Đắk Lắk cần mạnh dạn bỏ khai thác tài nguyên thô để thành lập các chuỗi sản xuất

Kinh tếChủ Nhật, 10/03/2019 16:06:00 +07:00

Sáng 10/3, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk với sự tham gia của nhiều lãnh đạo các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp.

Tham dự tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đắk Lắk trong phát triển kinh tế - xã hội. Phó Thủ tướng cũng đề cao tâm huyết của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc phát triển kinh tế của Đắk Lắk.

IMG_7836

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại hội nghị xúc tiến đầu tư ở Đắk Lắk. (Ảnh: BL)

Phó Thủ tướng đánh giá, kinh tế Đắk Lắk sẽ ngày càng phát triển bởi hiện có nhiều lợi thế như nguồn lao động dồi dào, kho tàng lịch sử văn hóa đa dạng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, hệ thống giao thông khá đồng bộ. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền tỉnh nổ lực hơn nữa, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đề cao sáng tạo và khuyến khích khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề xuất các Bộ ngành phải quyết liệt ủng hộ để tạo ra các cơ chế chính sách cho các nhà đầu tư đầu tư vào Đắk Lắk. 

IMG_7650

Lễ ký kết  và Bản ghi nhớ giữa tỉnh Đắk Lắk với các bộ ngành. (Ảnh:BL)

Cũng tại hội nghị, tỉnh Đắk Lắk đã ký kết với các bộ ngành nhiều cam kết trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cũng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ đầu tư cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Thông tin từ tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh có diện tích tự nhiên hơn 13.000 km2, đất bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa phù hợp với các loại cây công nghiệp như hồ tiêu, cà phê, cao su… Nhiều danh lam thẳng cảnh, bản sắc văn hóa đa dạng nên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, phát triển điện năng lượng mặt trời, điện gió.

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị, PGS.TS Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, tỉnh Đắk Lắk là thủ phủ của Tây Nguyên nhưng GDP/người năm 2018 của Đắk Lắk mới đạt 41,1 triệu đồng. 

Do đó, tỉnh Đắk Lắk cần phải tận dụng hết tiềm năng, cần những động lực mới, cần những lực lượng hỗ trợ mới tiếp thêm “năng lượng” cho các động lực cũ đang bị cạn kiệt. 

"Đắk Lắk cần từ bỏ cách tiếp cận lấy tài nguyên thiên nhiên làm động lực chính, coi khai thác tài nguyên thô làm phương thức chủ đạo của tăng trưởng. Chấm dứt triệt để xu hướng “tăng diện tích canh tác, diện tích gieo trồng”, coi đây là một thành tích. Ngoài ra, phải có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi phá rừng làm đất canh tác", PGS.TS Trần Đình Thiên cho hay. 

IMG_7590 3

Phóng viên trao đổi với lãnh đạo bên lề Hội nghị. (Ảnh: BL) 

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Đắk Lắk cần phải định hướng xây dựng chuỗi sản xuất đối với các sản phẩm lợi thế, hướng tới giá trị gia tăng cao thành định hướng ưu tiên trong chiến lược tái cơ cấu của tỉnh; khuyến khích thu hút đầu tư tạo chuỗi.

Đặc biệt là các công đoạn chế biến sâu cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh; áp dụng nguyên tắc khuyến khích, hỗ trợ người thắng đối với các doanh nghiệp đầu tư tạo chuỗi nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển các nhà đầu tư lớn, đóng vai trò dẫn dắt chuỗi; phát triển du lịch với trụ cột “Văn hóa Tây Nguyên, linh hồn đại ngàn”, được hiểu là tích hợp giá trị “đất – nước – rừng – văn hóa cồng chiêng – bản làng Tây Nguyên”; phát triển Buôn Ma Thuột theo hướng hiện đại, hội nhập sâu, kết nối rộng, trở thành Thủ phủ Tây Nguyên đúng nghĩa thời đại là chiến lược ưu tiên hàng đầu của tỉnh và là nhiệm vụ trọng điểm của vùng và Quốc gia trong giai đoạn tới.

"Phải thoát khỏi tư tưởng cục bộ, coi phát triển Buôn Ma Thuột là việc riêng của Đắk Lắk", PGS.TS Trần Đình Thiên, nhấn mạnh. 

THANH HẢI
Bình luận
vtcnews.vn