Đại gia Việt thay ‘nồi cơm’: Người ấm bụng, kẻ đìu hiu

Kinh tếThứ Hai, 23/11/2015 11:34:00 +07:00

Những nỗ lực thay “nồi cơm” mang đến cho đại gia Việt nhiều kết quả khác nhau, người may mắn ấm bụng trong khi kẻ khác lại đìu hiu.

(VTC News) – Những nỗ lực thay “nồi cơm” mang đến cho đại gia Việt nhiều kết quả khác nhau, người may mắn ấm bụng trong khi kẻ khác lại đìu hiu.

Liều lĩnh thay “nồi cơm”

Cuối năm 2014, “Vua bánh kẹo” Kinh Đô khiến giới kinh doanh xôn xao khi quyết định bán “nồi cơm” để thu về khoản tiền khổng lồ. Tập đoàn Kinh Đô sẽ bán lại bán 80% cổ phần tại công ty cổ phần Kinh Đô Bình Dương (BKD) cho Mondelēz International. Giá trị giao dịch là 7.846 tỷ đồng (tương đương 370 triệu USD).

T.S Trần Quốc Việt – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn lại cho rằng việc hợp tác trong mảng bánh kẹo với Mondelēz International được kỳ vọng sẽ đưa thương hiệu Kinh Đô đến một giai đọan phát triển mới. Đó là Kinh Đô sẽ “tấn công” ra thị trường quốc tế nhờ sự giúp sức của Mondelēz International.

Tuy nhiên, có thể dễ dàng thấy, với 20% cổ phần còn lại, dù mảng bánh kẹo của Kinh Đô có phát triển rực rỡ đến đâu thì lợi nhuận chính vẫn tập trung vào túi Mondelēz International.

Kinh Đô rầm rộ chuyển hướng kinh doanh
Kinh Đô rầm rộ chuyển hướng kinh doanh
Trong một bài phỏng vấn, ông Việt hé lộ rõ nguyên nhân Kinh Đô bán “nồi cơm” của mình. Ông Việt đánh giá tốc độ tăng trưởng của ngành bánh kẹo trong những năm gần đây có xu hướng chậm lại. Kinh Đô nhận thấy rằng nếu tiếp tục đeo đuổi ngành bánh kẹo này, Kinh Đô vẫn có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng, nhưng chỉ ở mức thấp (5-10%/năm).

“Nồi cơm” mới của Kinh Đô chính là ngành thực phẩm đóng gói (mì ăn liền, gia vị, dầu ăn,...). Giải thích cho việc chuyển hướng kinh doanh này của Kinh Đô, ông Việt nói: “Chúng tôi thấy rằng, quy mô thị trường của mảng bánh kẹo khoảng 15.000 tỷ đồng trong khi đó quy mô của ngành thực phẩm thiết yếu đóng gói lên đến 180.000 tỷ đồng”.

Để thực hiện quyết tâm thay đổi của mình, Kinh Đô thay luôn tên thành Kido.
Hoàng Anh Gia Lai cũng có có cú chuyển hướng kinh doanh đầy đột phá. Từ trước tới nay, Hoàng Anh Gia Lai được đánh giá là một trong những đại gia bất động sản, đại gia gỗ hàng đầu Việt Nam. Nhưng trong một vài năm trở lại đây, tỷ trọng của những sản phẩm này đang giảm mạnh.

Hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai đang nỗ lực trở thành một đại gia nông nghiệp đích thực. Tập đoàn này mạnh tay rót hàng chục ngàng tỷ cho mía đường, cao su, nuôi bò,... Bầu Đức không giấu giếm lý do làm “nông dân” của mình. Bầu Đức khiến nhiều người sốc khi tuyên bố “Nuôi bò siêu lợi nhuận hơn làm bất động sản Myanmar”.

Trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, bầu Đức không phải vị đại gia duy chuyển hướng sang nông nghiệp. Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long, tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng lần lượt đầu tư sang lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và trồng rau sạch. Tuy nhiên, Hòa Phát và Vinroup mới chỉ “lấn sân” chứ chưa “chuyển hướng” như Hoàng Anh Gia Lai.

Là một trong những cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, REE của Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE đã có thời tung hoành cùng FPT, SAM,... Ban đầu, REE chỉ sản xuất các sản phẩm cơ điện, điều hòa, thi công công trình.

Nhưng càng về sau này, REE càng chứng tỏ mình là một công ty đầu tư, đặc biệt đầu tư tài chính hơn là sản xuất. REE chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, bất động sản,...

Người ấm bụng, kẻ đìu hiu

REE là một trong những công ty khá thành công khi chuyển hướng kinh doanh. Mặc dù có không ít thời điểm chệch choạc nhưng cuối cùng REE vẫn vượt khó thành công và gặt hái được những khoản lợi nhuận khá tốt.
Bầu Đức đang dần khẳng định việc chuyển hướng kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai là đúng đắn
Bầu Đức đang dần khẳng định việc chuyển hướng kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai là đúng đắn
Lợi nhuận sau thuế của REE năm 2011, 2012, 2013 và 2014 lần lượt là 513,64 tỷ đồng, 656,82 tỷ đồng, 975,82 tỷ đồng và 1.061,97 tỷ đồng. Sang năm 2015, hoạt động kinh doanh có vẻ giảm sút. 9 tháng đã trôi qua nhưng REE chỉ đạt tổng lợi nhuận sau thuế 590,82 tỷ đồng. Dù vậy, đây vẫn là những con số khá lạc quan.

Đổ rất nhiều tiền vào nông nghiệp nên chi phí của Hoàng Anh Gia Lai luôn ở mức cao ngất ngưởng. Trong khi đó, nông nghiệp không phải là “cây ngắn ngày”, không thể rót vốn vào là thu lợi nhuận được ngay nên Hoàng Anh Gia Lai đang trong giai đoạn “độ trễ”.

Hiện tại, trái ngọt từ nông nghiệp chưa thực sự nhiều với Hoàng Anh Gia Lai. Tuy nhiên, tỷ trọng doanh thu từ nông nghiệp trong tổng doanh thu ngày càng lớn đang chứng minh hướng đi đúng đắn của Hoàng Anh Gia Lai.

Trong quý 3/2015, đàn bò, sản phẩm mới nhất của Hoàng Anh Gia Lai đã ghi điểm với doanh thu đạt được lên tới 1.379 tỷ đồng, tương đương 63,6% doanh thu quý 3. Trong vài năm sắp tới, cao su, dầu cọ hứa hẹn là những sản phẩm mang về tỷ đô cho bầu Đức.

Kinh Đô (bây giờ là Kido) là đại gia lớn nhất quyết định thay “nồi cơm”. Có lẽ mới đầu tư sang lĩnh vực mới nên Kido cần thêm nhiều thời gian để khẳng định hướng đi của mình. Còn hiện tại, thiếu vắng mảng bánh kẹo, Kido có một quý 3 đầy ảm đạm.

Thông thường, quý 3 với mùa kinh doanh bánh trung thu luôn là thời điểm mang về phần lớn doanh thu và lợi nhuận cho Kido. Nhưng năm nay, sau khi bán 80% mảng bánh kẹo cho Mondelēz International, doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn chỉ đạt 518 tỷ đồng và 80 tỷ đồng, giảm mạnh so với 2.692 tỷ đồng và 359 tỷ đồng.

Có thể thấy, không phải đại gia nào cũng thành công khi chuyển hướng kinh doanh.


Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn