Đàm phán lần 2 có giúp Mỹ và Triều Tiên vượt qua 'bão tố' của năm 2017?

Thế giớiThứ Bảy, 19/01/2019 12:00:00 +07:00

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được quyết định vào cuối tháng 2 tới nhằm khơi thông bế tắc cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Thông báo được Nhà trắng đưa ra sau cuộc gặp kéo dài 90 phút tại phòng Bầu dục giữa Tổng thống Donald Trump và Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiêm Kim Yong-chol. Người phát ngôn Nhà trắng Sarah Sanders cho biết, Tổng thống Donald Trump rất mong chờ cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Triều Tiên “tại một địa điểm sẽ được thông báo sau”, đồng thời đánh giá cao những bước đi tích cực và thiện chí của Triều Tiên.

trump-kim-axios-1

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được quyết định vào cuối tháng 2/2019. (Ảnh: Axios)

Tuy nhiên, Người phát ngôn Nhà trắng Sarah Sanders cũng cảnh báo, cho tới trước khi diễn ra cuộc gặp, Mỹ sẽ vẫn duy trì “sức ép và các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên nhằm buộc nước này phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng”.

“Chúng ta đã chứng kiến những bước đi tích cực từ phía Triều Tiên liên quan đến việc thả con tin và những động thái khác nữa. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục những cuộc thảo luận và Tổng thống Mỹ rất mong chờ hội nghị thượng đỉnh sắp tới.”

Trước và sau khi gặp Nhà lãnh đạo Mỹ tại Nhà trắng, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiêm Kim Yong-chol đã có cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun. Sau cuộc gặp, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, ông Biegun sẽ tới Thụy Điển bắt đầu từ hôm nay để tham dự một hội nghị quốc tế do Bộ Ngoại giao Thụy Điển tổ chức, mà Triều Tiên cũng cử đại diện.

Đây không phải là lần đầu tiên, Tổng thống Donald Trump mở cánh cửa Phòng Bầu dục để đón tiếp tướng Kim Yong Chol, người được xem là cánh tay phải của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Chuyến thăm Mỹ trước đó hồi mùa Xuân năm 2018 của ông Kim Yong-chol đã giúp khởi động tiến trình ngoại giao cho phép sang trang một năm 2017 không mấy êm ả giữa hai nước, với các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên, các lệnh trừng phạt quốc tế và những cảnh báo chiến tranh giữa hai bên. Tuy nhiên, kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo tại Singapore hồi tháng 6/2018, đàm phán dường như bị lâm vào bế tắc và những bước tiến đạt được chỉ có thể tính trên đầu ngón tay.

Video: Lãnh đạo Triều Tiên gửi thư tay cho Tổng thống Mỹ

Chính quyền Triều Tiên mới đây khẳng định, khoảng cách giữa những ý định của họ và những yêu cầu của Mỹ là khá xa nhau, đồng thời đặt điều kiện cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn là Mỹ là phải rút lại toàn bộ các đe dọa hạt nhân, trong đó có các thỏa thuận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm qua cho rằng, hơn lúc nào hết giờ là lúc các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Triều Tiên cần phải được bắt đầu một cách nghiêm túc nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

“Tôi tin, Triều Tiên đã đồng ý với mục tiêu đàm phán đó là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích cả hai nước tiếp tục đàm phán. Tôi cho rằng chúng ta cần một lộ trình rõ ràng để làm rõ mọi thứ và cho phép biết chính xác những bước đi tiếp theo và có thể dự đoán được cách mà đàm phán sẽ diễn ra.”

Trong khi đó, một nhà ngoại giao phương Tây cảnh báo, đây là một thời điểm khá nguy hiểm. Nếu trong những tháng tới, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn kiên quyết với lập trường của mình, Tổng thống Donald Trump sẽ không thể tiếp tục nói rằng mọi thứ vẫn diễn ra tốt đẹp hay không có gì phải vội.

trump-kim-2

Mọi cuộc thảo luận đều tích cực nếu nghĩ rằng, Mỹ và triều Tiên cách đây chỉ một năm vẫn còn đang trên bờ vực chiến tranh. (Ảnh: The New Yorker)

Khi đó, chúng ta có nguy cơ phải quay lại tình huống “bùng nổ” của năm 2017.

Tuy nhiên, một số nguồn tin ngoại giao cho biết, với quyết tâm đạt được một thỏa thuận bằng mọi giá, chính quyền Mỹ sẵn sàng đặt lên bàn những đề xuất mang tính biểu tượng cao như mở cửa văn phòng liên lạc, một tuyên bố nhằm chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên và thậm chí sẵn sàng nới lỏng dần các lệnh trừng phạt dù có thể không đạt được một sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Theo chuyên gia Harry J.Kazianis thuộc Trung tâm Lợi ích quốc gia, mọi cuộc thảo luận đều tích cực nếu nghĩ rằng, Mỹ và triều Tiên cách đây chỉ một năm vẫn còn đang trên bờ vực chiến tranh. Hiện nay, mọi thứ đã “dễ thở hơn”.

Hai nước ít nhất phải đạt được một vài kết quả cụ thể trong Hội nghị thượng đỉnh lần tới, nếu không mọi nỗ lực “sẽ trôi sông”.

Thu Hoài/VOV
Bình luận
vtcnews.vn