Đại sứ Ấn Độ: Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền cảm hứng cho người dân Ấn Độ

Thế giớiThứ Ba, 10/12/2019 15:03:00 +07:00

Đại sứ Pranay Verma khẳng định, sự hiện diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ấn Độ không quá lâu nhưng suy nghĩ, hành động của Người truyền cảm hứng cho người Ấn Độ.

Cuốn sách “Hồ Chí Minh với Ấn Độ” do Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn và xuất bản.

Đây là cuốn sách quý được nghiên cứu công phu, bài bản, phục vụ người dân và là cẩm nang cho giới nghiên cứu khoa học với những giá trị tư tưởng và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là tư tưởng về tình yêu thương giữa con người với con người. Điều cao quý hơn thế, từ cuốn sách này, người đọc, dù khác nhau về trình độ, về cách tiếp cận, nhưng có một điều chung nhất, là họ rất yêu mến và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

bac_ho

Tổng thống Rajendra Prasad và Thủ tướng J.Nehru đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ năm 1958, tại sân bay New Delhi. (Ảnh Tư liệu Quân đội Nhân dân) 

Nhân dịp ra mắt cuốn sách tại Hà Nội, tân Đại sứ tại Việt Nam, ông Pranay Verma trả lời phỏng vấn VTC News.

- Đại sứ cho biết cảm nhận của ông khi đọc cuốn sách “Hồ Chí Minh với Ấn Độ”?

Dù tôi chưa đọc toàn bộ cuốn sách nhưng tôi đã xem qua. Tôi phải nói rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật truyền cảm hứng ở Ấn Độ. Sự hiện diện của Người ở Ấn Độ không quá lâu, nhưng những suy nghĩ và hành động của Người đã truyền cảm hứng cho người dân Ấn Độ. Cách Người lãnh đạo nhân dân Việt Nam đến với tự do và độc lập là điều mà chúng tôi có thể hiểu được bởi vì ở nước chúng tôi cũng vậy, chúng tôi đã có một phong trào tự do được lãnh đạo bởi Mahatma Gandhi, và hai nhà lãnh đạo này có một mối liên hệ nào đó về mặt triết lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được truyền cảm hứng từ những ý tưởng và tầm nhìn của Mahatma Gandhi. Và chúng ta thấy trong thời kỳ hiện đại ngày nay, thiện chí tồn tại giữa những vị lãnh tụ của hai dân tộc chúng ta vẫn tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa hai bên.

Vì vậy, tôi rất vui và vinh dự khi được tham gia vào việc ra mắt cuốn sách này và tôi nghĩ nó sẽ giúp ích rất nhiều cho độc giả, cả ở Việt Nam và Ấn Độ, để họ hiểu những suy nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Ấn Độ, cách ông ủng hộ Ấn Độ cũng như công cuộc phát triển đất nước của Ấn Độ và cách ông truyền cảm hứng cho tầm nhìn về mối quan hệ hữu nghị chặt chẽ giữa hai nước chúng ta. Nó sẽ là một cuốn sách tuyệt vời cho tất cả những ai quan tâm đến việc thúc đẩy mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam.

- Hai nước chúng ta cần làm gì để tư tưởng tốt đẹp của hai vị anh hùng dân tộc Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày được phát huy và lan tỏa, thưa ông?

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử mối quan hệ của chúng ta, sự kết nối trong thời kỳ hiện đại giữa hai nước chúng ta như tôi vừa đề cập. Các phong trào độc lập của chúng ta có sự liên kết chặt chẽ. Chúng ta đều đã trải qua cuộc đấu tranh chống thực dân.

Tất cả những kinh nghiệm đó cần được kể với thế hệ trẻ. Chúng ta cần kết nối cho nhân dân hai bên đến gần nhau hơn. Họ được kết nối về mặt tình cảm, họ được kết nối với nhau thông qua những gì họ đã nghe về nhau, nhưng chúng ta cần thực sự làm cho kết nối đó thiết thực hơn về mặt vật lý. Và tôi nghĩ liên hệ về mặt du lịch, văn hóa cũng như liên hệ giữa các học viện, các cơ quan tư vấn và truyền thông nhiều hơn sẽ thực sự có ích trong việc hiểu bản chất và những suy nghĩ sâu xa trong mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam.

Nhưng tôi phải nói rằng Việt Nam rất được tôn trọng ở Ấn Độ bởi cách các bạn vượt qua những thách thức và trở thành một quốc gia hiện đại, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực. Sự chăm chỉ và kiên trì của người Việt Nam đã thực sự gây ấn tượng với người dân Ấn Độ, và chúng tôi đề cao về Việt Nam và người dân nơi đây.

- Thưa Đại sứ, ông có thể cho biết cảm nhận về Hà Nội và đất nước Việt Nam?

Tôi ở Hà Nội trong bốn tháng. Tôi cũng có cơ hội đi du lịch một số nơi ngoài Hà Nội. Tôi rất ấn tượng với đất nước các bạn bởi bề dày lịch sử và một xã hội rất sôi động. Mọi người làm việc rất chăm chỉ và ấm áp.

Video: Ra mắt sách Hồ Chí Minh với Ấn Độ

Và điều tôi đặc biệt cảm thấy ấn tượng là thiện chí ấm áp mà họ dành cho Ấn Độ. Chúng ta cũng chia sẻ rất nhiều giá trị tương đương: tôn trọng gia đình, tôn trọng người lớn tuổi và cùng có sự cam kết mạnh mẽ đối với đất nước mình, đồng thời muốn hòa nhập hơn với phần còn lại của thế giới. Đây là một số phẩm chất chung mà hai dân tộc chúng ta chia sẻ. Và tôi khá tự tin rằng sẽ có nhiều cơ hội hơn cho nhân dân hai bên đến thăm nhau và tìm hiểu tận mắt thiện chí chúng ta dành cho nhau nhiều thế nào.

- Những ưu tiên của Đại sứ trong nhiệm kỳ ở Việt Nam là gì, thưa ông?

Mối quan hệ của chúng ta đang trải qua một giai đoạn tích cực.

Một trong những ưu tiên của tôi là duy trì đà tích cực của mối quan hệ này. Một số lĩnh vực khác mà tôi muốn tập trung vào là tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác phát triển của chúng tôi với Việt Nam để có thể giúp phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam, các chương trình xây dựng năng lực và hợp tác với Việt Nam để hiểu làm thế nào hai nước có thể giải quyết các vấn đề phát triển mà cả hai phải đối mặt.

Lĩnh vực ưu tiên thứ hai mà tôi muốn tập trung vào là kết nối của chúng ta. Tôi nghĩ rằng sự thiếu kết nối đã không thực sự cho phép mối quan hệ của chúng ta phát triển hết tiềm năng. Thiếu kết nối cũng ngăn mối quan hệ thương mại và đầu tư của chúng ta phát triển. Chúng tôi tin rằng việc mở các đường bay thẳng mới sẽ là một bước tiến lớn theo chiều hướng đó. Và một khi chúng ta có kết nối tốt, nó sẽ có tác động gấp bội đối với thương mại và đầu tư, đến trao đổi du lịch giữa hai nước chúng ta.

Lĩnh vực thứ ba là tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã thực hiện hợp tác đáng kể trong lĩnh vực đó. Chúng tôi tập trung vào hợp tác công nghiệp quốc phòng với Việt Nam thông qua các gói tín dụng dụng đã được đưa ra. Và chúng tôi cũng muốn thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới hơn như an ninh mạng, an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai.

Lĩnh  vực thứ tư là thúc đẩy và tăng cường tham vấn của chúng tôi về các vấn đề khu vực và đa phương. Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 và cũng sẽ là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ cho chúng tôi cơ hội tốt để tăng cường tham vấn về nhiều vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế. Và cuối cùng chúng tôi muốn tập trung vào hợp tác thiết thực với Việt Nam trong khu vực nằm trong tầm nhìn của Ấn Độ - Thái Bình Dương bằng cách thúc đẩy quan hệ đối tác cùng có lợi và sự đa dạng của lợi ích chung.

- Xin cám ơn Đại sứ!

Văn Phú
Bình luận
vtcnews.vn