Đại sứ Nga tại LHQ: Ukraine không tuân thủ thoả thuận Minsk là lỗi của Mỹ và EU

Thế giớiThứ Năm, 01/11/2018 17:15:00 +07:00

Việc Ukraine không tuân thủ thỏa thuận Minsk về Donbass hoàn toàn là do được Mỹ và châu Âu hậu thuẫn, đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ hôm 30/10.

“Thực tế, chính quyền Kiev không tuân thủ các điều khoản trong thoả thuận Minsk, điều này hoàn toàn là lỗi của Mỹ và EU. Bởi Mỹ và EU thừa hiểu rằng, họ bắt buộc phải gỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Nga, nếu Kiev tuân thủ thoả thuận Minsk. Chừng nào thoả thuận Minsk về ngừng bắn ở Donbass chưa được chính quyền Ukraine tuân thủ thì chừng đó bên chịu thiệt hại nhiều nhất là Nga”, Đại sứ Nga nói.

russia_names_new_ambassador_to_un2872017448

 Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya. (Ảnh: Sputnik)

Ông nhấn mạnh: “Kiev hoàn toàn vui vẻ lợi dụng điều đó”.

“Tương tự như vậy với vấn đề bầu cử, Kiev không làm gì để hoàn thành các điều khoản chính trị quy định trong “Minsk 2015”, bao gồm các quy định về tổ chức bầu cử, trong khi đó lại phản đối người dân ở Donetsk thực hiện bầu ra người lãnh đạo sau khi người đứng đầu nước cộng hoà tự xưng bị ám sát”, ông Nebenzya bổ sung.

Đại sứ Nebenzya nhấn mạnh rằng phương Tây khuyến khích Kiev không tuân thủ các thỏa thuận Minsk.

"Kiev không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn, tiến xa ít nhất 15 km vào khu vực phi quân sự, kiên quyết từ chối thực hiện các nghĩa vụ chính trị, cố gắng làm giảm cơ chế của nhóm liên lạc ‘Minsk’, Đại sứ Nga nói.

Ông khẳng định Ukraine ngay từ ngày đầu tiên đã không có ý định thực hiện thoả thuận Minsk và không có gì ngạc nhiên khi Kiev hoàn toàn phá hoại thoả thuận này.

Thoả thuận Minsk 2015 được thiết lập giữa 4 bên Ukraine, Nga, Đức, Pháp nhằm đưa ra những giải pháp giải quyết khủng hoảng chính trị và xung đột quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên suốt thời gian qua các bên đã luôn diễn đạt và thực hiện thoả thuận theo hướng có lợi cho mình. Kết quả là, ưu tiên của Kiev (và các nước phương Tây ủng hộ Kiev) là sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và không được đề cập đến "nước cộng hòa nhân dân độc lập", trong khi đối với Matxcơva là sự cần thiết phải cải cách hiến pháp Ukraine để cho phép khu vực miền đông Ukraine có được nhiều quyền tự chủ hơn.

Rõ ràng là một nghịch lý đã xuất hiện khi mà tất cả các bên đều muốn hòa bình, nhưng không ai muốn một nền hòa bình mà lợi thế nghiêng về phía bên kia. Do đó, ý tưởng cho rằng thỏa thuận Minsk có thể đáp ứng được lợi ích của tất cả các bên là hoàn toàn thiếu thực tế.

Linh San
Bình luận
vtcnews.vn