại, cố gắng vớt vát những vị khách chỉ thích đến tiệm những lúc vắng vẻ, nhờ đó mà tôi lên tay rất nhanh, và sau 5 tháng tôi đã thực sự vững nghề.

Sau đó, tôi quyết định ra mở cửa hàng riêng với hai người bạn bằng số vốn vay được từ ngoại. Và như thế, anh thợ cắt tóc Huỳnh Minh Hưng đã xuất hiện’.

Đàm Vĩnh Hưng
Thanh Lam như vị thánh
Năm 1991, Đài truyền hình Thành phố bắt đầu tổ chức cuộc thi Tiếng hát Truyền hình. Cũng như bao ca sĩ trẻ thời đó, Đàm Vĩnh Hưng hăng hái đăng kí với hi vọng đem về cho mình một giải thưởng nào đó.

Năm ấy có cả những ca sĩ như Như Quỳnh, Châu Tuấn tham dự. Việc có quá nhiều tên tuổi như thế khiến Ban tổ chức phải nâng giải thưởng lên thành một giải đặc biệt và hai giải nhất.

Cũng dễ hiểu tại sao Đàm Vĩnh Hưng lại không mang về cho mình được một danh hiệu nào: ‘Tôi dự thi với ca khúc Cô bé u sầu.

Đây là bài hát đinh mà tôi đã biểu diễn ở hết nơi này đến nơi khác. Đến nỗi mà tôi tưởng như có thể biết được bài hát này có bao nhiêu chỗ ngắt chỗ nghỉ, có bao nhiêu nốt Pha, nốt Sol…

Thế nhưng vẫn run lắm, mồ hôi mồ kê nhễ nhại tuôn ra như tắm. Lên đến sân khấu, chỉ biết thực hiện thật tốt phần trình diễn của mình thôi chứ cũng chẳng mơ tưởng giải thưởng nữa khi một loạt đối thủ nặng ký đang đứng ngoài kia.

Khi hát xong, mình như trút được gánh nặng và coi như đã hoàn thành công việc ở đây mặc dù lễ trao giải còn chưa bắt đầu'.

Năm sau và năm sau nữa, anh vẫn quyết tâm đi thi, với hy vọng may mắn sẽ mỉm cười với mình. Nhưng rồi, Đàm Vĩnh Hưng cũng chỉ trở về tay trắng trong hết cuộc thi này đến cuộc thi khác.

Chăm chú làm việc với tiệm làm tóc riêng của mình, còn ca hát chỉ được anh coi như là một sở thích, rảnh thì đi thi, không thì ở nhà làm đầu cho khách.

Nhưng nói về đam mê đâu có dễ dàng đến thế: ‘Hồi đó tôi mê Thanh Lam lắm. Ăn Thanh Lam, ngủ Thanh Lam, làm việc cũng Thanh Lam, đến nỗi nửa đêm giật mình tỉnh dậy cũng thấy mình đang hát nhạc Thanh Lam.

Trong máu tôi như có hình ảnh của cô ấy vậy. Mỗi lần nghe chị Lam hát trên tivi, chị có gì là ngày mai tôi có thứ đó: nón, áo choàng, đôi giày…, tất cả tôi đểu phải lùng bằng được mặc dù đem về rồi cũng chẳng biết có mặc được không, mặc đi đâu và làm gì.

Chỉ cần sở hữu một món đồ giống chị là tôi đã vui cả ngày rồi. Riêng chiếc khuyên mũi của chị là tôi không dám xỏ. Nhưng cũng nào chịu từ bỏ, ngay lập tức tôi mua hạt nhựa về dán vào, và ra chiều tâm đắc lắm.

Chính chị Lam đã nuôi dưỡng đam mê, sở thích ca hát để tôi cứ thế tham dự hết cuộc thi này đến giải thưởng khác.

Lúc đó cũng chẳng đặt nặng vấn đề giải thưởng nữa, mà chỉ đơn giản là được đứng lên sân khấu và hát cho mọi người nghe mà thôi.’
Đàm Vĩnh Hưng
Giải thưởng đầu tiên trong đời

Nói là không đặt nặng, nhưng ai đi thi mà chẳng mong muốn có thứ gì đó đem về để có thể tự hào với bạn bè, gia đình.

Mãi đến năm 1997, Đàm Vĩnh Hưng mới có giải thưởng đầu tiên cho riêng mình: ‘Thời gian đó, cứ ở đâu có cuộc thi là tôi lại lao đến, không phải ham hố giải thưởng hay gì, mà đơn giản tôi chỉ muốn được đứng trên sân khấu, được hát cho mọi người nghe sau những giờ miệt mài ở tiệm cắt tóc.

 Rất nhiều ca sỹ thời đó cũng như tôi như Mỹ Tâm, Quốc Đại, Nhất Thiên Bảo… Mọi người thi thố nhiều đến nỗi mà đi đâu cũng gặp từng đó người. Mà đã thi thì Mỹ Tâm bao giờ cũng được giải nhất, từ hết trung tâm này đến công viên kia.

Thời đó khó khăn, đi thi hát cũng chỉ là đi kiếm tiền, vài trăm nghìn, một triệu thôi nhưng cũng đủ làm động lực cho lứa ca sỹ trẻ lao vào những giải thưởng đó.

Mãi đến năm 1997, khi tôi tham gia thi ở Đầm Sen, tôi mới được giải thưởng đầu tiên trong đời mình, đó là giải khuyến khích, mà cũng là thí sinh cuối cùng được gọi lên nhận giải. Thế mới biết đời tôi không có duyên với những giải thưởng được.

Trước khi được đi học luyện thanh, lúc nào tôi cũng nghĩ mình hát hay. Nhưng có đi học rồi mới biết cái hay nhất là phải biết cái dở của mình ở đâu.

Học lớp thầy Hoài Nam vào lúc năm giờ chiều, mà giờ đó lại là giờ đông khách ở cửa tiệm cắt tóc, tôi cũng phải cắn răng đóng cửa tiệm cặm cụi đi học. Sau hai năm, tôi mới biết thế nào là luyện thanh, là lấy hơi, là mở vòm họng.

Chứ trước đó nào có biết gì đâu, cứ nghĩ rằng hát là bản năng, tại sao lại phải đi học. Nhưng có đến lớp mới biết việc học là vô biên, cứ hết kỹ thuật này mình lại học sang kỹ thuật khác, học chẳng bao giờ là đủ, nhất là với nghề hát này'.

Có cửa tiệm cắt tóc của riêng mình, có những sân khấu tuy nhỏ thôi nhưng được đứng trên đó để cất lên tiếng hát của mình, từng đó vẫn chưa đủ với Đàm Vĩnh Hưng.

Anh luôn nghĩ phải làm thêm cái gì đó, phải kiếm thêm tiền, và quan trọng hơn là phải cho những người hàng xóm đã từng chửi bới anh và gia đình trong những ngày thiếu nợ.

Nghĩ là làm, Đàm Vĩnh Hưng quyết định quay lại xóm cũ, bán đồ trả góp cho những người đã từng không coi anh ra gì…

(còn tiếp)

Long Chu

Bình luận
vtcnews.vn