Đắm tàu thảm khốc: Đổ lỗi cho nhau là 'tình tiết tăng nặng'

Thời sựThứ Ba, 13/08/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp QH nói việc các bên liên quan trong vụ đắm tàu thảm khốc Cần Giờ đổ lỗi cho nhau là "tình tiết tăng nặng".

(VTC News) – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội nói việc các bên liên quan trong vụ đắm tàu thảm khốc Cần Giờ đổ lỗi cho nhau là "tình tiết tăng nặng".

Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo - Đại biểu Quốc hội khoá 13, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng việc các bên liên quan đổ lỗi cho nhau trong vụ chìm tàu thảm khốc tại Cần Giờ (TP.HCM) hôm 2/8 cần phải kịch liệt phê phán và coi là "tình tiết tăng nặng" khi xem xét trách nhiệm cá nhân có liên quan. Đặc biệt việc đổ lỗi cho người đã chết là không thể chấp nhận được .

TS.Đinh Xuân Thảo 
- Trong thảm nạn này, một lần nữa lại xuất hiện tình trạng các bên liên quan đùn đẩy, đổ trách nhiệm cho nhau, không ai đứng ra nhận lỗi về mình gây bức xúc dư luận. Theo ông, vấn đề nằm ở đâu? Có phải đó là "thói quen xấu" của nhiều cán bộ, công chức hiện nay?

Đúng, có thể nói việc đùn đẩy, đổ trách nhiệm cho nhau, không ai đứng ra nhận lỗi về mình khi có "sự cố" xảy ra có liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức đang là "thói quen xấu" của không ít cán bộ, công chức hiện nay.

Việc này cần phải kịch liệt phê phán và coi là "tình tiết tăng nặng" khi xem xét trách nhiệm cá nhân có liên quan đến vụ việc đáng tiếc đã xảy ra. Đặc biệt việc đổ lỗi cho người đã chết là không thể chấp nhận được .


Trong vụ chìm tàu này cho dù có lỗi của người lái tàu đến đâu nữa thì Công ty Việt Séc mà đứng đầu là ông giám đốc công ty phải chịu trách nhiệm trực tiếp đầu tiên trước vụ tai nạn thảm khốc này.

Theo dõi phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy ngay sau khi thảm nạn xảy ra, ông bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cùng các cán bộ cấp cục của Bộ đã xuất hiện để chỉ đạo tìm kiếm, cứu nạn, thiết nghĩ các cơ quan, tổ chức ở bên dưới có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải tự thấy trách nhiệm của mình và phải tự nhận lỗi mới đúng.


Chỉ một lời xin lỗi thôi sẽ làm vơi đi buồn đau của bao người thân, gia đình của người tử nạn và sẽ không gây ra bức xúc của dư luận xã hội... Nhưng tiếc rằng việc xin nhận lỗi, xin từ chức ở Việt Nam vẫn chưa là một nét văn hoá phổ biến.

 
Thực tế hiện nay cho thấy một vấn đề quản lý xã hội mà giao cho nhiều cơ quan cùng thực hiện thì khi xảy ra sự cố thường rất khó xác định trách nhiệm và cuối cùng là "hoà cả làng"!
 
- Việc phối hợp tìm kiếm cứu nạn giữa các đơn vị trên địa bàn cũng diễn ra chậm trễ vì nhiều lý do. Mỗi bên đều cho rằng "mình đã làm hết trách nhiệm"... nhưng hậu quả để lại vẫn rất đau lòng. Vậy cái sự "hết trách nhiệm" của các đơn vị cứu hộ, cứu nạn trong vụ việc này có phải "lời giải thích" thoả đáng, thưa ông?


Nói "đã làm hết trách nhiệm" của các đơn vị cứu hộ, cứu nạn trong vụ việc này có thoả đáng hay không, theo tôi cần xem xét phân tích kỹ trên mọi khía cạnh, từ quy định chức trách nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị đến việc triển khai thực hiện các quy định đó của từng đơn vị.

Thực tế hiện nay cho thấy một vấn đề quản lý xã hội mà giao cho nhiều cơ quan cùng thực hiện thì khi xảy ra sự cố thường rất khó xác định trách nhiệm và cuối cùng là "hoà cả làng"!

Khắc phục tình trạng này, đã có chủ trương trong quản lý nhà nước phải theo nguyên tắc "mỗi việc chỉ do một cơ quan phụ trách" nhưng vẫn tồn tại có việc do nhiều cơ quan cùng phối hợp thực hiện nên vẫn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.


- Không chỉ vậy, ngay khi sự cố xảy ra, ở khu vực xảy ra tai nạn có nhiều tàu đi qua chiếc tàu bị nạn nhưng bỏ mặc, dửng dưng, không ứng cứu... Rõ ràng, đây là một hiện tượng đáng lên án, nhưng vẫn rất phổ biến trong xã hội hiện nay?


Bỏ mặc, dửng dưng, không ứng cứu khi đi qua chiếc tàu bị nạn của một số tàu khác là hành vi rất đáng lên án. Hành vi đó không chỉ trái đạo đức mà còn trái pháp luật hình sự. Vì vậy, không chỉ lên án mà có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự một vài trường hợp để răn đe và giáo dục.

Thông qua phương tiện thông tin đại chúng cần chuyển đi thông điệp về sự phẫn nộ của dư luận để "toà án lương tâm" xét xử những con người thiếu lương tâm trước sinh mạng của đồng loại đang bị tử thần cướp đi, để góp phần xây dựng một xã hội không có sự vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau bất hạnh của người khác!

Hoàng Lan (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn