Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Hải Phòng… khiến Vinachem 'mở mắt là lo trả nợ'

Kinh tếThứ Hai, 16/01/2017 17:37:00 +07:00

Hàng loạt dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Hải Phòng…đang khiến Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) ngập trong gánh nặng nợ nần.

Tại hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 mới đây, Vinachem thừa nhận 2016 là một năm khó khăn khi nhiều chỉ tiêu chính không đạt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, 2016, doanh thu Vinachem chỉ đạt gần 42.000 tỷ đồng, giảm 8,4%; xuất khẩu đạt 225 triệu USD, giảm 12%; thu nhập người lao động giảm 10% so với năm 2015...

A1

Vinachem đang gánh khoản nợ tới hơn 30.000 tỷ đồng do nhiều dự án đầu tư kém hiệu quả. 

Cùng với đó, hiệu quả đầu tư xây dựng một số dự án tại Vinachem còn thấp, thậm chí yếu kém. Cá biệt có dự án không thể thực hiện được mục tiêu đầu tư, một số dự án thực hiện chậm, một số dự án tính toán sai các yếu tố đầu vào như công nghệ, nguyên liệu dẫn tới không hiệu quả.

Chính những dự án đầu tư không hiệu quả đã khiến Vinachem phải gánh khoản nợ lên tới hơn 30.000 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất 2015.

Trong số nợ này, hai dự án Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc đã chiếm tới hơn một nửa.

Tại dự án đạm Ninh Bình, khoản nợ lớn nhất là hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Eximbank Trung Quốc với tổng số tiền lên tới 4.507 tỷ đồng, thời hạn vay là 15 năm. Tiếp đến là các khoản vay gần 3000 tỷ đồng từ ngân hàng VDB, khoản vay gần 2000 tỷ đồng từ ngân hàng BIDV, khoản vay hơn 700 tỷ đồng từ Vietcombank. Như vậy, tổng nợ vay của Đạm Ninh Bình tính đến hết năm 2015 là khoảng hơn 8000 tỷ đồng, trong đó, phần lớn các khoản văn này được thông qua công ty mẹ - Vinachem. Theo một số báo cáo của Vinachem, hằng năm tập đoàn này phải trả khoảng 1.000 tỷ đồng tiền lãi vay ngân hàng.

Xem video: Bộ trưởng Công thương trả lời về 5 dự án thua lỗ lớn

Tại dự án Đạm Hà Bắc, hiện đang có các khoản vay ngắn hạn tổng cộng 775 tỷ đồng, trong đó, 556 tỷ đồng là vay từ VietinBank và 219 tỷ đồng là vay từ Vietcombank. Các khoản vay dài hạn còn lớn hơn nhiều khi đạt 6.711 tỷ đồng tính đến hết năm 2015. Tính chung, tổng nợ vay của Đạm Hà Bắc tính đến hết năm 2015 là 7.486 tỷ đồng.

Một dự án trọng điểm khác và cũng là gánh nặng của ngành hóa chất chính dự án DAP Hải Phòng với tổng mức đầu tư hơn 172 triệu USD.

DAP Đình Vũ cũng được Vinachem giao cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện theo phương thức EPC. Dự án được khởi công từ năm 2003, nhưng mãi đến năm 2009 mới cơ bản hoàn thành. Sau khi đi vào vận hành, sản phẩm của nhà máy này cũng không đạt tiêu chuẩn chất lượng như thiết kế ban đầu, chỉ ra được phân bón DAP có hàm lượng hơn 61%. Nhà thầu Trung Quốc không tìm được biện pháp khắc phục nhược điểm về kỹ thuật công nghệ, đành chấp nhận chịu phạt để rút lui. Sau hai năm bàn giao, DAP Đình Vũ bắt đầu thua lỗ vì tồn đọng sản phẩm. 6 tháng đầu năm 2016, công ty chịu lỗ ròng 212,2 tỷ đồng.

Theo báo cáo xây dựng kế hoạch năm 2017, Vinachem đã đặt kế hoạch lỗ 806 tỷ đồng trong năm 2016. Theo số liệu mới nhất thì nửa đầu năm 2016, Vinachem đã lỗ 203 tỷ đồng.

Trước những khó khăn chồng chất mà Vinachem đang gánh, tại Tại hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Vinachem tập trung xử lý triệt để tồn tại các dự án đang gặp khó khăn như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ rất quyết liệt để cùng với Tập đoàn khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển. Về phía Tập đoàn cũng phải rất nỗ lực để xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế, phù hợp với từng doanh nghiệp, từng dự án”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Cùng với đó, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, năm 2017, Vinachem phải giữ vững mục tiêu tái cơ cấu, đổi mới để phát triển.

“Phải giữ vững mục tiêu tái cơ cấu đã đặt ra, tiếp tục xây dựng Tập đoàn Hoá chất Việt Nam trở thành tập đoàn đi đầu trong sản xuất, kinh doanh hoá chất cơ bản và sản phẩm hoá chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, phải giữ vững 4 nhóm ngành nghề kinh doanh chính gồm sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hoá chất; sản xuất và kinh doanh hoá chất cơ bản, hoá chất tiêu dùng, hoá dược; công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cao su (lốp xe).

“Mục tiêu này phải được cụ thể hoá bằng các chương trình, kế hoạch và các chỉ đạo điều hành cụ thể của Tập đoàn trên các lĩnh vực”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để Tập đoàn Hoá chất tái cấu trúc thành công, ổn định, khôi phục sản xuất, thực hiện tốt vai trò quan trọng với nền kinh tế.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn