Đại sứ Na Uy: Đại dương kết nối Việt Nam và Na Uy

Thời sự quốc tếThứ Năm, 15/07/2021 06:59:00 +07:00
(VTC News) -

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam khẳng định, kinh tế biển là một phần quan trọng giúp thắt chặt tình cảm Việt Nam - Na Uy sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Năm 2021 đánh dấu mốc quan trọng mới trong quan hệ Việt Nam – Na Uy khi hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971 - 2021). Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen mới đây có buổi chia sẻ ngắn với VTC News về nhân dịp này.

- Thưa Đại sứ, 2021 là năm quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Na Uy, xin bà nói qua một chút về mốc thời gian này?

2021 là một năm đặc biệt với hai nước Việt Nam – Na Uy, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Năm 1971, cùng với các nước Bắc Âu khác, Na Uy là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cùng với nhau, 2 nước đã đi một chặng đường 5 thập kỷ cùng nhau với nhiều hoạt động hỗ trợ và hợp tác. Từ hợp tác hỗ trợ phát triển truyền thống, mối quan hệ của 2 nước ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực.

Đại sứ Na Uy: Đại dương kết nối Việt Nam và Na Uy - 1

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen. (Ảnh: Đăng Khoa)

- Bà đánh giá thế nào về kết quả hợp tác trong các lĩnh vực giữa Na Uy và Việt Nam trong 5 thập kỷ qua?

Như tôi đã nói, đại dương kết nối 2 nước chúng ta. Một trong các điểm sáng trong quan hệ hợp tác của 2 nước là lĩnh vực Thủy sản. Na Uy đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Luật Thủy sản đầu tiên. Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này ngày càng chặt chẽ và đã mở rộng sang lĩnh vực nuôi biển công nghiệp. Tháng 5 vừa qua, Bộ Thủy sản của Na Uy cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã ký kết Ý định thư hợp tác trong nuôi biển.

Môi trường, biến đổi khí hậu cũng là một lĩnh vực cần nhấn mạnh. Ngoài ra, năng lượng tái tạo cũng là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các công ty Na Uy hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Cũng phải kể đến hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, đặc biệt là quan hệ đối tác tin cậy lâu năm giữa các trường đại học của Na Uy và Đại học Nha Trang Việt Nam về nuôi trồng thủy sản. Hàng hải cũng là một nội dung hợp tác nữa. Hai nước đều có đường bờ biển dài và Na Uy là quốc gia đi biển lâu đời và nhiều kinh nghiệm, các công ty đóng tàu của Na Uy cũng đã có mặt và làm việc nhiều năm ở Việt Nam. 

Mới đây Chính phủ Na Uy đã quyết định thành lập một quỹ đầu tư khí hậu. Đây là quỹ có quy mô toàn cầu nhưng sẽ tập trung hỗ trợ đầu tư cho các lĩnh vực năng lượng tái tạo ở các nền kinh tế đang phát triển nỗ lực chuyển đổi năng lượng xanh từ than sang năng lượng tái tạo. Rất vui là Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia sẽ được hưởng lợi từ Quỹ này. Tôi rất vui với thông tin này từ Chính phủ Na Uy và hy vọng qua đây hai nước có thể tiếp tục hợp tác để thực hiện mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là giảm phát thải khí.

- Trong nhiệm kỳ Đại sứ của mình tại Việt Nam, với tư cách là cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, bà thấy hài lòng nhất với kết quả hợp tác nào cho tới thời điểm này? Trong thời gian tới, bà muốn ưu tiên thúc đẩy mục tiêu nào?

Tôi hài lòng với khá nhiều điều mình đã làm. Nhưng, điều tôi hài lòng nhất có lẽ là sự hợp tác chặt chẽ giữa Na Uy và Việt Nam trên kênh đa phương nhất là LHQ. Năm nay cả Na Uy và Việt Nam đều là các thành viên không thường trực của HĐBA LHQ. Chúng ta đều có những chủ đề nội dung ưu tiên tại HĐBA như phụ nữ, hòa bình và an ninh, bảo vệ thường dân ở những khu vực xung đột, hỗ trợ nhân đạo, biến đổi khí hậu và an ninh khí hậu. Mặc dù chúng ta là 2 nước khác nhau, nhưng những điểm chung trong nội dung ưu tiên tại HĐBA sẽ là cơ sở để chúng ta hợp tác chặt chẽ hơn với nhau tại diễn đàn đa phương này.

ASEAN cũng là một kênh đa phương khác. Đối với Chính phủ Na Uy, ASEAN là một tổ chức khu vực rất quan trọng. Na Uy có Đại sứ ASEAN đóng tại Jakarta. Năm 2020, khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, hai nước đã tổ chức một số hội thảo và sự kiện về kinh tế biển, phát triển bền vững, về phụ nữ, hòa bình và an ninh. 

Trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cuối năm nay Chính phủ Na Uy và Việt Nam sẽ đồng tổ chức một hội nghị quốc tế lớn về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự kiện sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Chúng tôi kỳ vọng lãnh đạo cấp cao các nước sẽ tham gia trực tuyến vào sự kiện này.  Tôi rất mong chờ tới sự kiện này và chắc chắn sự kiện sẽ thành công.

Video: Đại sứ Na Uy tại Việt Nam trả lời lời phỏng vấn VTC News 

- Na Uy có nhiều kinh nghiệm và các công nghệ tiên tiến trong phát triển bền vững kinh tế biển, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo... Na Uy đã và đang chia sẻ điều này với Việt Nam thế nào? Na Uy có các hoạt động nào trong thời gian tới để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong vấn đề này, thưa bà?

Kinh tế biển và năng lượng tái tạo là hai lĩnh vực có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong cả hai nền kinh tế của chúng ta và cũng là trụ cột trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, không chỉ ở cấp độ song phương trong hoạt động xây dựng chính sách, mà còn thông qua hợp tác thương mại đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Tôi nhận thấy rất nhiều cơ hội tích cực để chúng ta tiếp tục hợp tác cùng nhau trong những lĩnh vực này. Đơn cử là chúng ta có thể hợp tác để tăng cường hoạt động xuất khẩu hải sản và thủy sản. Có thể nhận thấy xuất khẩu hải sản từ Na Uy sang Việt Nam và từ Việt Nam đều tăng qua các năm. Khách hàng Việt Nam biết nhiều về cá hồi Na Uy – mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Na Uy, nhưng không ai cũng biết Na Uy cũng xuất khẩu nhiều cá thu sang Việt Nam. Đây là một thông tin khá thú vị.

Còn mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Na Uy là thiết bị điện tử.

Đại sứ Na Uy: Đại dương kết nối Việt Nam và Na Uy - 2

Đại sứ Na Uy gặp gỡ Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ.

- Hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam trong lĩnh vực truyền thông như thế nào thưa bà? Na Uy có kế hoạch gì để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực này không?

Hoạt động báo chí, phát thanh truyền hình ở Na Uy rất phong phú. Các cơ quan phát thanh báo chí truyền hình không chỉ bao gồm các cơ quan của Chính phủ. Chúng tôi có nhiều hãng phát thanh, truyền hình tư nhân, mạng xã hội các báo điện tử… Nhưng tất cả đều hoạt động độc lập với Chính phủ. Mỗi một cơ quan truyền thông đều có cơ chế và chính sách hợp tác quốc tế riêng của mình. Chính phủ Na Uy khuyến khích các cơ quan báo chí của mình hợp tác quốc tế nhưng không thể can thiệp được vào hoạt động hợp tác quốc tế của họ.

Nhưng sau 2 năm ở Việt Nam, tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí Việt Nam đối với các hoạt động của Sứ quán. Thật thú vị và dễ chịu khi nhận thấy các cơ quan báo chí Việt Nam luôn chào đón tôi rất nồng hậu và quan tâm về quan điểm lập trường của Na Uy đối với những vấn đề quan trọng cũng như về các hoạt động hợp tác giữa hai nước. Tôi cho rằng, việc tiếp cận tới người dân Việt Nam để chia sẻ thông tin và tăng cường hơn nữa hoạt động ngoại giao giữa hai nước và nhân dân hai nước là điều rất quan trọng. Vì vậy, Sứ quán Na Uy cũng rất chủ động thông tin trên các nền tảng mạng xã hội của chúng tôi như Facebook, Twitter, Instagram. Chúng tôi cũng luôn sẵn sàng gặp gỡ và trao đổi với các cơ quan truyền thông của Việt Nam.

- Nhân dịp tới thăm VOV, bà có muốn nói gì gửi tới khán giả của VOV nói chung và của VTC News nói riêng không?

Trước hết, tôi xin gửi lời cám ơn tới các cơ quan truyền thông Việt Nam về sự quan tâm dành cho các đại sứ trong đó có cá nhân tôi. Với tôi, đây là một trải nghiệm rất đặc biệt.

Đây cũng là một cách làm hiệu quả để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, giúp người dân hai nước hiểu biết thêm về nhau.

Chúng ta đang sống trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành. Chúng ta đều thấy đại dịch đã làm thay đổi đời sống của chúng ta với các chính sách giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và những quan ngại về vấn đề sức khỏe. Vì thế, tôi xin chúc tất cả các bạn thật mạnh khỏe.

Tôi rất ấn tượng với các biện pháp kiểm soát COVID-19 của Chính Phủ Việt Nam tới nay. Mặc dù tình hình vẫn đang phức tạp, nhưng tôi rất lạc quan và tin rằng Việt Nam sẽ thành công. Các bạn đã thể hiện rất tốt tinh thần đoàn kết – đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Tinh thần đoàn kết là yếu tố quan trọng trong “cuộc chiến” với đại dịch COVID-19.

- Xin cảm ơn bà!

Song Hy - Đăng Khoa
Bình luận
vtcnews.vn