Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại Điện Biên, 50 năm sau

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 18/10/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) - 50 năm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quay lại chiến trường xưa, nơi có 6000 ngôi mộ nằm giữa gió reo đại ngàn.

(VTC News)  - 50 năm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quay lại chiến trường xưa, nơi có 6000 ngôi mộ nằm giữa gió reo đại ngàn.

Điện Biên Phủ, 50 năm sau

Máy bay lượn vòng trên thung lũng Mường Thanh với cánh đồng rộng, con sông nhỏ, lố nhố những ngôi nhà mới xây. Sân bay Mường Thanh đã có đường băng bê tông. Con đường đôi đưa khách về nhà nghỉ của thành phố Điện Biên Phủ.

50 năm qua, ông đã có những lần trở lại thăm chiến trường cũ, nhưng lần này ông thấy có những thay đổi nhiều hơn cả.
đại tướng võ nguyên giáp
50 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng quay lại chiến trường xưa. 
Cái đập vào mắt những người tới Điện Biên Phủ là dãy đồi phía đông nằm trên cánh đồng. Nhưng ông không nhận ra A1, C1, Đồi E, Him Lam…tất cả đã chìm vào màu xanh cây cối và những ngôi nhà nho nhỏ mới xây.


Thành phố Điện Biên Phủ giống như một thị trấn mới xây dựng ở trung du, trở nên xa lạ vì không còn thấy bóng một ngôi nhà sàn.
Buổi chiều, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và thành phố tới thăm.

Buổi tối, khi ông đang dạo quanh nơi nghỉ, thì một cán bộ chạy lại, nói:
-    Thưa bác suốt mấy tháng qua, bà con Điện Biên và anh em cán bộ chúng con trông bác từng ngày. Chúng con cứ lo lỡ có chuyện gì mà bác không lên được!

Anh ngập ngừng rồi nói:
-    Chỉ khi thấy bác xuống máy bay, đồng bào mới tin là bác đã trở lại Điện Biên. Ở Mường Phăng có một cụ già một trăm tuổi, lúc nào cũng mong sống được đến ngày hôm nay để gặp bác.

-    Cụ vẫn còn khỏe mạnh chứ?
-    Thưa bác con vẫn khỏe mạnh, chờ gặp bác.

-    Chính tôi cũng mong đến ngày này để gặp lại đồng bào Tây Bắc và những đồng đội cũ đã nằm lại đây.

Sáng hôm sau, đi thăm nghĩa trang. Khu nghĩa trang đã được tôn tạo, cửa vào giống như một tòa thánh.

Ông đi chầm chậm giữa những hàng mộ trắng toát mà ông biết từ lâu hầu hết không có tên các liệt sỹ. Mỗi lần  nhìn thấy những ngôi mộ không tến này, ông lại thấy bứt rứt. Trong kháng chiến chống Pháp, phần đông những người ra đi chiến đấu đều không nghĩ là mình sẽ trở về.
đại tướng võ nguyên giáp
50 năm trước, ông cùng đồng đội mình đã ở nơi đây. 
Họ cũng ít quan tâm tới lúc mình nằm xuống. Riêng chiến dịch này, trận đánh kéo dài nửa năm. Những chiến sỹ mới không ngừng bổ sung ra mặt trận. Phần lớn là tân binh.

Những học sinh vừa mới rời ghế nhà trường. Những dân quân ở vùng địch hậu. Nhiều người chưa bao giờ cầm khẩu súng. Tình hình mặt trận nhiều lúc rất khẩn trương. Nhiều khi họ vừa tới mặt trận, lập tức được thẳng ra chiến hào.


Các chiến sỹ mới tự đi tìm đơn vị. Nhưng khi họ đi dọc chiến hào, gặp nơi nào đang có chiến đâu, họ xông vào tham gia ngay. Một đơn vị đánh ở sân bay, trong bình công, nhiều người gới thiệu một chiến sỹ cắm cờ. Khi đó, quân địch rất đông đang tiến công đánh chiếm trận địa ta.

Ta đã lấy một mảnh vải dù làm thành một lá cờ chuẩn, cắm giữ sân bay để cho pháo bắn chi viện. Lá cờ chuẩn bị bom đạn hủy diệt. Giữa lúc ấy, một chiến sỹ lấy ngay lá cờ ‘Quyết chiến quyết thắng’ cửa đơn vị lao mình xông lên phía trước. Lát sau, một lá cờ đỏ chói tiếp tục phấp phới bay ở đúng vị trí của lá cờ chuẩn cũ.

Những đợt tiến công mới của địch không thể vượt qua pháo bắn chặn của ta. Rồi những trận đánh khác tiếp diễn. Lúc này mọi người nhớ đến anh. Nhưng không biết tìm đâu ra anh. Có thể là anh đã hy sinh. Hoặc anh là người của một đơn vị khác.

Những người ở Điện Biên Phủ chỉ nghĩ đến chiến đấu mà không nghĩ đến sự lưu danh. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà ông được nghe khi xuống đơn vị. Bao lần, ông tự bảo là  mình cũng có một phần lỗi không nhỏ.


Ông đi vào nhà tưởng niệm. Ông cầm ba nén hương trong tay khá lâu. Bỗng ông cầm những nén hương lập cập đi lại bàn thờ. Người ta đã nhận thấy nước mắt ông đang tuôn trào. Đồng chí cán bộ đi bên cạnh đỡ lấy nén hương để mang đến cắm vào bát hương.

Ông viết mấy dòng vào sổ lưu niệm.

Ông đi rất chậm rãi giữa những hàng mộ. Mỗi lần đến thăm nghĩa trang, ông đều hy vọng nhìn được tên một người đồng đội nào đó giữa hàng bia. Ông bỗng dừng bên một ngôi mộ. Ngôi mộ này có tên. Một địa chỉ đầy đủ viết bằng sơn màu đen, nét chữ còn tươi.

Ông quay lại hỏi người cán bộ của nghĩa trang:
-    Tại sao tên lại ghi ở đằng sau bia?

-    Thưa bác, tên này là do gia đình tìm theo con đường…tâm linh. Chúng tôi đành phải chấp nhận để gia đình ghi ở phía sau…Trên dãy nhà ngang, chúng tôi đã có bia khắc tên tất cả các liệt sỹ.

-    Tài liệu lấy ở đâu?
-    Một là do các đơn vị đã chiến đấu tại đây cung cấp. Chúng tôi cho rằng thiếu nhiều. Mấy năm qua, chúng tôi đã thông báo tất cả các địa phương, nơi nào có người đi trận Điện Biên Phủ không trở về thì báo cho chúng tôi để bổ sung vào bia tưởng niệm.

-    Tổng cộng đã có bao nhiêu người?
-    Trên sáu ngàn.
-    Trên sáu ngàn…- Ông lặp lại rồi nói tiếp: ‘Chắc chắn là chưa đủ!...Nhưng bây giờ còn biết làm gì!’

Đồi A1, 50 năm sau

Xe chạy theo một con dốc nhỏ trải nhựa, hai bên có trồng cây như đang chạy trong một công viên.

Chiếc xe dừng lại. Ông nhìn sang phía tay phải có thấy chiếc xe tăng nòng gục xuống. Ông ngạc nhiên hỏi:
-    Đến nơi rồi à?

Vừa rồi vào thăm nghĩa trang ông đã đi nhiều nơi. Đồng chí lái xe sợ ông mỏi chân, nên đã để ông ngồi trên xe chạy thẳng lên đồi A1 cũng ở liền kề nghĩa trang.

Ông bước xuống xe nhìn quanh. Đồi A1, chiếc chìa khóa sống của Mường Thanh đây rồi! A1 là một quả đồi nhỏ không lớn, nhưng trong chiến dịch, nó không có một thân cây, ngọn cỏ, màu đỏ khét từ đầu tới chân, nó vẫn trấn ngự cả một vùng trời phía đông.
đại tướng võ nguyên giáp
Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày ấy.
Mỗi tấc đất tại đây đã thấm máu biết bao người, cả quân ta lẫn quân Pháp, không chỉ quân Pháp mà cả quân Đức, quân châu Phi. Lần trước vào dịp kỷ niệm 30 năm, ông lên thăm A1, có Quang Trung cùng đi.

Quang Trung đã đi với ông từ ngày thành lập Giải phóng quân, nhưng thưa thớt nhiều rồi, không nói những người đã nằm lại Điện Biên Phủ, mà cả những người đã chiến thắng tại Điện Biên Phủ.

Điện Biên phủ mới là nửa chặng đường của chiến tranh. Họ đã nằm lại trên dọc đường đất nước. Cũng không ít người qua đời vì bệnh tật. Khỏe như Quang Trung cũng nằm trong số này.

Ông đã chuẩn bị sức lực để leo đồi, nó không cao lắm mà. Ông muốn mình sẽ chầm chậm leo lên đây, tiếp tục nhìn ngắm và tiếp tục nghĩ về họ.

Ông nhìn chiếc xe tăng, thời gian đã hủy hoại nó quá nhiều. Mà sao không ai nghĩ đến chuyện làm cho nó một cái bệ, một cái mái che và phủ cho nó một lớp sơn bảo vệ.

Đây là một vật không thể làm lại. Nếu thiếu nó thì A1 còn gì? Mà sao ai đã nghĩ đến việc làm một con đường nhựa để đưa ô tô đi lên đỉnh đồi A1?...Mỗi tấc đất ở đây đều nhuốm xương máu của đồng chí ta…!

Hầm ngầm A1 và con đường hào xây gạch là di tích ít thay đổi. Cách đó vài chục mét là cái hố sâu, dấu tích của quả bộc phá một ngàn cân đã cuốn bay một phân đội quân địch trên đồi. Lòng hố đã được phủ xi măng và miệng hố được tôn cao.

Ông nói với những người cùng đi, mình sẽ đi bộ xuống đồi. Ông nhìn những cây rất xanh trồng hai bên đường, hỏi:
-    Cây gì thế này?
-    Thưa bác đây là cây tếch, gỗ rất tốt dùng để đóng tàu.

Đi bộ mà đường hết cũng quá nhanh. Ông trỏ một gốc cây nằm ở lưng chừng đồi:
-    Cây đa cụt đây phải không?

Một cán bộ đi cùng, vội nói:
-    Thưa Đại tướng, phải ạ. Đại tướng vẫn nhận ra nó?
-    Nó vẫn nguyên vẹn mà!

Báo cáo về A1 thường xuyên nhắc về nó. Chính đêm đêm nó đã canh giữ con đường từ Mường Thanh lên để kéo dài cuộc sống của A1 được hơn một tháng.

Anh em nói, đêm đêm nó hiện lên trước mắt những người đào trận địa như một hình người đang giơ tay kêu khóc. Anh em đã đặt lên cho nó là ‘Ụ thằng người’. Giờ đây nó vẫn còn mang cái dáng đó.

Những tháng ngày không quên


Đường mới làm cho người đi xe từ Điện Biên Phủ dài gấp đôi đường cũ. Những khúc ngoặt liên tiếp không có biển báo hiệu nguy hiểm, nhiều lúc mũi xe như sắp húc vào sườn xe phía trước. Lái xe không dùng còi, nhưng ít khi xảy ra tai nạn, vì ai cũng biết với con đường này phải hết sức cẩn thận.

Khoảng 40 phút, giữa rừng sâu hiện ra một khu đất bằng với nhiều ngôi nhà gạch mới xây. Ông tươi cười nhìn những cửa hàng bán đồ lưu niệm, một ngôi trường tiểu học cao ráo. Đây là Mường Phăng. Nó không còn hoang vu, đã có đường, có trường và có điện.

Mọi người xuống xe đi vào khu di tích lịch sử Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông dừng lại xem tấm biển lớn bằng xi măng ở lối vào ghi ngày sở chỉ huy chiến dịch chuyển về đây: 21/1/1954.

Ông lẩm bẩm:
-    Sao lại là ngày 21?
Những người cùng đi không ai nói gì.

Ông nói tiếp:
-    Ngày 21, Sở chỉ huy còn ở Nà Tấu. Ngày 26, có quyết định thay đổi phương châm. Không phải là ngày 21, mà ngày 31/1, Sở chỉ huy chiến dịch mới chuyển vào Mường Phăng!

Có những ngày mà ông không bao giờ quên trong cuộc đời chinh chiến ba mươi năm của mình.

Rừng già rất xanh. Không khí mát rượi. Con đường đất chạy theo sườn núi râm mát, với những chiếc cầu bằng thân cây gỗ bắc ngang khe suối.
đại tướng võ nguyên giáp
Nhân dân Điện Biên đón Người, như một người con đi xa trở về. 
Vẫn là những bậc đánh bên sườn núi dẫn tới nơi ở của Tổng tư lệnh. Căn lán nứa đã được dựng lại. Nó quá nhỏ.

Trong lán, chiếc bàn nứa, hai cái ghế dài mặt ghép bằng những cây vầu bổ đôi, hai chiếc giường tre nhỏ, một của Đại tướng, một của đồng chí bảo vệ, vẫn y như cũ. Chỉ khác là tất cả đã được ‘xi măng hóa’. Chẳng có cách nào khác, vì tre nứa không thể chống chọi được với khí hậu rừng núi.


Ông ngồi xuống chiếc bàn như năm mươi năm xưa, nhìn qua cửa sổ ra khu rừng trước mặt. Rừng toàn cây non. Ông hỏi:
-    Ngày xưa, ở đây toàn rừng già kia mà?

Một cán bộ nói:
-    Thưa bác, một thời gian nhà nước cho xây dựng lâm trường, cây cối bên đó bị chặt hết, may mà còn bên này giữ được. Từ khi có chủ trương tôn tạo khu di tích, rừng bên đó mới mọc lại.

Cái lán nhỏ này có thể ví với lán Nà Lừa ở Tân Trào, nơi Bác giữa những trận sốt rừng đã nghĩ tới việc triệu tập Hội nghị Tân Trào quyết định Tổng khởi nghĩa, mang lại một bình minh mới cho đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do sau tám mươi năm nô lệ.

Ở lán Mường Phăng này, theo quyết định của Bác và Trung ương, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đã điều binh trong mùa xuân 1954 trên cả nước, tiến hành trận đánh quyết định bẻ gãy mũi giáo của đạo quân viễn chinh Pháp, báo hiệu buổi chiều tàn của chủ nghĩa thực dân trong thế kỷ XX.

Ông sẽ ngồi đây rất lâu, nếu đồng chí chủ tịch tỉnh không nhắc ông vào thăm qua đường hầm rồi ra gặp đồng bào đã tập trung đông bên ngoài.

Con đường hầm ở ngay cạnh lán. Đường hầm này được đào khi trận đánh kéo dài và phương Tây đã tính tới việc dùng những trận ném bom chiến lược, kể cả việc dùng bom nguyên tử để cứu nguy cho Điện Biên Phủ. Ngày đó nó là một công trình kỳ vĩ.

Nhưng bây giờ mới thấy quá nhỏ hẹp. Cửa hầm mới được gia cố bằng bê tông, vừa hẹp vừa trơn. Mọi người chỉ đi được một đoạn ngắn rồi phải quay lên vì bộ đội đã lấp đường hầm không cho vào tiếp vì sợ nguy hiểm.

Đại tướng vui vẻ hỏi:
-    Nghe nói có cụ già ở Mường Phăng đã trên một trăm tuổi?

Một cán bộ địa phương nói:
-    Thưa bác, cụ đã bắt con cháu đưa tới địa điểm mít tinh từ rất sớm để chào Đại tướng.

***
Từ khi đi thăm Sở chỉ huy ở Mường Phăng, đồng chí bí thư thành phố Điện Biên Phủ đã hỏi nhỏ chúng tôi:
-    Nếu các anh đã không mệt, thì tối nay, chúng tôi sẽ mời các nhà văn vào bản.

Chúng tôi đi thăm Điện Biên Phủ lần này còn có nhiệm vụ là lám một cuốn phim nhỏ cho Hãng phim Hội Nhà văn.

Nhà văn Hồ Phương nhanh nhảu đáp:
-    Thế thì còn gì bằng. Chúng tôi đi lại Điện Biên nhiều lần nhưng chưa hề được xuống bản.

Chỉ đi một đoạn ngắn, chiếc xe đã ra khỏi thành phố, đi trên con đường đất gập ghềnh chắc mở chưa lâu. Chúng tôi đi qua một chiếc cầu treo thì nhìn thấy phía trước có mấy ngôi nhà sàn. Lòng ấm hẳn lại.

Từ hôm đến Điện Biên đến giờ mới thấy ngôi nhà sàn. Trước cửa một ngôi nhà sàn một số bà và cô gái Thái đang lúi húi quanh bếp lửa mới đặt trên sân.

Nhiều người ở trong nhà ùa ra đón khách. Chúng tôi được gia đình đón tiếp như những người thân. Những nụ cười tươi rói. Những chiếc bắt tay ầm ầm. Chúng tôi được dắt lên cầu thang không có tay vịn.

Anh chị  chủ nhà chưa đến năm mươi tuổi chắc chưa ra đời khi chúng tôi chiến đấu ở đây.

Cỗ xe lông cùng với chiếc tivi và bộ máy nghe nhạc hiện đại đã được dồn về một góc, một chiếc trống lớn treo ở góc nhà chuẩn bị cho tối liên hoan.

Những chiếc chiếu được trải nối nhau theo chiều dài của căn nhà giáp với những khoang phòng có rèm che vốn là nơi ngủ của những gia đình người Thái. Cơm rượu dọn ra rất nhanh.

Chủ nhà tươi cười nói mấy lời chào những chiến sỹ trở lại Điện Biên thăm chiến trường xưa, rồi tiếng trống chiêng nổi lên. Một đoàn thiếu nữ rực rỡ sắc màu, xuất hiện ở cửa vừa múa vừa hát tiến vào nhà theo nhị trống. Ngôi nhà phút chốc biến thành một đêm liên hoan đầy màu sắc và thanh âm.

Chị chủ nhà nhiệt tình mở cuộc bằng bài hát đầu tiên để chào khách như muốn gián tiếp giới thiệu giọng hát và một thời son sắc của mình.

Các cô gái bắt đầu chuốc rượu. Đố ai ngồi đây có thể từ chối một chén rượu mời.  Tiếng trống, tiếng chiêng nhịp nhàng ru khách và chủ trong một điệu nhạc say mê.

Mọi người tạm dẹp chén, bát sang một bên đứng lên theo chân các cô gái hòa trong một điệu xòe.
Tôi chợt nhớ tới một câu thơ:

Anh đi một ngàn đêm
Để mang lại cho em
Một ngày không sợ hãi…

Không ai muốn rời khỏi một đêm liên hoan thế này.
Chủ nhà và các cô gái bản xếp hàng từ cửa nhà sàn ra đến xe tay cầm bình rượu và những chén nho nhỏ vây quanh khách nhất định mời cạn chén rượu cuối cùng trước khi lên xe:

Anh ơi, anh đừng vội
Mời anh cạn chén lẩu này
Tay em cầm đưa anh…

Tôi nghĩ giá mà Đại tướng có mặt ở đây đêm nay…

Còn nữa...

Kỳ cuối: John Kennedy phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trích đăng từ 'Không phải huyền thoại' – Hữu Mai – Nhà xuất bản Trẻ ấn hành

Bình luận
vtcnews.vn