Đàm phán Mỹ - Triều từng hiệu quả ra sao?

Thế giớiThứ Năm, 12/10/2017 12:01:00 +07:00

Không giống như những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định rằng đàm phán với Triều Tiên sẽ không đem lại hiệu quả, lịch sử từng chứng minh điều ngược lại.

Trong bài đăng trên mạng xã hội Twitter ngày 7/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các tổng thống và chính quyền Mỹ đã cố gắng nói chuyện với Triều Tiên trong suốt 25 năm, kí các thỏa thuận và tiêu tốn những khoản tiền lớn nhưng không có hiệu quả.

Các thỏa thuận bị phá vỡ khi chưa kịp ráo mực khiến các nhà đàm phán Mỹ mất công vô ích và vì vậy chỉ có một phương pháp hiệu quả với Triều Tiên, ý kiến này được cho là ông Trump đang nhắc đến biện pháp quân sự.

Tuy nhiên theo Slate, tuyên bố của ông Trump là không đúng vì một trong số các thỏa thuận đó, Thỏa thuận khung năm 1994 của Tổng thống Clinton đã phát huy tác dụng tốt và khiến Triều Tiên tránh xa chương trình hạt nhân đến 8 năm.

doi-thoai-voi-trieu-tien-tung-phat-huy-tac-dung-1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên quá cố Kim Jong-il cùng cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright năm 2000. (Ảnh: Reuters)

Năm 1993, mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đang trên đà bùng nổ. Triều Tiên chuẩn bị quá trình tái xử lý các thanh nhiên liệu plutonium, còn Tổng thống Clinton cảnh báo điều này có thể là nguyên nhân gây nên chiến tranh và đã bắt đầu huy động các lực lượng.

Theo điều lệ của Thỏa thuận khung 1994 giữa Mỹ và Triều Tiên, Triều Tiên sẽ kí vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, giữ nguyên các thanh nhiên liệu ở trong kho, cho phép Cơ quan năng lượng nguyên tử đặt camera và thanh tra giám sát tại lò phản ứng hạt nhân nơi plutonium được xử lý.

Đổi lại, Mỹ sẽ cung cấp cho Triều tiên 2 lò phản ứng nước nhẹ (tốt cho cung cấp điện nhưng không phải cho sản xuất vũ khí); lò đầu tiên được chuyển đến trong vòng 3 tháng và đến khi lò thứ 2 được chuyển đến, Triều Tiên sẽ di chuyển các thanh nhiên liệu ra khỏi nước này.

Trong thời gian đó, hai nước sẽ bắt đầu xây dựng mối quan hệ ngoại giao, bao gồm thiết lập các đại sứ quán.

Video: Triều Tiên có thể sắp thử tên lửa tầm xa với khả năng vươn tới Mỹ

Dù Triều Tiên giữ nguyên thỏa thuận, nhưng Mỹ thì không. Triều Tiên không nhận được lò phản ứng nước nhẹ nào và quá trình công nhận ngoại giao cũng không có tiến triển.

Như vậy, thỏa thuận sụp đổ phần lớn do phía Mỹ đã vi phạm các điều lệ. Sau đó Triều Tiên đã thỏa thuận trao đổi công nghệ tên lửa lấy vật liệu làm giàu uranium với Pakistan năm 1997, nhưng điều này không vi phạm thỏa thuận 1994 chỉ đề cập đến chương trình plutonium.

Theo bạn có khả năng xảy ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên không?

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn