Đại hồng thủy trong Kinh Thánh và con tàu Noah là có thật?

Khám pháChủ Nhật, 01/11/2020 08:19:19 +07:00

Các nhà khoa học khẳng định con tàu mắc kẹt trên đỉnh núi cao 2.000m ở Thổ Nhĩ Kỳ có từ thời cổ đại và họ nghĩ đến con tàu Noah trong Kinh Thánh.

Có một  sự trùng hợp kỳ lạ là rất nhiều truyền thuyết của các nền văn hóa cổ đại có nhắc đến trận đại hồng thủy khủng khiếp quét sạch sự sống trên Trái đất. Trong đó được biết đến nhiều nhất là câu chuyện về Noah và Manu…

Con tàu Noah trên đỉnh núi 4000m?

Theo chương 7 và chương 8 của sách Sáng thế (Kinh Thánh) thì đại hồng thủy xảy ra là sự trừng phạt của Thiên Chúa vì đạo đức của loài người suy thoái. Có một thời, loài người đã từng phát triển văn minh rực rỡ, nhưng trái tim họ trở nên ích kỷ và độc ác với những mưu tính xấu xa. Kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi tốt lên từ loài người trong vô vọng, Chúa quyết định hủy diệt họ bằng một trận hồng thủy nhằm xóa sổ địa cầu.

Tuy nhiên, vẫn còn sót lại một người có đạo đức tốt đẹp, đó là Noah. Chúa đã báo cho ông biết trước sắp có thảm họa và dạy ông cách đóng thuyền để cứu bản thân, gia đình, những người khác và các cặp đôi động vật, đồng thời dự trữ nhiều nhu yếu phẩm trên tàu.

Thế rồi, cơn hồng thủy bất ngờ xuất hiện, mưa liên tục suốt 40 ngày đêm và nước dâng lên liên tục trong 157 ngày, nước ngập tràn mặt đất, ngập lên cả những đỉnh núi cao chót vót. Tất cả mọi sinh vật đều bị hủy diệt.

Và những điều này không hẳn chỉ có trong truyền thuyết. Các cuộc khai quật ở khu vực nền văn minh Lưỡng Hà phát hiện nhiều dấu vết như lớp bùn trầm tích hay các hóa thạch liên quan đến đại hồng thủy.

Năm 1959, Llhan Durupinar, đại úy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, vô tình phát hiện ra một vật có hình thù bất thường trong khi đang kiểm tra các bức ảnh chụp trên không. Llhan Durupinar gửi ảnh cho tiến sỹ Brandenburger, Đại học bang Ohio nước Mỹ. Sau khi nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng những bức ảnh của Llhan Durupinar, tiến sỹ Brandenburger kết luận hình thù bất thường đó chính là một con tàu.

Đại hồng thủy trong Kinh Thánh và con tàu Noah là có thật? - 1

Câu chuyện về con tàu Noah trong Kinh Thánh đã cuốn hút hàng triệu người. (Ảnh minh họa)

Năm 1977, Ron Wyatt tới thăm địa điểm phát hiện ra vật thể lạ trong tấm hình của Llhan Durupinar. Được phép của chính quyền địa phương, Ron Wyatt cùng một số người khác nghiên cứu kỹ lưỡng khu vực này bằng máy dò kim loại và máy quét radar ngầm. Kết quả thu được hoàn toàn xứng đáng với tâm sức của họ bỏ ra và làm chấn động Thổ Nhĩ Kỳ khi đó.

Vật thể lạ được xác định chính là con tàu cổ xưa. Đó là một con tàu rất lớn thuộc thời tiền sử trên một đỉnh núi cao 2.000m so với mực nước biển. Một điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là qua phân tích, chứng minh và đối chiếu, các nhà khoa học nghi ngờ đó chính là con tàu nổi tiếng của Noah năm nào.

Vào ngày 20/6/1987, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, các cơ quan khảo cổ của Thổ Nhĩ Kỳ và các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Ataturk công nhận những khám phá của nhóm thám hiểm Ron Wyatt rằng vật thể hình chiếc tàu trên ngọn núi tại độ cao 2.000m so với mực nước biển ấy chính là con tàu cổ đại. Khu vực này sau đó đã trở thành công viên quốc gia và báu vật của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây có thể coi là một trong những phát hiện lịch sử học và khảo cổ học vĩ đại nhất cho thấy đại hồng thủy trong quá khứ là có thật.

Cùng với đó, những miêu tả về đại hồng thủy đã được ghi lại trong các bảng đất sét của người Sumer, truyền thuyết về người Maya ở Trung Mỹ, những câu chuyện của người Muisca tại Colombia, truyền thuyết về Babylon, cổ tích và sử thi Ấn Độ...

Người ta tổng hợp có tới khoảng 50 thần thoại và truyền thuyết về đại hồng thủy. Tất cả đều rất chi tiết, rõ ràng, mạch lạc, và đều có một mô típ chung rằng khi đạo đức của nhân loại tuột dốc thì thảm họa sẽ xảy ra, và chỉ có người tốt mới sống sót.

Hai nhà địa chất học William Ryan và Walter Pitman thuộc Đại học Columbia nghiên cứu về một trận đại hồng thủy từng xảy ra tại Trung Đông vào cuối Kỷ Băng hà, khoảng 7.000 năm về trước. Bằng chứng khảo cổ  cho thấy một lớp trầm tích nằm giữa các lớp đất tại Iraq ngày nay có niên đại khoảng 2.900 năm về trước, là dấu vết của một trận lũ lớn…

Năm 1922, nhà khảo cổ người Anh C. Leonard Woolle bắt đầu đào bới khảo sát khu vực sa mạc Lưỡng Hà nằm giữa Baghdad và vịnh Ba Tư, phát hiện di chỉ thành Ur thuộc vương quốc Sumer cổ đại, và phát hiện ra mộ của vua chúa trong thành này.

Sumer là một nền văn minh cổ nằm ở phía nam Lưỡng Hà, nay thuộc Trung Đông. Nền văn minh Sumer xuất hiện vào khoảng 2.900 năm trước Công nguyên. Ở khu vực sa mạc Iraq, người ta tìm thấy nhiều bảng đất sét có khắc những chữ hình nêm của người Sumer, ghi chép thần thoại và truyền thuyết vùng Lưỡng Hà, nổi bật là câu chuyện về một trận đại hồng thủy xảy ra vào thời xa xưa.

Theo đó, trường ca Gilgamesh được tìm thấy trên một tấm bia của người Assyria, nền văn minh xuất hiện khoảng 2.500 năm trước Công nguyên. Câu chuyện của người Assyria cũng miêu tả những trận ôn dịch khủng khiếp hoành hành, và một trận đại hồng thủy xảy ra.

Thần bảo hộ con người là thần Ea chỉ dạy cho Utu-napishtim cách thoát nạn. Sáu ngày sau khi đại hồng thủy bắt đầu, nước rút dần, Utu-napishtim thả ra cửa một con chim để thử, nhưng nó không bay được xa. Sau đó, ông thả ra ngoài một con chim nhạn, không có kết quả gì tốt hơn. Cuối cùng, một con quạ đã bay đi mất khi được thả ra ngoài, báo hiệu cho Utu-napishtim là nước đã rút. Ông ra ngoài và làm lễ cúng tế thần linh…

Câu chuyện giống hệt đã xuất hiện trong Kinh Thánh, với những ghi chép về Noah: Sau trận mưa dài 40 ngày đêm, đại hồng thủy diễn ra trong 157 ngày. Và khi nước lũ bắt đầu rút đi, con thuyền của Noah mắc lại trên rặng núi Ararat. Noah mở cửa sổ và thử cho một con quạ ra để xem nước đã rút cạn hay chưa, nhưng con quạ này lại chỉ dám lượn qua lượn lại. Lần tiếp theo, Noah cho một con bồ câu bay ra ngoài. Tuy nhiên nó không tìm được nơi đậu và phải bay trờ về.

Noah thả con bồ câu ra ngoài lần nữa. Khi bay về, con bồ câu ngậm theo một cành ôliu. Noah tiếp tục đợi 7 ngày, rồi lại thả con bồ câu ra, và lần này nó không quay về nữa. Noah bỏ tấm chắn, mở cửa thuyền, đi ra ngoài và thấy mặt đất đang dần khô lại. Ông tạ ơn Chúa trời, và nhận được sự hiển linh của Chúa.

Điều khiến người ta kinh ngạc là những câu chuyện tương tự đã được tìm thấy ở vùng Lưỡng Hà, một số có gần 5.000 năm lịch sử. Nó cho thấy một niềm tin chung về trận đại hồng thủy từng xuất hiện, và một sự giống nhau đến bất ngờ về câu chuyện con thuyền của Noah, hay Atrahasis, hoặc giả Utu-napishtim…

Những thông điệp gửi gắm

Trận lụt đầu tiên trong lịch sử ở Việt Nam đã được ghi lại trong câu chuyện thần thoại mang yếu tố quỷ dị, đó là khi Sơn Tinh lên đỉnh Tản Viên tránh lũ và dời núi chống lụt. Thủy Tinh dâng nước muốn đánh sập những ngọn núi nhưng thất bại.

Tản Viên nằm trong dãy núi cao nhất ở phía nam kinh đô Văn Lang. Dãy núi này rất lớn, với những chân đồi kéo dài ra xa.  Đỉnh cao nhất có hình tròn như chiếc ô, Sơn Tinh đã di tản lên đây tránh lũ nên người dân gọi là Tản Viên sơn, dịch nghĩa là “núi ô trốn”. Theo truyện cổ tích này, trận lụt xảy ra vào đời vua Hùng thứ 18.

Trung Quốc xảy ra lụt lội sớm hơn, theo truyền thuyết. Đó là khi thần nước Cung Công gây ra trận đại hồng thủy đầu tiên vào thời kỳ cổ đại, bà Nữ Oa đã chống lụt theo cách khó khăn nhất, đó là vá trời. Cha của vua Đại Vũ dời núi ngăn cơn đại hồng thủy thứ 2 của Trung Quốc và thất bại. Chỉ đến khi Đại Vũ vừa ngăn dòng nước lũ vừa nạo vét sông ngòi thì mới trị thủy thành công. 

Lũ lụt luôn là nỗi kinh hoàng với con người. Dựa trên những sự kiện được ghi lại trong truyền thuyết, Kinh Thánh, lịch sử và khảo cổ học, có thể thấy người xưa khi phải đối mặt với trận lụt thì việc đầu tiên nghĩ đến là tránh, tức là chuẩn bị thuyền bè, chọn những nơi cao hơn để di tản…

Những hành động chủ động chống lụt như bà Nữ Oa và trời, Sơn Tinh dời núi ngăn dòng nước lũ của Thủy Tinh, vua Vũ nạo vét sông ngòi, hay như Tề Hoàn công cho đào các hồ chứa… cho thấy tinh thần kiên cường chống lại số phận và quyết tâm thay đổi số phận.

Việc phát hiện ra tàn tích của con tàu Noah trong lịch sử khiến cho dư luận hoang mang, liệu rằng đây có phải là sự an bài của tự nhiên nhắc nhở con người nếu không biết trân trọng thiên nhiên, sự sống thì chắc chắn phải đến lúc đối đầu với những tai ương khủng khiếp nhất… Và liệu rằng sẽ có con tàu Noah thứ hai để cứu nhân loại thoát khỏi nạn tuyệt chủng hay không khi ngày nay chúng ta đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu,  thiên tai và nhân tai?

Cho đến ngày nay, những bí ẩn về con tàu Noah, về đại hồng thủy trong quá khứ vẫn gây tò mò cho các nhà khoa học và những người yêu thích tìm hiểu, khám phá. Khi thời điểm đó đến, Manu cột chặt thuyền với những chiếc sừng của con cá và để mặc cho nó kéo đi. Sau trận lũ lụt, chiếc thuyền của Noah được cho là đã dừng trên núi Ararat. Tương tự như vậy, thuyền của Manu đã được mô tả là được neo đậu trên đỉnh của một dãy núi… 

Và những bằng chứng cho thấy có sự tương đồng kỳ lạ giữa những thảm họa tự nhiên với các câu chuyện trong truyền thuyết, vốn vẫn được cho là do con người thời xưa hư cấu nên.

(Nguồn: Pháp luật Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn