Đại loạn xe cứu thương 'dù': Những kẻ bất lương trước cổng BV Đa khoa Thái Bình

Điều traThứ Ba, 22/03/2016 12:14:00 +07:00

Tại BV Đa khoa Thái Bình, hàng loạt xe cứu thương "dù" mang biển trắng, không có logo phòng khám hay doanh nghiệp vận tải nào nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động...

(VTC News) - Tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình, hàng loạt xe cứu thương "dù", mang biển trắng, không có logo phòng khám hay doanh nghiệp vận tải nào nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, móc nối với một số cán bộ bệnh viện để “chặt chém” gia đình bệnh nhân.

Đại loạn xe cứu thương “dù”
Nhiều ngày có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, PV báo điện tử VTC News ghi nhận có 5 chiếc xe cứu thương biển trắng ,không hề có logo của bệnh viện, phòng khám hay doanh nghiệp vận tải cứu thương nào. Nhưng, cả 5 chiếc xe này vẫn gắn còi hụ, đèn xoay và dòng chữ “cấp cứu 115”, cùng số điện thoại di động 0916…115 để người nhà bệnh nhân liên hệ.

Điều đáng lưu ý, dù các cổng bệnh viện luôn có bảo vệ túc trực ngày đêm song cả 5 chiếc xe này được “đặc quyền” ra vào viện như “chỗ không người” và lựa chọn chỗ đậu đỗ ưng ý nhất.
Những chiếc xe cấp cứu mang biển trắng, không có logo phòng khám hay doanh nghiệp vận tải nào thản nhiên đậu chờ đón khách trong khuôn viên Bệnh viện đa khoa Thái Bình. Ảnh H.H
Những chiếc xe cấp cứu mang biển trắng, không có logo phòng khám hay doanh nghiệp vận tải nào thản nhiên đậu chờ đón khách trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Thái Bình. Ảnh H.H 
Trong 5 chiếc xe cứu thương đặc biệt này, ba chiếc mang BKS Thái Bình (17A 04211, 17A 04940, 17A 02518), hai chiếc BKS Hà Nội (30V 7002, 30P 2894).

Theo ông Phạm Văn Dịu – Giám đốc Sở Y tế Thái Bình, hiện tỉnh này chỉ có hai đơn vị là Trung tâm cấp cứu 115 và Trung tâm vận chuyển cấp cứu 808.115; hai bệnh viện tuyến huyện và một phòng khám gia đình được cấp phép vận chuyển cấp cứu.

Tuy nhiên, trả lời PV VTC News ngày 17/3, đại diện hai đơn vị trên khẳng định, năm chiếc xe trên không thuộc quản lý của đơn vị mình.
“Khoảng giữa năm 2015, tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh xuất hiện xe cứu thương "dù" hoạt động công khai, thậm chí có bảo vệ mặc áo blouse vận chuyển bệnh nhân; có trường hợp, khi vận chuyển bệnh nhân, không biết xử lý để xảy ra trước viện… làm cho nhân dân bức xúc; nhiều trường hợp người bệnh nhầm lẫn với xe của của Trung tâm cấp cứu 115 nên gọi điện phản ánh,” một cán bộ của Trung tâm cấp cứu 115 nói.
Vị này cũng cho biết: Đối với các xe đã được cấp phép hoạt động phải ghi rõ trên xe tên cơ sở, số giấy phép do Sở Y tế cấp, số điện thoại để người nhà bệnh nhân liên hệ.

Trường hợp xe hoạt động đưa đón bệnh nhân cấp cứu chuyển viện mà không ghi rõ nội dung trên thì tức là xe “dù”.
Thản nhiên "móc túi" người bệnh
Khoảng 2 tuần trước, bà Vũ Thị T. (66 tuổi, Thái Bình) nhập viện vào khoa cấp cứu bệnh viện Đa khoa Thái Bình trong tình trạng suy gan cấp, suy thận

Nằm điều trị 3 ngày tại khoa Cấp cứu, nhưng do bệnh tình có biểu hiện diễn biến phức tạp, bà T. được giới thiệu chuyển lên bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Anh Tuấn A., con trai bà T., cho biết, xe chuyển thương là do bác sỹ trong bệnh viện Đa khoa tỉnh gọi giúp, người nhà chỉ sắp xếp đồ đạc, đưa bệnh nhân ra xe và trả tiền. 
Một xe cấp cứu dù đang chuẩn bị đón bệnh nhân chuyển viện. Vị trí đỗ xe cách không xa nhà điều hành và trạm bảo vệ bệnh viện (chụp nhày 17/3). Ảnh H.H
Một xe cấp cứu "dù" đang chuẩn bị đón bệnh nhân chuyển viện. Vị trí đỗ xe cách không xa nhà điều hành và trạm bảo vệ bệnh viện Đa khoa Thái Bình (Ảnh chụp ngày 17/3). Ảnh H.H 
Tương tự gia đình anh Tuấn A., anh Tô Trung K. (Thái Thụy – Thái Bình) cho biết: Ngày 4/3, cháu Tô Trung R. nhập khoa Cấp cứu bệnh viện Đa khoa Thái Bình.

Sau khi thăm khám, các bác sỹ cho biết, cháu R. có dấu hiệu bị nhiễm khuẩn huyết phải đưa lên tuyến trên. Hơn hai tiếng sau khi vào viện, khoảng 20h, cháu R. được chuyển lên bệnh viện Bạch Mai bằng xe cứu thương do nhân viên bệnh viện gọi giúp từ trước.
Giá cước xe mà gia đình các bệnh nhân này phải trả là 2.000.000 đồng cho tuyến đường từ Bệnh viện Đa khoa Thái Bình đến Bệnh viện Bạch Mai (trẻ em được giảm 100.000 đồng so người lớn).

Trong khi đó, phí vận chuyển niêm yết ngay tại Bệnh viện đa khoa Thái Bình đối với trường hợp vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trung ương của Trung tâm cấp cứu 115 là 1.600.000 – 1.700.000 đồng/người bệnh.

Như vậy, trên cùng một tuyến đường, người nhà bệnh nhân phải "móc túi" chi thêm 300.000 - 500.000 đồng/chuyến - một khoản không nhỏ với những người bệnh nghèo đang phải vật lộn giữa trăm thứ tiền thuốc, tiền giường, tiền ăn…

Khổ sở hơn, họ bị mất tiền mà không hề biết, vì cứ ngỡ xe cấp cứu nào cũng như nhau.
Chủ xe cứu thương "dù" là ai?
Nguồn tin của VTC News, ngày 17/3, cho hay: Trong 5 chiếc xe cứu thương đang chạy “dù” trong Bệnh viện Đa khoa Thái Bình, có hai chiếc là của ông Lê Hồng Đăng – Trưởng khoa Cấp cứu. Ba chiếc còn lại là của Tổ Bảo vệ bệnh viện.
Chiều 21/3, trao đổi với PV VTC News, ông Lê Hồng Đăng xác nhận là chủ của hai xe cấp cứu mang BKS 17A 04211 và 17A 04940.

Với ba xe cấp cứu còn lại, ông Đăng cho biết “không biết ai là chủ.”
Trước đó, ngày 17/3, VTC News đã liên hệ với ông Phạm Văn Dịu – Giám đốc Sở Y tế Thái Bình, ông Hà Quốc Phòng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Bình, ông Đặng Công Toàn - Trưởng phòng Quản lý hành nghề Sở Y tế Thái Bình. Cả ba ông tỏ ra rất bất ngờ, cho biết "sẽ yêu cầu kiểm tra và thông tin sau".
Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin!

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn