Đại thảm họa phim Việt 'Chàng bóng nàng men'

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 28/08/2012 11:37:00 +07:00

Với sự ra đời của 'Chàng bóng nàng men', nhiều thảm họa phim Việt có nguy cơ phải nhường lại danh xưng.

Với sự ra đời của 'Chàng bóng nàng men', nhiều thảm họa phim Việt có nguy cơ phải nhường lại danh xưng.

Đi theo kiểu phim hài "truyền thống" ngay từ cái tựa đề phim, không mấy khó khăn để khán giả mường tượng ra kịch bản Nàng men, chàng bóng sẽ khai thác vấn đề gì. Vẫn lối cũ vốn đã đi mòn tới mức thành đường cao tốc 8 làn xe trong phim thị trường Việt: diễn viên thần tượng, giả gái, đồng tính và ... cười một lần rồi thôi.

Kịch bản của Nàng men, chàng bóng được đơn giản hóa một cách tối đa, xen lẫn những tình tiết đậm sắc màu cổ tích đóng vai trò cởi nút thắt trong phim. Những sơ sài trong kịch bản, lời thoại được bù đắp lại bằng cách chăm sóc tối đa cho ngoại hình nhân vật. Có thể nói, tạo hình của Ngô Kiến Huy trong vai chàng bóng "Ẽo Ợt" là điểm nhấn duy nhất của phim. Còn lại, tất cả mọi thứ đều nhàn nhạt.

 

Xoay quanh chuyện tình giữa chàng Ẽo Ợt (Ngô Kiến Huy) và Út Chót (Đinh Ngọc Diệp) là vô số những tình tiết phi lý. Nhưng khó chấp nhận nhất vẫn là tình huống chàng bóng lộ Ẽo Ợt bỗng nhiên nhận ra giới tính thực của mình chỉ trong một khoảnh khắc xuất thần của tình yêu nam nữ.


Dù cả một thời gian dài trước đó Ẽo Ợt chỉ biết mê say những chàng "đực rựa", thì nay chỉ cần một khoảnh khắc "thân chạm thân" với cô nàng Út Chót, phần đàn ông của Ẽo Ợt bỗng nhiên trở lại, đầy đặn trăm phần trăm. Không chỉ có những người đồng tính, mà ngay cả khán giả bình thường cũng khó lòng “nuốt” nổi tình tiết phi lý này. Đúng là "đời không như phim"!

Trước đây, bộ phim Cảm hứng hoàn hảo cũng bị khán giả “ném đá” không thương tiếc khi khai thác đề tài đồng tính một cách hời hợt. Bộ phim được coi là thảm họa của phim Việt khi để nhân vật nam chính từ một người lệch lạc về giới tính trở thành đàn ông người bình thường nhờ ngày ngày vẽ tranh khỏa thân cho 3 cô chị. Tuy nhiên, với sự ra đời của Chàng bóng nàng men, bộ phim này có nguy cơ phải nhường lại danh xưng thảm họa.

 

Ngoài sự khiên cưỡng theo kiểu "gọt hình vuông thành hình tròn", Nàng men chàng bóng không để lại bất cứ dấu ấn nào đặc biệt ngoài yếu tố hài hước được tạo ra bằng mọi cách. Có điều, việc lạm dụng quá nhiều những tình huống có thể gây cười đã khiến cho bộ phim mang sắc thái của một vở hài kịch thường thấy trên truyền hình hơn là một tác phẩm điện ảnh được công chiếu rạp.


Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều khách mời được hỏi về cảm tưởng sau khi xem phim đều cười ngượng và từ chối trả lời. Có thể họ ngại đụng chạm hay làm mếch lòng đồng nghiệp, nhưng cũng có thể vì bộ phim không có gì đọng lại để mà nói. Những nụ cười cơ học vốn là thứ đến rất nhanh và qua đi cũng rất nhanh.

Tất nhiên, phim cũng thành công ở một khía cạnh khác là đem lại tiếng cười cho khán giả. Tuy không phải bất cứ nụ cười nào cũng biểu hiện cho niềm vui, nhưng hễ làm khán giả cười là có lẽ nhà sản xuất cũng thấy vui.

Bất kể họ cười vì ngoại hình nhân vật, cười vì lời thoại kiểu cù vào nách hay đơn giản chỉ là cười theo điệu cười của nhân vật trong phim, miễn họ không ngủ gật khi đang xem phim cũng đã là một thành công đáng kể.


Mặc dù bị chê dở tệ, nhưng Nàng men chàng bóng vẫn được dự đoán sẽ thành công ở mặt doanh thu. Kịch bản sơ sài và luộm thuộm giúp giảm chi phí tối đa cho việc hoàn thành bộ phim, khi mà cảnh quay chủ yếu chỉ tập trung loanh quanh sông nước, nhà cửa và ... trại nuôi heo.

 

Sở dĩ nhà sản xuất không cần phải đầu tư nhiều bởi yêu tố quyết định trong phim không phải là ngoại cảnh hoành tráng, kỹ xảo rợp trời mà chỉ đơn giản là làm khán giả cười thật nhiều. Điều này không quá khó bởi bộ phim có quá nhiều đất diễn cho một chàng bóng lộ.


Làm một phép so sánh đơn giản giữa chi phí làm phim ít ỏi và số fan đông đảo của các diễn viên thần tượng, những khán giả trẻ, dễ tính và không đòi hỏi quá cao xa, có thể thấy ngay bộ phim rất khó lỗ. V

à có lẽ đây mới là điều mà nhà làm phim hướng tới, bởi dẫu sao thì nghệ thuật hay chạm tới cảm xúc người xem cũng đâu mài ra mà ăn được? Bỗng dưng lại nhớ tới câu than vãn của một vị đạo diễn phim quen thuộc: "Đừng trách tụi anh mà tội nghiệp. Ai cho anh tiền mà làm phim nghệ thuật?".


Bỏ qua những yếu tố nghệ thuật, bộ phim vẫn rất đáng xem với những ai là fan của Ngô Kiến Huy. Bên cạnh tạo hình giả gái y như thật của chàng ca sĩ lần đầu tiên chạm sân điện ảnh, diễn xuất của “chàng Bắp” trong phim cũng là quả một bất ngờ lớn.

Còn nếu không phải là fan của Ngô Kiến Huy, bạn cũng rất nên đi xem để có thêm niềm tin vào cuộc sống, đặc biệt là tin vào một điều: trên đời vốn chẳng có thứ gì vứt đi, dù là dở tệ...


Theo Xzone/TTTĐ

Bình luận
vtcnews.vn