Đại sứ Trung Quốc xuyên tạc vấn đề Biển Đông trên báo Anh

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 12/06/2016 07:20:00 +07:00

Liu Xiaoming khuyến khích Philippines quay trở lại đàm phán song phương và cảnh báo một số nước bên ngoài khu vực “ngừng đùa với lửa”.

Tờ Telegraph ngày 11/6 đăng tải bài viết của Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming, trong đó nhà ngoại giao Trung Quốc cảnh báo các nước bên ngoài khu vực không can thiệp vào vấn đề Biển Đông và chỉ trích Philippines đưa vụ việc lên tòa án quốc tế.

Mở đầu bài viết, Đại sứ Trung Quốc cho rằng Philippines khuấy động căng thẳng khi đơn phương nỗ lực hợp pháp hóa việc "chiếm đóng trái phép" các đảo và các rạn san hô trong quần đảo Trường Sa bằng cách đâm đơn kiện Trung Quốc lên tòa Trọng tài Quốc tế.

liu-xiaoming-1465668200

 Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming xuyên tạc vấn đề biển Đông.

Đại sứ Trung Quốc ngang ngược tuyên bố rằng "công chúng Anh không biết thực tế là hơn 40 đảo và rạn san hô của Trung Quốc ở quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) đang bị Philippines và một số quốc gia khác chiếm đóng trái phép, xây dựng sân bay và triển khai vũ khí đến nơi này”.

Ông cho rằng Philippines nói riêng đã kích động tranh chấp đối với các đảo và rạn san hô một lần nữa bằng cách dùng một tàu chiến cũ làm căn cứ và đóng bất hợp pháp trên rạn san hô Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

“Trung Quốc đã phản ứng với sự kiềm chế tối đa, thúc đẩy các cuộc đàm phán và tham vấn. Chúng tôi đã kêu gọi gác lại tranh chấp vì sự phát triển chung trong khi chờ giải pháp cuối cùng về vấn đề này.

Tuy nhiên, Philippines đã khiến sự kiềm chế của Trung Quốc đi quá giới hạn. Nước này đã tiến một bước xa hơn. Họ không chỉ muốn đảo và rạn san hô của Trung Quốc mà còn đệ đơn kiện nhằm củng cố sự chiếm đóng của mình dưới áo choàng pháp luật”, Đại sứ Trung Quốc nói.

Đại sứ Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không có ý định chấp nhận vụ kiện của Manila. Các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ không thuộc thẩm quyền của Tòa án Hague.

Nhà ngoại giao Trung Quốc kết luận rằng Philippines đã phạm luật khi khởi xướng vụ kiện và tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague đã phá vỡ luật pháp bằng tiếp nhận vụ kiện không thuộc thẩm quyền của mình.

Kết luận, ông Liu Xiaoming khuyến khích Philippines quay trở lại đàm phán song phương và cảnh báo một số nước bên ngoài khu vực “ngừng đùa với lửa”.

Chính Trung Quốc là người đe dọa hòa bình và an ninh ở Biển Đông

Bài phát biểu của Đại sứ Trung Quốc cho thấy, nhà ngoại giao này đang cố gắng tuyên truyền sai sự thật về tình hình Biển Đông hiện nay với những lập luận chỉ thuyết phục được những người thiếu kiến thức về vấn đề này.

01919525330300-1465668392

Các hành động trên của Trung Quốc ở Biển Đông, thực tế, đã phá hoại các hệ thống quốc tế dựa trên nguyên tắc và đe dọa hòa bình, sự ổn định của khu vực.

Thứ nhất, việc Trung Quốc nói các nước trong khu vực đang “chiếm đóng trái phép” các đảo và rạn san hô của nước này trong khu vực gọi là Nam Sa là không chính xác.

Trong năm 2014, Trung Quốc bất ngờ tung ra cái gọi là bản đồ chữ U, bản đồ đường chín đoạn hay bản đồ đường lưỡi bò do nước này đơn phương thiết lập, ngang ngược đòi chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng gồm Việt Nam và Philippines.

Các căn cứ pháp lý cho tuyên bố chủ quyền phi pháp trên của Bắc Kinh là các tài liệu lịch sử, văn hóa đã được nhiều học giả quốc tế chỉ ra là không chính xác, mơ hồ và không thuyết phục.

Trung Quốc, trên thực tế không đưa ra được một bằng chứng xác thực nào mà chỉ dựa vào những trích dẫn từ các sách cổ của các tác giả Trung Quốc rồi giải thích một cách tùy tiện theo ý mình rằng, tập hợp rất nhiều đoạn trích dẫn có dụng ý chủ quan, cắt xén, lắp ghép tùy tiện nhằm tung hỏa mù, khiến những người không có điều kiện tìm hiểu sâu dễ bị đánh lừa là tư liệu của Trung Quốc rất dày dặn.

Trong khi đó, Việt Nam có đầy đủ các chứng lý phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế về chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì cách hành xử của Trung Quốc lại là ỷ vào sức mạnh để áp chế và lợi dụng khi Việt Nam gặp khó khăn thì tấn công chiếm đoạt kết hợp với việc đưa ra những cái gọi là chứng cứ “bất khả tranh nghị” (không thể chối cãi) mà thực chất là những lập luận và dẫn chứng phi lý thiếu căn cứ khoa học.

Thứ hai, vị đại sứ Trung Quốc nói rằng nước này “đã phản ứng với sự kiềm chế tối đa, thúc đẩy các cuộc đàm phán và tham vấn”.

Các hành động trên của Trung Quốc ở Biển Đông, trên thực tế, đã phá hoại các hệ thống quốc tế dựa trên nguyên tắc và đe dọa hòa bình, sự ổn định của khu vực. Trái với những tuyên bố về hòa bình, các tàu kể cả của chính phủ lẫn tàu cá dân sự Trung Quốc lại có nhiều hành động gây hấn với các nước láng giềng.

Trong năm 2014, Trung Quốc điều giàn khoa khổng lồ cùng hơn 80 tàu các loại hộ tống tiến hành hạ đặt giàn khoan này để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam.

Trung Quốc thường xuyên lùa hàng trăm tàu cá hoạt động tại ngư trường xung quanh bãi cạn Scarborough của Philippines do Bắc Kinh giành quyền kiểm soát sau cuộc đối đầu căng thẳng năm 2012.

d8cb8a51575818a4d1f706-1465668282

 Trái với những tuyên bố về hòa bình, các tàu kể cả của chính phủ lẫn tàu cá dân sự Trung Quốc lại có nhiều hành động gây hấn với các nước láng giềng.

Ngư dân Philippines và Việt Nam liên tục bị tàu tuần duyên và hải cảnh, tàu cá trang bị vũ trang Trung Quốc chĩa súng đe dọa, dùng vòi ròng xua đuổi khỏi ngư trường của mình. Một số ngư dân và tàu cá Việt Nam đã bị phía Trung Quốc bắt giữ khi đang hoạt động nghề cá bình thường trong vùng nước thuộc phạm vi chủ quyền của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trung Quốc tiến hành bồi lấp các đảo và rạn san hô trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam tàn phá hệ sinh thái ở Biển Đông; triển khai máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không, radar tới các đảo này và nhăm nhe ý định thiết lập cái gọi là Khu nhận diện phòng không ở Biển Đông nhằm tăng cường quyền kiểm soát vùng biển này.

Thứ ba, Trung Quốc luôn luôn thúc đẩy các nước láng giềng tham gia đàm phán song phương trong vấn đề Biển Đông nhằm phục vụ kế hoạch “chia để trị” hòng đem lại ích cho Bắc Kinh.

Trung Quốc tỏ ý sẵn sàng trao đổi với khối ASEAN về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông nhằm giảm các căng thẳng, nhưng lại cho rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng sẽ không thể được sử dụng để giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Trung Quốc từ chối giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế khi từ chối tham gia cũng như công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.

Thứ tư, nhà ngoại giao Trung Quốc kết luận rằng Philippines đã phạm luật khi khởi xướng vụ kiện và tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague đã phá vỡ luật pháp bằng tiếp nhận vụ kiện không thuộc thẩm quyền của mình.

Đại sứ Trung Quốc cho rằng nước này đưa ra tuyên bố chủ quyền phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Bắc Kinh cùng hơn 30 quốc gia khác đã phê duyệt và chủ quyền lãnh thổ không nằm trong phạm vi của UNCLOS.

Thực tế, Tòa Trọng tài có đủ thẩm quyền để xem xét bảy điểm trong đơn kiện của Philippines, theo Công ước LHQ, và tòa này cho hay đã bác bỏ luận cứ của Trung Quốc rằng tranh chấp giữa hai bên "thực chất là về chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông và do vậy vượt ra ngoài thẩm quyền của tòa".

Ngược lại, tòa phán quyết rằng đây là vụ "hai quốc gia bất đồng về cách diễn giải hoặc thực hiện UNCLOS.

Phán quyết cuối cùng của Tòa có hiệu lực pháp lý và tính ràng buộc với tất cả các bên, đặc biệt khi Trung Quốc là thành viên UNCLOS, thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

(Nguồn: Người đưa tin)
Bình luận
vtcnews.vn