Đại học Tôn Đức Thắng: Không có chuyện hiệu trưởng lạm quyền, 'chống lệnh' Tổng LĐLĐ

Giáo dụcThứ Ba, 11/06/2019 16:37:00 +07:00

Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng Tổng LĐLĐ đưa thông tin lãnh đạo nhà trường chống lệnh cơ quan cấp trên là chưa chính xác.

Liên quan đến sự việc Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát biểu Trường Đại học Tôn Đức Thắng phát ngôn sai sự thật và “chống lệnh” cơ quan chủ quan, đại diện Trường Tôn Đức Thắng cho rằng việc đưa thông tin này có ý bôi nhọ, vu khống lãnh đạo và toàn thể Nhà trường.

Trường không “chống lệnh”

Theo đại diện Đại học Tôn Đức Thắng, Trường từng có văn bản xin đề nghị dời thời gian kiểm toán chứ không phải không đồng ý. Khi có dự thảo kết luận kiểm tra, Nhà trường phản hồi đối với những kết luận chưa chính xác. Với những kết luận kiểm tra chính xác, Nhà trường nghiêm túc tiếp thu và hoàn thiện.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ có 3 lần Nhà trường làm việc. Trong đó, lần đầu tiên, Nhà trường cử Phó Hiệu trưởng và Trưởng Phòng Tổ chức – Hành chính ra làm việc trực tiếp với Lãnh đạo Tổng LĐLĐ xin hoãn họp. Việc dời thời gian được Chủ tịch Tổng LĐLĐ đồng ý.

Thư mời lần 2 trùng lịch họp Hội đồng trường. Ngay sau đó, Nhà trường cũng cử lãnh đạo Trường ra dự họp theo yêu cầu của Tổng LĐLĐ.

Theo Trường Tôn Đức Thắng, thông tin về việc tổ chức họp Hội đồng trường mà Tổng LĐLĐ đưa ra là không đúng sự thật và sai lệch bản chất.

truong-dai-hoc-ton-duc-thang

 Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trong những trường đi đầu về tự chủ tài chính.

Cụ thể, Hội đồng trường họp thường kỳ 6 tháng/lần và họp bất thường trong một số trường hợp như: Có đề nghị bằng văn bản của trên 30% tổng số thành viên Hội đồng trường, đề nghị của Hiệu trưởng hoặc của Chủ tịch hội đồng.

“Trường gửi thư mời Chủ tịch Hội đồng trường (Tiến sĩ Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - PV) nhưng không có phản hồi. Đến đúng ngày họp mới nhận được Văn bản của đại diện Tổng LĐLĐ là chủ tịch đi nước ngoài.

Trong khi trước đó, chúng tôi không biết lịch của chủ tịch và cũng không được Chủ tịch Hội đồng trường báo là không dự họp được.

Cuộc họp diễn ra hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Tất cả các thành viên dự họp đều thẩm tra kỹ lưỡng căn cứ pháp lý trước khi bàn luận các nội dung trong cuộc họp”, đại diện Trường Tôn Đức Thắng cho biết.

Không có chuyện hiệu trưởng lạm quyền

Theo phản hồi từ Trường Tôn Đức Thắng, nhiệm kỳ của Hội đồng trường theo nhiệm kỳ của Hiệu trưởng. Trong khi đó, thời gian nhiệm kỳ của Hiệu trưởng Trường Tôn Đức Thắng sắp hết.

“Chủ tịch Hội đồng trường không lo cho nhiệm kỳ mới thì để đến tháng 7/2019 Trường sẽ không có Hội đồng và không có Hiệu trưởng. Lúc đó, ai sẽ điều hành, quản lý trường? Do vậy việc triệu tập họp của Hiệu trưởng là thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu đối với tập thể hơn 1300 con người”, Trường Tôn Đức Thắng khẳng định.

Bên cạnh đó, Trường Tôn Đức Thắng cho rằng chưa bao giờ Tổng LĐLĐ Việt Nam sẵn sàng trao đổi, thảo luận một cách dân chủ với Nhà trường về những vấn đề Nhà trường quan tâm, đề xuất.

truong-dai-hoc-ton-duc-thang1

 Gần đây giữa Trường Đại học Tôn Đức Thắng và cơ quan chủ quản diễn ra những tranh luận gay gắt.

Mặc dù các giảng viên, viên chức của Nhà trường mong muốn được gặp Lãnh đạo Tổng LĐLĐ và Nhà trường có văn bản mời Lãnh đạo Tổng LĐLĐ vào làm việc để nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giảng viên nhưng không có phản hồi.

“Công văn số 655/TLĐ ngày 7/5/2019 của Tổng LĐLĐ về việc chuẩn bị thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, nội dung có tính áp đặt cho Hội đồng trường. Các áp đặt này không đúng với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Chúng tôi lưu ý rắng, văn bản này là văn bản chỉ đạo Nhà trường trong công tác triển khai Luật số 34 nhưng nội dung chỉ đạo lại trái với đạo luật này”, đại diện Trường Tôn Đức Thắng khẳng định.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn