Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Hiển thánh

Thời sựThứ Bảy, 26/10/2013 01:47:00 +07:00

Thật vậy, Đại tướng đã hiển thánh, như trước đây 44 năm Bác Hồ đã hiển thánh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hiển thánh, như trước đây 44 năm Bác Hồ đã hiển thánh.

Đôi khi trò chuyện cùng bạn bầu, chúng tôi biết rằng phút chia tay vĩnh biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sắp đến, và đám tang ông sẽ là một sự kiện của thế kỷ chỉ đứng sau đám tang Bác Hồ năm 1969.
Nhân dân Mường Phăng đón Đại tướng về thăm lại khu Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm 2004. Ảnh: T.L 
Nhưng khi cái tin nhói lòng đến với toàn dân, thì mọi người chúng ta đứng trước bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Bất ngờ thứ nhất: Lần đầu tiên mọi người biết di nguyện của người anh hùng dân tộc là được tìm về nơi an nghỉ cuối cùng ở quê hương và di nguyện ấy đã được thực hiện trọn vẹn.
Bất ngờ thứ hai: những dòng sông người cuồn cuộn đổ về số 30, Hoàng Diệu, nhà riêng của Đại tướng, số 5, Trần Thánh Tông (Hà Nội) nơi làm lễ quốc tang, trên đường tiễn đưa linh xa ra sân bay Nội Bài, trên đường đón linh xa ở sân bay Đồng Hới suốt dọc đường tiễn đưa, lại có cả một biển người tại Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Bình), nơi Người an nghỉ cuối cùng.
Bất ngờ thứ ba: Sự ra đi của  một anh hùng dân tộc hàm chứa những tinh hoa của các anh hùng trong lịch sử, với vẻ bình dị của người dân quê, người lính áo vải, vừa mang sắc tộc dân dã xưa vừa hoành tráng sắc màu hiện đại, mang vóc dáng một tang lễ chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
Tôi nhớ một câu thơ của Cao Bá Quát khi nhà thơ đứng trước dòng sông chảy qua đền thờ Trần Hưng Đạo: “Chuyện cũ của khách anh hùng đã gửi cả cho làn sóng biếc”.
Tôi cũng như mọi người, chọn cách của mình tưởng niệm Đại tướng: Hòa vào dòng sông người sắp hàng rồng rắn hàng cây số uốn lượn quanh co trước những dãy phố dẫn đến bàn thờ thiêng trong nhà tang của đất nước. Để hòa mình vào với những chuyện cũ của khách anh hùng. Để nhìn vào ánh mắt của từng người mà cảm nhận, đằng sau những đôi mắt thấy hiện lên bao nhiêu kỷ niệm bắt nguồn từ ý chí và tâm hồn của Đại tướng, bắt nguồn từ sâu thẳm tâm linh của các anh hùng của dân tộc.
Cái chết của Đại tướng đã quy tụ hào khí thiêng liêng của cả một dân tộc.
Cái chết của một con người đã quy tụ cả một hào khí thiêng liêng của cả một dân tộc.
Võ Điện Biên, người con trai của đại tướng, có bài đáp từ làm rung động lòng người. “Gia đình chúng tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước đã cho phép chúng tôi thực hiện di nguyện của Đại tướng được trở về nơi an nghỉ cuối cùng ở quê hương.
Chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết rằng mọi lời ca ngợi đối với Đại tướng là lời ca ngợi đối với Bác Hồ, với các thế hệ lãnh đạo của Đảng, với tất cả đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh và đóng góp bằng tâm trí và máu xương trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Đấy là lời ca ngợi đối với tất cả những người con ưu tú của nước Việt đã ngã xuống để bảo vệ và giữ gìn mảnh đất này…
Trong giây phút này, xin phép được ngẩng đầu tạ ơn tiên tổ của đất nước Việt Nam, tạ ơn anh linh của tất cả những anh hùng liệt sĩ từ hàng nghìn năm nay đã ngã xuống vì mảnh đất này và luôn luôn đồng hành cùng với Đại tướng trong cuộc trường chinh cho đến giờ phút cuối cùng”.
Chúng tôi hiểu đó là những lời nói từ trong trái tim và hiểu rằng có một điều ẩn sâu trong tâm linh mà Võ Điện Biên không nói ra: Xin cảm ơn trời đất đã sinh ra cha tôi trong các thế hệ anh hùng của dân tộc.
Bỗng thấy mình có một hạnh phúc mà nhiều thế hệ trước mình và sau mình không có: Được làm người của thế hệ Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Lại được thấy sự hiển thánh của hai nhân vật kiệt xuất trong lịch sử. Thật vậy, Đại tướng đã hiển thánh, như trước đây 44 năm Bác Hồ đã hiển thánh.
Tôi đi qua nhiều nơi đã trông thấy và nghiêng mình trước những đền thờ, miếu thờ Hồ Chí Minh. Còn giờ đây trước mắt ta là sự hiển thánh của vị tướng huyền thoại trong dòng sông nhân dân.
Trong ánh mắt, trong cử chỉ vái lạy trên đường linh xa đi qua, không chỉ có tiếc thương mà có cả cầu xin, ước nguyện. Bác Hồ đã hiển thánh trong thời gian, Người ra đi trong chính ngày 2.9 là ngày Người đã từng đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Còn Đại tướng Võ thì hiển thánh trong không gian, trong mảnh đất quê hương, dựa vào núi, nhìn ra biển. Không biết ai đã có sáng kiến dùng các thúng, rổ được dân quê đan lát, xúc đất và chuyền qua tay những người lính, chuyền tay nhau lấp mộ. Những thúng đất ấy sẽ đi vào huyền thoại. 

Theo Lao Động
Bình luận
vtcnews.vn