Đại tướng Tô Lâm: Bỏ sổ hộ khẩu là mong ước của người dân

Chính trịThứ Tư, 21/10/2020 12:15:00 +07:00
(VTC News) -

Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh việc bỏ sổ hộ khẩu là điều người dân hết sức mong mỏi và Bộ Công an có những quán triệt trong vấn đề này.

Phát biểu tại Quốc hội sáng 21/10, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh việc bỏ sổ hộ khẩu là điều mong ước của người dân, mang lại sự phấn khởi cho người dân.

"Bây giờ chúng ta làm được thì dân rất mong đợi. Chúng tôi đã quán triệt trong việc này. Sổ hộ khẩu có rất nhiều điều khoản khác “ăn theo”. Vì thế, muốn thay đổi đòi hỏi cả hệ thống phải cùng thay đổi", ông Tô Lâm cho hay. 

Đại tướng Tô Lâm: Bỏ sổ hộ khẩu là mong ước của người dân - 1

Bộ trưởng Công an Tô Lâm. 

Theo Bộ trưởng Công an, cho tới hiện nay, đã thu thập được 90% cơ sở dữ liệu dân cư và đang thẩm định, phúc tra lại. 10% công việc còn lại có thể được hoàn thành ngay trong năm 2020. 

"Chúng tôi đề nghị từ giờ cho tới 1/7/2021, người dân hỗ trợ triển khai dự án căn cước công dân", Đại tướng Tô Lâm nói. 

Ông Tô Lâm cho biết cũng từng có đề nghị xin kéo dài thời gian cấp căn cước công dân. Nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý không cần gia hạn thêm. Bộ Công an cũng đã có lộ trình cụ thể cho vấn đề này.

Liên quan đến thắc mắc của đại biểu quốc hội về thường trú, tạm trú, cư trú, Đại tướng Tô Lâm khẳng định những vấn đề này đã được quy định cụ thể, rõ ràng trong luật.

Trước đó, trong phiên thảo luận, các đại biểu cũng có đóng góp về vấn đề này. 

Đại biểu Triệu Thanh Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng đánh giá cao thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công an cùng các cơ quan liên quan đã thể hiện quyết tâm rất cao, có nhiều văn bản chỉ đạo và hành động quyết liệt phấn đấu hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú để có thể vận hành chính thức từ ngày 01/07/2021.

Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện được mục tiêu này, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo, bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các công việc như trong kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, trong Luật cần có một số quy định chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ cho người dân.

Đại tướng Tô Lâm: Bỏ sổ hộ khẩu là mong ước của người dân - 2

Đại biểu Triệu Thanh Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng. 

Trong khi đó, Đại biểu Trần Thị Dung - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, Đại biểu Lê Quang Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang bày tỏ đồng thuận với Phương án 1 của dự thảo Luật là "quy định Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022".

"Việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là vấn đề rất lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân và hoạt động của các cơ quan, tổ chức liên quan, do vậy cần được xem xét, cân nhắc thận trọng, toàn diện, tránh làm khó cho người dân. Việc lựa chọn phương án 1 cũng không làm ảnh hưởng tới sự quyết tâm của Chính phủ, Bộ Công an trong việc hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân và không ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của luật", vị nữ đại biểu nhấn mạnh. 

Duy Thành - Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn