Đại hội XIII sẽ có quyết sách, chủ trương lớn về lĩnh vực tài nguyên môi trường

Đại hội Đảng XIIIThứ Hai, 25/01/2021 20:31:00 +07:00

Với kết tinh của trí tuệ, niềm tin, sự gửi gắm từ nhân dân, Đại hội XIII sẽ có quyết sách những chủ trương lớn về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Đó là chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đại hội XIII sẽ có quyết sách, chủ trương lớn về lĩnh vực tài nguyên môi trường - 1

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: Khương Trung)

- Những ngày này, cả nước hân hoan chào đón sự kiện chính trị đặc biệt Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cùng với cả nước, trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Bộ TN&MT đã quán triệt sâu sắc Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao. Với ý nghĩa trên, Bộ trưởng có thể chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng phát triển tổ chức Đảng, tạo nên dấu ấn trong nhiệm kỳ qua và những thành công trong việc thực hiện các quyết sách về lĩnh vực TN&MT?

Trong nhiệm kỳ qua, đất nước ta đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và sự quản lý, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Cùng với cả nước, những kết quả mà Đảng bộ Bộ TN&MT đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội vừa qua có ý nghĩa quan trọng. Có được kết quả này, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các địa phương và đặc biệt là sự nhất trí, đồng lòng, hưởng ứng cao của cán bộ, đảng viên trong toàn ngành.

Cụ thể, thời gian vừa qua, Đảng bộ Bộ TN&MT đã thực hiện một cách nhuần nhuyễn giữa hoạt động của ban lãnh đạo, Ban Chấp hành Đảng ủy trong quá trình triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng. Đặc biệt, Đảng bộ đã đổi mới nội dung và hình thức để việc sinh hoạt Đảng trở thành một công việc mà người Đảng viên nhận thức là cần thiết, chứ không phải định kỳ.

Đặc biệt Đảng bộ luôn quán triệt, định hướng xây dựng lực lượng kế cận tham gia vào Đảng. Cụ thể, Đảng bộ chú trọng từ quá trình xây dựng, bồi dưỡng, đào tạo từ Đoàn Thanh niên, từ cán bộ chưa phải là đảng viên. Làm sao cho họ thấy khi tham gia vào Đảng họ sẽ làm được nhiều hơn, có trách nhiệm hơn, được rèn luyện trong những môi trường tốt hơn. Có như vậy công tác Đảng mới phát triển toàn diện.

Đặc biệt, để có được kết quả nhiệm kỳ qua, nhiệm vụ đầu tiên được Đảng bộ luôn coi trọng là công tác xây dựng và phát triển Đảng viên. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng, từ đó góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, huy động, tập hợp được công tác lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành được các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn.

Tôi cho rằng việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng cần phải trở thành một việc hết sức quan trọng. Bởi nếu có chủ trương, có đường lối mà không thể chế hóa, không quy định được thì công tác quản lý không thể hiệu quả được. Một điểm quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh là phải đổi mới nội dung và hình thức công tác sinh hoạt đảng. Đây là một hoạt đông, là trách nhiệm của Đảng viên.

Về lĩnh vực chuyên môn, với tinh thần kiến tạo thời gian qua, Bộ TN&MT đã lắng nghe từ thực tiễn, cơ sở, từ đó giải quyết các khó khăn vướng mắc bằng thể chế để giải phóng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, môi trường cho phát triển đất nước.

Có thể kể đến các Nghị định số 01/2017/NĐ-CP; số 148/2020/NĐ-CP cởi những nút thắt về đất đai cho phát triển hay Nghị định số 40/2019/NĐ-CP thiết lập cơ sở pháp lý cho chủ động kiểm soát, bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, nhiều chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược đã được xây dựng, trình ban hành để giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững như Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; các Kết luận số 36-KL/TW ngày 06/9/2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Bảo vệ môi trường 2020; Nghị quyết số 120-NQ/CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long...

Cùng với hoàn thiện thể chế, sự phối hợp gắn kết hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, toàn ngành đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường; chuyển từ bị động, bất ngờ sang chủ động.

- Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh về việc quản lý môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu để phát triển bền vững. Bộ trưởng có thể cho biết giải pháp và phương hướng phát triển của ngành đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian qua như dự thảo Văn kiện Đại hội đề cập?

Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu được xác định là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.

Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung quan trọng trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Ông Trần Hồng Hà

Lĩnh vực tài nguyên và môi trường vừa là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng, quản lý tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng của đất nước, vừa là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững.

Do đó, đây là một trong trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.

Chính vì vậy, nội dung về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung quan trọng trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm; có sự đóng góp trí tuệ không chỉ của ngành tài nguyên và môi trường mà còn có tâm huyết, gửi gắm của các nhà khoa học và nhân dân.

Dự thảo các văn kiện là những chủ trương lớn mang tầm thời đại để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước dựa trên quan điểm phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường; lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, coi đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong mối quan hệ toàn cầu; coi đây không chỉ là thách thức mà còn tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững…

Chúng tôi mong muốn với kết tinh của trí tuệ, niềm tin, sự gửi gắm từ nhân dân, Đại hội sẽ có quyết sách về những chủ trương lớn về tài nguyên và môi trường.

Cùng với Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII được thông qua, các nghị quyết có liên quan của Trung ương sẽ định hình hướng phát triển đối với ngành tài nguyên và môi trường.

- Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đề cập tới công tác cán bộ. Theo Bộ trưởng, về công tác cán bộ, việc luân chuyển, bồi dưỡng cán bộ có ý nghĩa thế nào để tạo nguồn cán bộ kế cận của Đảng và việc này được thể hiện ở như thế nào ở Đảng bộ Bộ TN&MT?

Tôi hết sức tâm đắc về vấn đề này. Đối với cán bộ của ngành TN&MT nếu không có sự luân chuyển, không ở địa phương sẽ không nắm được vấn đề, không hiểu được công tác xây dựng Đảng. Nếu không có sự luân chuyển sẽ không nắm đựơc cơ sở, không hiểu được thực tế, không hiểu được tâm tư nguyện vọng người dân thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ.

Bởi vậy, cho dù bất cứ ai nếu được đi bồi dưỡng bằng hình thức này hay hình thức khác ở các cơ sở là cần thiết. Theo tôi, ở lĩnh vực TN&MT rất cần phải có luân chuyển và bồi dưỡng cán bộ.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(Nguồn: TTXVN)
Bình luận
vtcnews.vn