Đại hội của lòng dân

Thời sựThứ Hai, 04/01/2016 04:30:00 +07:00

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ diễn ra từ 20-28/1/2016 trong sự chờ đợi của tất cả các tầng lớp nhân dân.

VTC News) - Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ diễn ra từ 20-28/1/2016 trong sự chờ đợi của tất cả các tầng lớp nhân dân.

Trải qua một thời gian làm việc tích cực và khẩn trương, cho đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã gần như hoàn tất.

Một trong những sự kiện chính trị lớn của Việt Nam trong năm 2016 đã thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận, truyền thông trong nước và quốc tế, không chỉ bởi ý nghĩa quan trọng của nó tới con đường phát triển trong tương lai của Việt Nam, mà còn bởi khả năng khơi gợi và kết nối ý thức trách nhiệm của mọi người Việt Nam, bất kể giai cấp, tầng lớp, đang sinh sống trong hay ngoài nước.
Đại hội Đảng XII sẽ chính thức diễn ra từ 20-28/1/2016
Đại hội Đảng XII sẽ chính thức diễn ra từ 20-28/1/2016 
Nổi lên trong chuỗi các sự kiện trước thềm Đại hội Đảng, được dư luận trong và ngoài nước quan tâm là công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội và tiếp thu ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện trình Đại hội.

Vấn đề nhân sự được Đảng tập trung chỉ đạo, chuẩn bị từ rất sớm về mọi mặt và đến thời điểm hiện tại, 67 đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành sớm hơn gần hai tháng so với nhiệm kỳ trước. Đây là tiền đề quan trọng để tổ chức thành công Đại hội toàn quốc cuối tháng 1 tới đây. Dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao công tác nhân sự được chuẩn bị nghiêm túc, công khai dân chủ, vững tin vào uy tín và năng lực của đội ngũ cán bộ mới được bầu.

Bác Đỗ Quốc Trung (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội), cán bộ nghỉ hưu đã có hơn 30 năm tuổi Đảng, luôn tâm huyết với công tác nhân sự các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.

Theo bác, quá trình Đảng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm chức danh từ Đại hội XI là một nét mới trong công tác xây dựng bộ máy lãnh đạo có chất lượng trong nhiệm kỳ Đại hội sắp tới: “Đảng ta nói nhiều về dân chủ thực chất, thì tôi cho đây là điểm đột phá, bởi làm thế này là tuyên chiến hiệu quả với tư duy nhiệm kỳ, “hạ cánh an toàn” của một bộ phận cán bộ. Anh có thể chờ (cho hết nhiệm kỳ-PV) được, nhưng đất nước không thể vì những người như anh mà lỡ thời cơ được”.

Cùng chia sẻ mối quan tâm về Đại hội Đảng XII như bác Trung, nhiều người dân đang sinh sống, lao động và học tập ở nước ngoài cũng coi sự kiện chính trị này như là cầu nối để biểu thị tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc của mình.

Mặc dù đang sinh sống và công tác xa quê nhà, song anh Phạm Mạnh Cường (Berlin, CHLB Đức), vẫn thường xuyên theo dõi tình hình đất nước. Anh cho biết: “Tôi cũng như phần nhiều bạn bè, xa quê hương, bản quán đã lâu, luôn có nhu cầu nắm bắt tình hình, thông tin trong nước, song vì công việc bận rộn nên khó mà cập nhật thường xuyên. Những sự kiện như Đại hội Đảng luôn được bà con ta ở Đức quan tâm, vì đây là dịp để chúng tôi hiểu được đất nước đã phát triển đến đâu cũng như đường hướng phát triển kế tiếp là gì.”

Không chỉ theo dõi, anh Cường cùng bạn bè còn trực tiếp gửi những ý kiến, những trăn trở của cá nhân mình đóng góp vào nội dung các bản dự thảo văn kiện Đại hội, như là một cách để gửi những tâm huyết của mình từ phương xa góp sức xây dựng đất nước.
Đánh giá cao tính công phu, khái quát, hệ thống khá sát các vấn đề quan trọng, cốt lõi của đất nước, anh Cường đặc biệt chú ý đến nội dung trong Báo cáo đánh giá kinh tế-xã hội, khi Đảng và Nhà nước đã có sự thừa nhận đúng đắn và toàn diện hơn về vai trò của kinh tế tư nhân, coi đây là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Anh nhận xét: “Ta đã ký kết nhiều FTA quan trọng trong năm qua như EVFTA, TPP và vì thế phương hướng cải cách thể chế của Đảng và Nhà nước cũng đã có sự thích nghi phù hợp. Với cơ chế mở theo hướng khuyến khích doanh nghiệp nhiều thành phần, cải cách luật pháp để tạo môi trường đầu tư thì tôi cho rằng Việt Nam tới đây sẽ tiếp tục là thị trường giàu tiềm năng thu hút vốn và công nghệ từ các đối tác có tiềm lực từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Đức, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu”.

Ông Nguyễn Đông, một doanh nhân đã có nhiều năm kinh doanh tại tỉnh Xiêng-khoảng, Lào, thì cho rằng việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo văn kiện Đại hội XII là một bước mở rộng, phát huy dân chủ trong nhân dân, chứng tỏ tinh thần cầu thị và quyết tâm xây dựng và vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng cách tạo diễn đàn mở để người dân Việt Nam, dù trong hay ngoài nước đều có cơ hội để thể hiện trách nhiệm của mình đối với tương lai của đất nước.

Ông chia sẻ: “Mặc dù không về nước thường xuyên, song qua câu chuyện hàn huyên với nhiều bà con người Việt và đối tác làm ăn người Lào đang kinh doanh tại Việt Nam, tôi nhận thấy nhiều đổi thay đáng khích lệ mà trước đây, khi rời Việt Nam, tôi cũng chưa thể hình dung ra. Đường xá, hạ tầng cơ sở được nâng cấp thuận lợi hơn cho giao thương, buôn bán rất nhiều, luật pháp cũng cởi mở hơn...

Đây là yếu tố được các bạn Lào đánh giá tốt. Trong nhiệm kỳ mới, mong Đảng và Nhà nước ta quan tâm hơn đến đầu tư vào giáo dục, đẩy mạnh chính sách trọng dụng nhân tài, công nghệ, có những hình thức hiệu quả hơn để phát huy thế mạnh sẵn có trong quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt-Lào, thì điều đó sẽ củng cố thêm lợi ích của Việt Nam về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng”.

Đại hội Đảng XII sắp tới là cơ hội để toàn Đảng, toàn dân tộc cùng tổng kết lại những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua, đồng thời tạo đà chính trị để Đảng ta tự đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, xứng đáng là đại diện cao nhất cho quyền lợi của nhân dân Việt Nam.

Mỗi người dân Việt Nam, bất kể ở hoàn cảnh, địa vị nào, bằng những ý kiến đóng góp của mình cho Đại hội, chính là thể hiện sự tin tưởng vào Đảng Cộng sản Việt Nam và trách nhiệm công dân của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hải Tùng
Bình luận
vtcnews.vn