Đám cưới hoá đại tang: Thói quen chết người khi thuê xe dịch vụ

Thời sựThứ Năm, 02/08/2018 17:06:00 +07:00

Nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thảm khốc khiến đám cưới hoá đại tang đôi khi lại đến từ thói quen chết người khi thuê lái xe ở chính địa phương không có kinh nghiệm.

Thói quen chết người

Sau vụ tai nạn thảm khốc giữa xe rước dâu với xe container khiến 13 người trong một dòng họ thiệt mạng, nhiều người lúc này mới nhận ra thói quen thuê xe dịch vụ chính là một phần nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn chết người.

Chị N.Y (huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) cho biết: "Tôi giật mình khi biết tin vụ tai nạn. Thực sự quá đau thương. Bản thân tôi từng nhiều lần thuê xe để gia đình đi đường dài khi nhà có việc hoặc đi chơi. Lần nào tôi cũng thuê của những người thân quen, cùng làng, vừa là chỗ quen biết, vừa để tiết kiệm chi phí so với những chỗ khác".

38057338_2161259567496786_5627743468114673664_n

 Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc khiến 13 người trong một dòng họ thiệt mạng.

Theo chị Y., việc thuê xe của người quen có những ưu điểm như không bị "chặt chém", đi đường xa cũng vẫn thoải mái vì "toàn người làng cả". Chị cũng cho biết, chị chưa từng nghĩ đến việc những người lái xe này có thể gây ra tai nạn vì không quen lái đường dài, không quen cung đường hay chạy xe liên tục nhiều giờ mà không có người lái thay như tài xế vụ tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam mới đây.

Giống như chị Y, anh N.V( TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho hay: "Mặc dù gia đình tôi sống ở thành phố thật. Các công ty vận tải chuyên nghiệp không phải là hiếm, nhưng trước nay tôi vẫn luôn thuê xe của người cùng khu phố vì dù sao, chỗ quen biết vẫn an tâm hơn".

Cũng sau vụ tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam, những người lái xe có kinh nghiệm chạy xe hợp đồng - dịch vụ đường dài cho rằng, người dân nên thay đổi ngay thói quen khi thuê xe. Cần thiết phải thống kê rõ quãng đường và căn chỉnh thời gian đi cho hợp lý và phải thuê xe ở những địa chỉ uy tín, chất lượng.

Trả lời PV VTC News anh Nguyễn Thanh Tùng (một người làm nghề cho thuê và chạy xe dịch vụ ở TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho rằng, để xảy ra vụ tai nạn thảm khốc như ở Quảng Nam mới đây, lỗi thuộc về cả bên thuê và cho thuê xe.

"Vụ tai nạn vừa rồi, nhà trai có thể vì lý do gì đó đã thuê xe và để lái xe chạy xe trên tuyến đường dài từ Quảng Trị vào đến Bình Định trong thời gian quá ngắn và gấp gáp. Theo lịch trình, một mình lái xe chạy từ 23h hôm trước để sáng hôm sau vào Bình Định cử hành hôn lễ rồi trưa ra lại Quảng Trị. Chạy quãng đường dài, gấp gáp và không có thời gian nghỉ ngơi như vậy thì không lái xe nào chịu được.

Trong khi đó, lái xe trong khách trong vụ tai nạn lại quá tham công tiếc việc mà không chú ý đến sự an toàn của bản thân và hành khách", anh Nguyễn Thanh Tùng nói. 

IMG_4824

Cả dòng tộc đau khổ trước sự ra đi của 13 người trong vụ tai nạn thảm khốc xảy ra ở Quảng Nam.

Theo anh Tùng, để đảm bảo an toàn, nhà trai phải vào trước một đêm để lái xe có thời gian nghỉ ngơi dọc đường và đủ tỉnh táo để lái xe. 

Từ kinh nghiệm của bản thân trong việc cho thuê xe dịch vụ, anh Tùng cho biết, vì khách hàng là thượng đế, nên đa số lộ trình sẽ phụ thuộc vào quyết định của người thuê. Tuy nhiên, đối với các hợp đồng thuê xe đường dài, người cho thuê và lái xe phải tư vấn cho khách hàng hành trình và căn chỉnh thời gian hợp lý để đảm bảo an toàn cho chuyến đi.

"Tôi được biết, trước khi chở đoàn nhà trai từ Quảng Trị vào Bình Định, lái xe khách mới chạy hợp đồng dịch vụ từ Đà Nẵng ra. Trong trường hợp này, nếu tôi là lái xe, tôi sẽ không nhận hợp đồng vì chạy như thế tôi không có thời gian nghỉ ngơi và dễ dẫn đến tai nạn", anh Tùng nói. 

Cũng theo anh Tùng, nhiều người thuê xe ở những miền quê thường chỉ tính mục đích công việc và điều kiện kinh tế chứ ít khi tính đến an toàn trên đường đi. 

ĐỌC THÊM TOÀN BỘ SỰ VIỆC TẠI ĐÂY:

38136193_1568911106552013_999430003491864576_n 3

 Thói quen thuê xe của nhiều người chính là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm, biến ngày đại hỷ thành đại tang.

"Đã đến lúc khách hàng phải thay đổi thói quen khi thuê xe. Phải chọn những địa chỉ thuê xe uy tín với đội ngũ lái xe có kinh nghiệm chạy đường dài. Có thể chi phí sẽ cao hơn một chút nhưng chúng ta sẽ đổi lại sự an toàn", anh Nguyễn Thanh Tùng đưa ra lời khuyên.

Anh Võ Anh Tuấn (một người dân TP Huế từng có thời gian lái xe dịch vụ) cho biết, ở các miền quê, có một số lái xe sau thời gian chạy thuê cho các công ty hoặc cá nhân khác thì sẽ tích luỹ được một số vốn nhất định và đầu tư mua lại một chiếc xe đã qua sử dụng để chạy dịch vụ.

Những chiếc xe này thường là xe cũ và chất lượng chỉ đủ để chạy trên quãng đường ngắn trong tỉnh và trong huyện. Đối với xe chạy đường dài thì cần phải là những chiếc xe đời mới. 

Anh Tuấn nói: "Bà con thường thuê xe vì thân quen hay được người quen giới thiệu hoặc ở gần nhà... Họ thuê mà không để ý đến chất lượng dịch vụ cũng như kinh nghiệm của người lái xe. Điều này vô tình dẫn đến mất an toàn khi tham gia giao thông".

"Nhìn ảnh chiếc xe trong vụ tai nạn ở Quảng Nam, tôi thấy đây là chiếc xe đời cũ và không đảm bảo để chạy đường dài. Thêm nữa, lái xe chạy trên quãng đường quá dài, không có thời gian nghỉ ngơi, không đảm bảo sức khoẻ dẫn đến mệt mỏi, ngủ gật và xảy ra tai nạn.

Tôi cũng có thể chạy đường dài như vậy nhưng trong điều kiện phải được nghỉ ngơi. Khi chạy thấy mệt mỏi hoặc buồn ngủ thì phải được nghỉ ngơi. Làm nghề lái xe, đầu tiên là phải phải giữ sức khoẻ, an toàn cho mình bởi sau mình còn rất nhiều người trên xe", anh Võ Anh Tuấn nhận định.  

Phải đặt sức khoẻ người lái xe lên hàng đầu

Cũng liên quan đến vấn đề an toàn khi lái xe đường dài, ông Bùi Danh Liên – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, vận tải hành khách, hàng hoá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện do pháp luật quy định. Nếu người tham gia vận tải không thực hiện quy định là hoạt động trái pháp luật và người thuê xe là người tham gia dịch vụ cung cấp trái pháp luật.

“Việc sử dụng dịch vụ trái pháp luật là bản thân anh đã coi thường tính mạng và tài sản của anh. Như vậy, để xảy ra hậu quả thì người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách trái pháp luật phải chịu một phần trách nhiệm”, ông Liên nói.

Theo ông Liên, người kinh doanh ngành nghề vận tải sai pháp luật tức là không tôn trọng pháp luật, ý thức pháp luật của người tham gia vận tải là không tốt. Điều này thể hiện ở việc lái xe không lắp thiết bị giám sát hành trình, không có giấy phép kinh doanh vận tải, không có phù hiệu...

"Việc xe hợp đồng, xe du lịch kinh doanh mà không có đơn vị nào chịu trách nhiệm thì việc xảy ra tai nạn điều không thể tránh khỏi", ông Liên nhận định.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng nhấn mạnh, ở các đơn vị nhỏ lẻ không tham gia kinh doanh dịch vụ và không có người quản lý nên người lái xe hoạt động không đúng quy định của luật giao thông đường bộ về thời gian lái xe. Trong trường hợp xe đám cưới trong vụ tai nạn ở Quảng Nam chạy quá 12 tiếng/ngày đã vi phạm luật lao động.

“Chạy đường dài vào ban đêm cũng là vấn đề phải lưu ý. Chúng tôi lưu ý rất nhiều lái xe ban đêm phải căn chỉnh giờ giấc thế nào cho tránh được những đường đồi cao, núi sâu, hẻo lánh… phải đảm bảo an toàn. Ở các nước văn minh, việc đảm bảo sức khoẻ cho người lái xe luôn được đặt lên hàng đầu”, ông Liên cho biết.

38136143_1568911099885347_8151543311547498496_n 6

 Đám cưới ở Quảng Trị bỗng hoá ngày đại tang sau vụ tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam. 

Ông Mai Văn Tuấn, một giáo viên dạy lái tại Trung tâm Đào tạo nghề lái xe Tâm An (TP Huế) cho rằng: "Nhiều người thuê xe dịch vụ để đi đám cưới không biết cách tính toàn thời gian, ưa ngắn gọn và như vậy lái xe phải chạy nhanh và chạy trong đêm. 

Tôi không rõ người lái xe khách trong vụ tai nạn ở Quảng Nam có kinh nghiệm lái xe lâu chưa. Nhưng qua sự việc, tôi phỏng đoán, có thể người này chưa đi đường dài và không quen đường trong đó. Luật có nêu,1 ngày làm việc của người lái xe ô tô không quá 10 tiếng và không được lái xe liên tục trong vòng 4 giờ bởi người lái xe chỉ cần 1 giây buồn ngủ thôi là có thể gây tai nạn thương tâm.

Có thể, tài xế trong vụ tai nạn thương tâm trên đã chạy tốc độ rất nhanh. Với những hình ảnh thảm khốc ở hiện trường, tôi đồ rằng, lái xe phải chạy với tốc độ 120km/h. Khi người lái xe chạy quá nhanh mà gặp chướng ngại vật thì không kịp xử lý dẫn đến tai nạn là điều không tránh khỏi".

Ông Mai Văn Tuấn khuyên những người thuê xe dịch vụ nên chọn lựa những lái xe có kinh nghiệm và quen thuộc tuyến đường được thuê để đảm bảo an toàn cho mình và những người thân, tránh những trường hợp đáng tiếc như vụ tai nạn ở Quảng Nam.

Rạng sáng 30/7, trên tuyến quốc lộ 1A (đoạn qua thôn Trung Phú 1, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến 13 người thiệt mạng. Trong đó có 1 lái xe và 12 người ở cùng trong một gia đình, dòng họ quê ở Quảng Trị.

Thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, xe ô tô mang biển số 75B-000.52 chạy hướng Quảng Trị đi Bình Định. Khi đến thôn Trung Phú 1, xã Điện Minh (thị xã Điện Bàn) thì xảy ra va chạm với xe container đi chiều ngược lại.

Được biết ôtô gặp nạn đang chở gia đình chú rể từ xã Hải Sơn (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) vào rước dâu tại huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định).

Video: Tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam: Vì sao tài xế xe rước dâu ngủ gật?

NGUYỄN VƯƠNG
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn