Đám đông tràn ra đường 'dâng sao giải hạn' ở chùa Phúc Khánh: 'Tùy tiện, vô thức tập thể, vô tổ chức'

Thời sựThứ Hai, 06/02/2017 07:45:00 +07:00

Chuyên gia văn hóa cho rằng, việc hàng nghìn người bất chấp luật giao thông, tràn ra đường vái vọng vào chùa Phúc Khánh là một việc làm tùy tiện, mang tính vô thức tập thể và không nên xuất hiện ở những nơi linh thiêng.

Tối 4/2 (mùng 8 tháng Giêng), hàng nghìn người đổ về chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) dự lễ cúng giải hạn sao. Bất chấp tất cả, những người cuồng tín ngay giữa Thủ đô sẵn sàng ngồi tràn ra đường để vái vọng vào chùa. Thậm chí, có người đang đi trên cầu vượt cũng dừng lại rồi đứng vái gây ách tắc đường phố. 

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp - Chuyên gia văn hóa phương Đông đã có những chia sẻ với PV VTC News.

van-menh-cong-chua-nuoc-anh-la-so-dep-hiem-co-trong-lich-su-hoang-gia-2

Chuyên gia văn hóa phương Đông: TS. Nguyễn Hoàng Điệp 

- Ông đánh giá thế nào về việc người dân bất chấp luật lệ giao thông để vái vọng vào chùa?

Theo đúng tín ngưỡng của người xưa, dâng sao giải hạn làm rất đơn giản. Chỉ cần đĩa xôi, con gà, 9 bông hoa trắng và có thể làm tại gia. Tuy đơn giản nhưng nó phải có nề nếp. Bởi vậy, việc hàng nghìn con người đứng bái vọng, chen nhau lấn sân, lấn đường ở khu vực gần chùa Phúc Khánh như vậy là không linh, là vô tổ chức.

 
Đấy là một việc làm tùy tiện, mang tính vô thức tập thể và rõ ràng không nên xuất hiện ở những nơi linh thiêng.

TS. Nguyễn Hoàng Điệp

Làm gì cũng phải theo luật pháp, kể cả là đến chùa. Cái tối thiểu là phải tuân thủ luật lệ giao thông còn không làm được thì đến chùa, vái vọng vào chùa để làm gì? Đấy là một việc làm tùy tiện, mang tính vô thức tập thể và rõ ràng không nên xuất hiện ở những nơi linh thiêng.

- Nhiều người cho rằng đi lễ chùa cần nhất ở cái tâm. Vì vậy việc đứng trên đường, dừng lại trên cầu để vái vọng như vậy thần linh vẫn chứng giám được lòng thành của họ. Ông có nhận xét gì về suy nghĩ này?

Dưới góc độ nghiên cứu khoa học tâm linh, tôi khẳng định làm như vậy là việc làm tùy tiện, vô nghĩa. Nó không có giá trị hay ý nghĩa về mặt tâm linh cũng như đời sống.

Giá trị tâm linh phải là lòng thành khẩn và tâm sáng. Con người mà hàng ngày làm nhiều điều ác, buôn gian bán dối, vi phạm pháp luật, coi thường pháp luật thì có đến chùa hay không cũng vô nghĩa.

Người dân ngồi tràn cả ra đường dự lễ dâng sao giải hạn

Người dân ngồi tràn cả ra đường dự lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh tối mùng 8 tháng Giêng.

- Được biết, trong quan niệm của nhà Phật không có việc dâng sao giải hạn, vậy tại sao đầu năm các chùa vẫn tổ chức sự kiện này?

Dâng sao giải hạn không có trong lịch sử của Phật giáo nhưng theo quan niệm nhà chùa là nơi "cứu mọi chúng sinh" nên có thể làm dâng sao, giải hạn. Đạo Phật không có dâng sao nhưng khi phật tử có nhu cầu phục thiện thì nhà chùa làm cũng không sai.

Chúng ta không nên cấm đoán việc dâng sao giải hạn nhưng phải làm như thế nào cho nó thật đúng với tâm linh. Mỗi mùa dâng sao giải hạn, có gia đình tốn kém vài chục triệu đến hàng trăm triệu làm lễ là sai lầm. Dâng sao giải hạn biến thành nơi "kiếm ăn" của một số thầy bói là điều đáng phải lên án và bài trừ.

Như tôi đã nói ở trên, việc dâng sao giải hạn xưa kia làm rất thanh đạm và nghiêm túc. Lễ vật rất đơn giản, một bông hoa, vài thứ quả chứ không phải mâm cao cỗ đầy hay đô la, vàng mã. Còn việc hàng nghìn con người đổ ra đường chen lấn nhau gây ách tắc giao thông, gây trộm cắp, móc túi thì là vô tổ chức, là vi phạm pháp luật và đương nhiên không có giá trị về mặt tâm linh.

- Xin cảm ơn ông!

Video: Những hiểu lầm về dâng sao giải hạn

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn