Đại hội cổ đông Techcombank: Điều trông đợi có được toại nguyện?

Kinh tếThứ Ba, 06/03/2018 08:04:00 +07:00

Techcombank vừa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2018 (ngày 3/3), được các cổ đông ngóng nhất bởi câu chuyện có hay không việc chia cổ tức và kế hoạch niêm yết trên sàn năm nay có thành hiện thực?

Ẩn số chia cổ tức?

Tại đại hội này, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, kết thúc năm 2017 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế hơn 8.000 tỷ đồng, là năm thứ 2 liên tiếp có mức tăng gấp đôi so với năm trước liền kề.

Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROE đạt 23,84%; lợi nhuận trên tổng tài sản đạt hơn 2,09%, tăng trưởng liên tục theo chiều thẳng đứng từ năm 2013 tới nay. Cũng theo ông Quốc Anh, các chỉ số sinh lời của Techcombank không chỉ đứng hàng đầu cả nước mà còn đứng trong top đầu của khu vực.

Còn theo ông Hồ Hùng Anh, chủ tịch HĐQT ngân hàng, những con số năm 2017 đạt được là cơ sở vững chắc để ngân hàng tiếp tục bứt tốc trong năm 2018. 

Ông Hùng Anh khẳng định:  năm 2017 Techcombank đã trích lập toàn bộ cho các khoản nợ đã bán cho VAMC và năm 2018 sẽ không phải làm gì nữa với những khoản nợ ấy mà quay về hoạt động bình thường. Thậm chí 2018 và các năm sau sẽ được ghi nhận các khoản hoàn nhập dự phòng vào lợi nhuận.

1

 Năm 2018, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận “khủng” lên tới 10.000 tỷ đồng.

Năm 2018, Ngân hàng Techcombank đặt mục tiêu doanh thu tăng 20%; lợi nhuận trước thuế ở mức 10.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2017. Tổng tài sản dự kiến đạt 315.184 tỷ đồng, tăng trưởng 17%; huy động vốn tăng trưởng 40%, tín dụng tăng trưởng 18% và duy trì nợ xấu thấp hơn 2%.

Ngân hàng sẽ tiếp tục đi theo hướng tăng đóng góp từ thu phí dịch vụ trong tổng doanh thu để giảm thiểu rủi ro tín dụng và sự phụ thuộc vào dư nợ nhờ việc tận dụng hiệu quả hệ thống ngân hàng giao dịch.

Tờ trình đại hội cũng cho biết:  Ngân hàng dự kiến sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 1.590 tỷ, số tiền còn lại 6.445 tỷ lợi nhuận sau thuế sẽ dùng để trích lập các quỹ trong đó bao gồm trích quỹ bổ sung vốn điều lệ, quỹ bổ sung vốn điều lệ các công ty con, trích quỹ dự phòng tài chính,quỹ dự phòng tài chính các công ty con.

Phần còn lại 5.507 tỷ đồng năm 2017 cùng lợi nhuận các năm trước chưa sử dụng 5.489 tỷ đồng , Techcombank tính ra tổng số tiền lợi nhuận có thể phân phối này lên tới 9.345.460 tỷ đồng. “Tổng số tiền này được sử dụng để tăng vốn tự có, vốn cổ phần, vốn chủ sở hữu của ngân hàng theo quy định pháp luật hiện hành” Tờ trình Đại hội đồng cổ đông Techcombank cho biết.

Cổ đông: con tim vui trở lại

 Năm nay ngân hàng có kế hoạch niêm yết cổ phần hay không? Trong khi nhiều nơi mong muốn có công ty tài chính, vì sao Techcombank lại bán đi, có phải chúng ta mua được rẻ nên bán giá cao để chốt lãi không? Vì sao năm nay ngân hàng không có kế hoạch tăng vốn trong khi năm trước thực hiện chưa được bao nhiêu? 

Cổ phiếu ESOP bán một lần hết luôn trong năm 2018 hay chia ra nhiều đoạn để bán (ví dụ 2018, 2019 mỗi năm một phần…).  Trong tổng tài sản, phần đầu tư chứng khoán chiếm quá lớn, đó là đầu tư chứng khoán chung cổ phiếu, hay đầu tư chứng khoán của Techcombank?..Những câu hỏi tới tấp gửi tới HĐQT Techcombank tại đại hội.

2

 

Trả  lời cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, chủ  tịch HĐQT Techcombank cho biết: HĐQT đã trả lời.“Tại thời điểm 2017 chưa thích hợp để niêm yết, thời điểm 2018 – cùng với việc ngân hàng đưa ra kế hoạch bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài và cổ phiếu ESOP. Năm 2018 sẽ là thời điểm phù hợp để niêm yết trên thị trường chứng khoán. Còn thời điểm cụ thể sẽ xem xét sao cho tốt nhất với cổ đông”.

Liên quan cổ phiếu quỹ, ông Hồ Hùng Anh cho hay, năm 2017 đã mua lại cổ phiếu của HSBC với giá trên 23.000 đồng/cổ phiếu. Việc đó đã được công khai. Vì thế lần này bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư sẽ đảm bảo không thấp hơn 23.000 đồng. Các đối tác đang đàm phán, và Techcombank sẽ chọn nhà đầu tư Mỹ, châu Âu.

“Việc tăng vốn, hiện vốn điều lệ là hơn 11.000 tỷ nhưng vốn chủ sở hữu của ngân hàng là hơn 26.900 tỷ. Phần vốn này đang tốt cho ngân hàng. Để chuẩn bị cho roadshow thời gian tới, ngân hàng tạm thời chưa tính đến tăng vốn điều lệ, nhưng sau khi bán cổ phiếu cho nhà đầu tư sẽ bàn đến việc tăng vốn”, chủ tịch Techcombank giải thích.

Liên quan đến cổ phiếu ESOP, theo lãnh đạo NH,  chương trình này đã công bố cho cán bộ nhân viên từ 2014, khi ấy nhiều cán bộ nhân viên đã được lựa chọn, tuy nhiên việc thực thi phải được ĐHCĐ thông qua, do vậy năm nay là thời điểm thực hiện lời hứa của 4 năm về trước. 

Video: Nữ đại gia mất 245 tỷ, từ chối nhận tạm ứng từ ngân hàng Eximbank

Về đầu tư chứng khoán, trong suốt 5 năm qua, Techcombank là ngân hàng trong số ít không tham gia vào chứng khoán, cổ phiếu, vốn cũng như đầu tư vào bất động sản, vì thế ngay cả những đợt tham gia về cổ phần cổ phiếu thì chỉ tham gia với các đối tác chiến lược, ví dụ từng mua của Việt Nam Airlines, hoặc công ty tài chính tiêu dùng.

Đáp ứng lòng mong mỏi của cổ đông, HĐQT Techcombank đề nghị đại hội đồng phê duyệt việc tiếp tục niêm yết cổ phần của ngân hàng tại sở GDCK TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể, tờ trình đề nghị tiếp tục uỷ quyền giao HĐQT quyết định thời điểm nộp hồ sơ, quyết định về mặt thủ tục và mọi vấn đề có liên quan. Năm 2018, theo kế hoạch Tecombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế lên tới 10.000 tỷ đồng- đây là một con số khá đặc biệt bởi hiện nay toàn hệ thống trong năm 2017 hiện, chỉ duy nhất Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đạt được.

(Nguồn: Tiền Phong)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn