Đắk Lắk: Được mùa sầu riêng, dân vẫn khổ sở vì nạn bảo kê

Pháp luậtChủ Nhật, 07/10/2018 15:12:00 +07:00

Thời gian qua, nhiều đối tượng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sử dụng bạo lực để ép người dân và tiểu thương đóng tiền bảo kê gây hoang mang dư luận.

Được mùa thì dính bảo kê

Giữa năm 2018, giá sầu riêng trên thị trường đặc biệt tại Đắk Lắk tăng cao chót vót. Ngoài việc bán sầu riêng thành phẩm, hạt sầu riêng cũng được các thương lái thu mua với mức giá tăng đột biến.

Chưa kịp vui mừng sau một mùa vụ vất vả thì nhiều người dân tại trên địa bàn huyện Krông Búk, Cư M,gar lại thấp thỏm lo lắng trước thực trạng một nhóm người bảo kê, sử dụng vũ lực để gây khó dễ cho các tiểu thương hoặc người dân trồng nông sản. 

20180725_145530

Một số người dân trồng sầu riêng ở Đắk Lắk bị ép giá. 

Gia đình ông T. ở xã Tân Lập, huyện Krông Búk có hơn 1ha sầu riêng đang trong thời gian thu hoạch. Dự kiến, vụ sầu riêng năm nay gia đình ông có thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ sầu riêng. Phấn khởi vì sầu riêng được giá chưa được bao lâu thì ở xã lại xuất hiện một nhóm người cản trở khi thương lái vào thu mua sầu riêng nhà ông T.

“Nhóm người này thường ngồi ở khu vực trung tâm xã. Thấy thương lái thu mua sầu riêng vào xã thì bám theo để đòi tiền bảo kê. Bất cứ xe ô tô, xe máy của thương lái vào làng thu mua đều phải đóng tiền bảo kê cho chúng nếu muốn yên ổn. Thật sự thời gian dài, người dân chúng tôi phải sống trong cảnh sợ hãi”, ông T. kể.

Trước đây, nhiều nhóm xã hội đen thường lân la đến các nhà vườn sầu riêng trên địa bàn Đắk Lắk đòi tiền bảo kê nhưng hiện nay thủ đoạn đã thay đổi. Bọn chúng nhắm đến đối tượng thương lái ở các tỉnh xa để dễ bề trấn lột.

40212334_2194734474136104_7001574725805670400_n-1604161

Lương tại cơ quan điều tra.  

Nguyễn Văn T. (thương lái thu mua sầu riêng tại xã Tân Lập, huyện Krông Búk), kể với PV, vào cuối tháng 8 vừa qua, anh đến xã Tân Lập mua sầu riêng thì bị một nhóm đối tượng chèn ép, dọa dẫm yêu cầu đóng tiền mới được vận chuyển sầu riêng ra khỏi địa bàn.

“Lúc tôi vào thu mua sầu riêng của người dân thì có đàn em của một người tên Lương chặn đường tuyên bố “muốn mua sầu riêng ở đây phải gặp tau! Mua 1 tấn sầu riêng phải đưa lương 2 triệu, 10 tấn thì phải đưa 20 triệu. Nếu không đưa tiền bảo kê, Lương tuyên bố sẽ đánh tôi. Quá bức xúc, tôi đã trình báo sự việc cho cơ quan công an”, anh tâm kể.

Theo tìm hiểu, đối tượng tên Lương có tên đầy đủ là Phạm Văn Lương, sống tại huyện Krông Búk và từng có 1 tiền án 5 năm 6 tháng tù giam về tội trộm cắp. Thủ đoạn trấn lột tiền thương lái thu mua sầu riêng của Lương là sử dụng hung khí, đánh đập nếu thương lái không đồng ý đóng tiền bảo kê.

Chỉ mới giải quyết phần ngọn

Theo thiếu tá Nguyễn Đức Tin – Phó Trưởng Công an huyện Krông Búk (Đắk Lắk), trong thời gian vừa qua, hoạt động của nhóm đối tượng có dấu hiệu bảo kê sầu riêng trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp. Các nhóm đối tượng này liên kết với nhóm đối tượng có tiền án hình sự tại địa phương trên địa bàn các huyện Ea H’Leo, Krông Buk, Cư Mgar… hình thành nhóm hơn 10 đối tượng có dấu hiệu ép giá thương lái.

Nhìn dưới góc độ quản lý, Tiến sĩ Trương Hồng - quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, tình trạng bảo kê sầu riêng, được mùa mất giá hay chuyện người nông dân bị thương lái ép giá nông sản trong nhiều năm qua là hậu quả của việc nông dân sản xuất manh mún, thiếu bền vững.   

Theo TS Hồng, thay vì yêu cầu nông dân thay đổi quy mô diện tích trồng nông sản thì ngành nông nghiệp phải có giải pháp làm sao để có thể liên kết nông dân trở thành một vùng sản xuất hàng hóa lớn mạnh.

“Một khi vùng sản xuất hàng hóa hình thành, nông dân có thể an tâm sản xuất, kinh doanh và chủ động về giá cả. Làm được điều đó thì trong tương lai, tình trạng bảo kê nông sản mới có chiều hướng giảm” , TS Hồng nói.

TÂM NHI
Bình luận
vtcnews.vn