Đại úy CSGT từng làm nghề xe ôm, chưa từng mặc quần áo quá 200 nghìn đồng và câu 'thần chú' khiến tội phạm quy hàng

Thời sựThứ Hai, 19/08/2019 06:38:00 +07:00

Ít ai nghĩ rằng người CSGT khiến mọi tội phạm quy hàng chỉ bằng một câu “thần chú” lại từng làm nghề xe ôm và chưa bao giờ mua chiếc quần áo quá 200 nghìn đồng.

Không chỉ là gương mặt tiêu biểu của lực lượng CSGT Hà Nội trong thi đua, phòng chống tội phạm, Đại úy Nguyễn Ngọc Tiến - cán bộ Đội CSGT số 1 - Công an TP Hà Nội còn được nhiều người yêu mến bởi sự cần cù, giản dị, chất phác.

Lái xe ôm, bán nước dạo kiếm tiền ôn thi đại học

Nguyễn Ngọc Tiến (SN 1982) sinh ra ở một làng quê giữa Thủ đô phồn hoa, nhưng anh luôn trân trọng lao động. Những ngày tháng ôn thi đại học là quãng thời gian khó quên với anh, là thử thách để anh trưởng thành hơn.

gia đình Tiến có 2 anh em, Tiến là anh cả, dưới anh có một em gái. Cha anh làm trong ngành CSGT, còn mẹ là giáo viên về hưu.

Ngay từ thời đi học, Tiến đã có đam mê với nghề của bố. Ngoài ra, anh còn có năng khiếu mỹ thuật nên khi bước vào kỳ thi đại học, Tiến đã quyết định lựa chọn trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và Đại học Cảnh sát nhân dân.

“Năm đầu tiên, tôi đi thi thì không đỗ cả 2 trường. Tuy nhiên, tôi không bỏ cuộc và tiếp tục đi ôn tiếp”, anh Tiến kể lại.

Quyết tâm thi lại nhưng anh không muốn bố mẹ vất vả nuôi mình ăn học nên Tiến quyết định tự kiếm tiền bằng nghề xe ôm và chuyển hàng.

Thời ấy, với chiếc xe máy Longin trị giá 6,5 triệu đồng, Tiến đi đưa hàng, chở xe ôm quanh các con phố Hà Nội. Cũng có lúc, anh đi bán nước dạo ngoài công viên. Tiến làm mọi công việc để có tiền ôn thi và cũng là để trải nghiệm cuộc sống khi rời xa vòng tay của cha mẹ.

canh-sat-giao-thong 6

  Đại úy Nguyễn Ngọc Tiến lái xe chở đồng đội đi tuần tra kiểm soát an ninh trật tự.

Vừa đi làm Nguyễn Ngọc Tiến vừa dành thời gian cho việc ôn thi 3 môn là Văn, Sử, Địa ở khu vực Trường Đại học Sư phạm.

Sự cần cù, chịu khó của Tiến được đền đáp xứng đáng khi trong kỳ thi đại học lần hai, anh đỗ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và Trường Trung cấp Cảnh sát Cảnh sát Nhân dân 1.

“Tôi trúng tuyển vào lớp sơ cấp Cảnh sát phục vụ Seagame 22 với 18,5 điểm. Tôi phân vân giữa 2 trường vì một là hệ đại học và một là sơ cấp nhưng bố mẹ tôi đã khuyên tôi chọn lực lượng vũ trang để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc và tôi đồng ý”, anh Tiến tâm sự.

Sau này, khi học xong lớp sơ cấp Cảnh sát Seagame để phục vụ kỳ Seagame 22 tổ chức tại Việt Nam, Tiến về học thêm hơn một năm nữa để lấy bằng trung cấp cảnh sát. Sau đó, anh tiếp tục học thêm bằng tại chức của hệ đại học cùng ngành.

Câu “thần chú” khiến tội phạm quy hàng

Đại úy Tiến tâm sự, 17 năm công tác trong lực lượng CSGT, từng bắt giữ nhiều tên trộm cướp và những kẻ manh động nhưng anh chưa bị trường hợp nào phản kháng, chống cự. Hỏi về lý do, anh Tiến cười rồi tiết lộ “bởi tôi thường ghé tai tội phạm và nói một câu thần chú”.

Anh kể, vào dịp gần Tết Nguyên đán 2019, khi đang làm nhiệm vụ phân luồng trên đường Trần Quang Khải, anh phát hiện một người đàn ông dáng dấp gày gò chạy bộ ngược chiều giữa dòng xe tấp nập. Ở phía sau là tiếng tri hô cướp của một nam thanh niên.

“Phát hiện sự việc, tôi liền chạy đuổi theo người đàn ông và khống chế hắn. Khi đó, có rất đông người dân kéo đến, họ bức xúc muốn đánh tên này. Tôi can ngăn người dân và ghé tai tên cướp để nói câu quen thuộc: “Em đã bị bắt, em nên cố gắng chấp hành những gì tôi bảo vì người dân đang bức xúc về hành vi của em.

Nếu bây giờ mà em có hành vi hay cử chỉ khác, anh không giữ được em trong lúc người dân họ bức xúc thì có thể gây nguy hiểm tính mạng, sức khỏe của em. Vì vậy, tốt nhất em đã làm sai thì phải chịu và chấp hành theo những gì anh bảo”, Đại úy Tiến kể lại.

canh-sat-giao-thong-2 (2) 4

 Ngoài việc trấn áp tội phạm, Đại úy Tiến còn cùng anh em trong đơn vị nhiều lần giải cứu, thuyết phục người tự tử ở cầu Chương Dương. Trong ảnh, anh Tiến cùng đồng đội vừa khuyên giải và đưa một người phụ nữ có ý định nhảy cầu tự tử về trụ sở.

Câu nói như một biện pháp “tâm lý chiến” đã đánh trúng suy nghĩ của tên cướp. Kẻ này đã cúi đầu nghe lời Đại úy Tiến để đảm bảo tính mạng, an toàn cho bản thân.

Anh Tiến chia sẻ, để có được kinh nghiệm “tâm lý chiến” trên là do anh được tiếp thu từ người bố cũng làm trong ngành. Bên cạnh đó, qua quá trình học tập ở trường lớp và những người đồng đội đi trước, anh đã đúc rút cho mình bài học: “Mình nên lấy tình cảm để cảm hóa tội phạm, hạn chế tối đa dùng vũ lực”.

Không chỉ làm nhiệm vụ điều hành giao thông, trấn áp tội phạm cướp giật đường phố, Đại úy Tiến cùng đồng đội từng giúp nhiều người gặp tai nạn giao thông hoặc ngăn cản người có ý định nhảy cầu tự tử…

Quần áo không quá 200 nghìn đồng

Được khoác trên mình sắc phục của lực lượng vũ trang, Đại úy Tiến luôn xác định nghề CSGT không phải là làm kinh tế. Vì vậy, với đồng lương giới hạn của hai vợ chồng, anh luôn tằn tiện trong chi tiêu.

Anh Tiến lập gia đình được 12 năm, vợ chồng có hai người con một gái, một trai. Anh luôn tự nhận mình là một người may mắn, vì lấy vợ ở gần nhà và cũng được bên nhà vợ giúp đỡ.

1df6598935dad08489cb 5

 Anh Tiến cùng vợ và các con chụp hình tại phố đi bộ Bờ Hồ.

“Vợ tôi đẻ liền hai cháu gần nhau. Khi đó, cô ấy không có sữa cho con bú, vì vậy chúng phải ăn sữa ngoài. gia đình hai bên nội ngọai giúp đỡ chúng tôi rất nhiều về mặt này và còn hỗ trợ vật chất kinh tế khác nữa”, anh Tiến tâm sự.

Hiện tại, ngôi nhà 3 tầng, mỗi tầng khoảng 20m2 là nơi sinh sống của cả gia đình anh Tiến với 4 thế hệ. Trong đó, bà ngoại anh ở tầng một, bố mẹ anh ở tầng 2, còn vợ chồng con cái anh ở tầng 3.

Thường ngày, bà ngoại anh vẫn bán hàng nước ở trước cửa nhà, còn mẹ anh thì đi rửa bát thuê. Nhiều lúc anh Tiến trăn trở: “Tôi cũng có chút ái ngại khi bạn bè thấy mẹ tôi đi làm như vậy, nhưng vợ chồng tôi cũng không khá giả gì nên tôi cũng chấp nhận điều đó vì lao động là vinh quang”.

Anh luôn khéo léo từ chối những cuộc nhậu với bạn bè để ở nhà giúp đỡ vợ con. Trong sinh hoạt chi tiêu, anh Tiến cũng rất tằn tiện, không bao giờ mua sắm hoang phí. Vợ chồng anh thường đến các hội chợ giảm giá hoặc shop khuyến mãi để mua được những món đồ với giá tốt nhất.

“Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ mua một chiếc quần, cái áo nào quá 200 nghìn đồng. Có 3 cái áo tôi mua 100 nghìn đồng từ khi lấy vợ và đến nay tôi vẫn mặc”, anh Tiến cười nói.

Vì hai vợ chồng anh tiết kiệm, nên con cái cũng học được tính cách đó của bố mẹ. Anh kể, mới đây, khi anh mua cho con trai đôi dép 50 nghìn đồng thì cậu bé không bỏ đôi dép cũ mà nhất quyết mang về để đi trong nhà.

Kể về người chồng là chiến sĩ CSGT, người cha mẫu mực của hai con nhỏ, chị Thủy - vợ anh Tiến cho biết anh là một người giản dị, không cầu kì trong cuộc sống. Vì công việc của chồng bận rộn nên chị thường gánh vác công việc hai bên nội ngoại và thông cảm cho chồng.

Còn Đại úy Ngô Duy Quang, Đội Phó Đội CSGT số 1 cho biết, Đại úy Tiến đã kinh qua nhiều vị trí công tác ở các đơn vị khác và được chuyển về công tác tại Đội CSGT số 1 vào tháng 1/2018. Cũng trong năm này, Chủ tịch UBND TP đã tặng anh Tiến Bằng khen gương người tốt việc tốt.

“Đồng chí Tiến làm Tổ trưởng giúp việc cho Ban chỉ huy Đội tiếp công dân. Trong quá trình công tác, đồng chí rất nhiệt tình trong công việc, hòa đồng với mọi người”, Đại úy Quang chia sẻ.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn