Đại gia Việt: Người kiếm ngàn tỷ, kẻ trắng tay

Kinh tếThứ Hai, 03/06/2013 12:19:00 +07:00

(VTC News) - 5 tháng đầu năm trôi qua, đại gia Việt có nhiều biến động tài sản khác nhau, người kiếm thêm ngàn tỷ nhưng người thì gần như trắng tay.

(VTC News) - 5 tháng đầu năm trôi qua, đại gia trên sàn chứng khoán Việt có nhiều biến động tài sản khác nhau, người kiếm thêm ngàn tỷ nhưng người thì gần như trắng tay.

Người kiếm ngàn tỷ

Là người liên tiếp giữ vị trí đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, sau 5 tháng đầu thăng trầm của thị trường chứng khoán, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của khối tài sản chỉ nhờ cổ phiếu VIC.

5 tháng qua, cổ phiếu VIC đã tăng 7.600 đồng lên 68.000 đồng/CP. Với việc sở hữu hơn 284 triệu cổ phiếu, khối tài sản của ông Vượng đã tăng thêm 2.163 tỷ đồng lên 19.354 tỷ đồng.
 
Không chỉ ông Vượng kiếm bộn trong 5 tháng qua, những người trong gia đình ông đều nắm giữ số lượng lớn cổ phiếu VIC nên khi VIC tăng giá, tất cả đều có thêm cả trăm ngàn tỷ. Trong đó, đáng kể nhất là bà Phạm Thu Hương, vợ ông Vượng.

Là người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, bà Hương có thêm 373 tỷ đồng, nâng tổng giá trị cổ phiếu nắm giữ lên 3.337 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng với cổ phiếu VIC, hai vợ chồng ông Vượng đã trở thành tỷ phú đô la.

Là đại gia được nhắc nhiều nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam nhưng ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch  Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) lại chứng kiến tốc độ tăng tài sản nằm trong cổ phiếu tương đối chậm.

đại gia việt
Ông Phạm Nhật Vượng, bầu Đức kiếm ngàn tỷ nhưng cha con ông Đặng Văn Thành lại trắng tay 
Cụ thể, tính đến ngày 31/5, HAG dừng ở mức 22.800 đồng/CP, chỉ tăng 3.500 đồng/CP so với phiên cuối cùng của năm 2012. Như vậy, giá trị cổ phiếu của bầu Đức “chỉ” tăng gần 1.100 tỷ đồng. Bầu Đức vẫn giữ vị trí thứ hai trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Mặc dù khá im hơi lặng tiếng trong năm qua nhưng Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát (HPG) lại gây ấn tượng nhất khi  có cú bứt phá lên vị trí thứ ba trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán khi cổ phiếu HPG tăng “phi mã”.

Sau 5 tháng giao dịch, cổ phiếu HPG tăng 11.800 đồng/CP, tương ứng 56,2%. Với sự gia tăng này, tổng giá trị cổ phiếu của ông Long có thêm 1.192 tỷ đồng, lên gần 3.315 tỷ đồng.

Một gương mặt gây ấn tượng mạnh trong cuối tháng 5 chính là ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Ông khiến dư luận chú ý khi bỏ ra 35 tỷ đồng đưa Nick Vujicic tới Việt Nam. Động thái này khiến HSG thắng lớn về truyền thông cũng như lợi nhuận.

Trải qua 5 tháng giao dịch, HSG tăng phi mã 31.400 đồng/CP, tương ứng 172,5% lên 49.600 đồng/CP. Tổng giá trị cổ phiếu của ông Vũ tăng 1.346 tỷ đồng lên 2.126 tỷ đồng.

Ngoài ra, các sếp lớn của Tập đoàn Đại Dương, Masan, FPT, thủy sản Hùng Vương, REE,… đều kiếm bộn khi các cổ phiếu này tăng giá tương đối mạnh.

Kẻ trắng tay

Trong khi nhiều đại gia kiếm thêm hàng ngàn tỷ đồng thì một số ít đại gia khác lại hoặc trắng tay, hoặc mất mát lớn. Đáng kể nhất là cha cong ông Đặng Văn Thành và Đặng Hồng Anh, nguyên chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank (STB).

Chỉ riêng trong tháng 5, hai cha con ông Đặng Văn Thành bị Sacombank “bắt nợ” hai lần. Sau mỗi lần “bắt” nợ, cổ phiếu của hai đại gia này đều giảm mạnh.

Cụ thể, trong ngày 10/5/2013, ông Đặng Văn Thành đã bán 25 triệu cổ phiếu giảm lượng cổ phiếu nắm giữ từ 42.696.108 cổ phiếu tương đương tỷ lệ 4,38% còn 17.696.108 cổ phiếu tương đương tỷ lệ 1,82%. Phần cổ phiếu của ông Đặng Hồng Anh vẫn giữ nguyên là 37.146.539 đơn vị tương đương tỷ lệ 3,81%.

Nick
 Ông Lê Phước Vũ gây ấn tượng khi đưa Nick tới Việt Nam
Như vậy, sau khi bán cổ phiếu, tổng lượng cổ phiếu STB mà ông Đặng Văn Thành và con là Đặng Hồng Anh nắm giữ giảm từ 79.842.647 cổ phiếu tương đương 8,19% còn 54.842.647 cổ phiếu tương đương tỷ lệ 5,63%.

việc bán cổ phiếu trên được thực hiện theo hợp đồng uỷ quyền ngày 10/12/2012 giữa gia đình ông Đặng Văn Thành và Sacombank về việc Sacombank toàn quyền quyết định mua, bán, định đoạt, sở hữu toàn bộ số cổ phiếu nêu trên theo quy định của pháp luật.

Tới ngày 31/5, Sacombank đã bán 47.842.647 cổ phiếu STB tương đương tỷ lệ 4,912% của ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh.

Sau giao dịch, ông Đặng Văn Thành không còn sở hữu cổ phiếu STB nào nữa còn ông Đặng Hồng Anh (con ông Đặng Văn Thành) vẫn còn nắm giữ 7 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 0,718%.

Như vậy, chỉ trong vài ngày, ông Đặng Văn Thành hoàn toàn trắng tay ở Sacombank. Mặc dù còn nắm giữ 7 triệu cổ phiếu STB nhưng ông Đặng Hồng Anh không còn là cổ đông lớn của ngân hàng này nữa.

Với mức giá đóng cửa 17.800 đồng/CP của STB vào ngày 31/5, hai cha con ông Thành đã mất trắng 1.230 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (ALP) cũng chịu mất mát nhiều trong thời gian qua khi cổ phiếu ALP rớt giá thảm hại. Tính tới 31/5, ALP chỉ còn 3.800 đồng/CP, giảm 5.200 đồng/CP, tương đương gần 58%.

Cổ phiếu ALP giảm giá mạnh khiến tổng giá trị cổ phiếu của ông Hải mất gần 605 tỷ đồng, chỉ còn gần 442 tỷ đồng. Có thể thấy đây là sự mất mát rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển Bất Động sản Phát Đạt (PDR) cũng chứng kiến đà lao dốc của tài sản. PDR đã giảm 7.000 đồng/CP và dừng ở mức 10.500 đồng/CP trong ngày giao dịch cuối cùng của tháng 5. Tổng giá trị cổ phiếu PDR của ông Đạt giảm 537,6 tỷ đồng xuống 806,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu đại gia còn đất tăng?

Trải qua 5 tháng tăng mạnh, nhiều nhà đầu tư đã nghĩ tới tình huống rút lui khỏi các cổ phiếu “nóng” này khi dù VN-Index được dự báo tiếp tục đi lên.

Trong bản báo của của mình, Công ty chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) nhận định trong số các mã được giao dịch mạnh gần đây, REE; CSM và ITA đã chững lại đà tăng. Tuy nhiên, cuối tuần Vnindex đã chịu ảnh hưởng giảm nhiều nhất từ mã VIC (mã này đã giảm sau khi tăng mạnh sau thông tin về đối tác chiến lược mới được công bố).

Tuy vậy, trong ngắn hạn, theo HSC, thị trường vẫn có vẻ nghiêng về tăng. HSC tiếp tục giữ chiến lược mua các mã chưa tăng nhiều vì theo HSC giá các mã bluechip đã phản ánh hết giá trị.

Tuy nhiên, công chứng khoán FPTS lại có nhận định ngược lại. FPTS cho rằng dòng tiền đầu cơ vẫn đổ vào thị trường sau những diễn biến tích cực, cùng với đó tâm lý của nhà đầu tư cũng ổn định hơn tại một số thời điểm thị trường điều chỉnh khi không xuất hiện áp lực bán tháo.

Theo FPTS, xu hướng của thị trường trong trung hạn là tích cực tuy nhiên trong ngắn hạn xác suất của phiên điều chỉnh vẫn còn khá lớn, đặc biệt là khi mà các chỉ số đang tiếp cận với ngưỡng kháng cự trung - dài hạn.

Theo đó, trong các phiên tiếp theo, FPTS Khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên mua vào cổ phiếu tại những thời điểm điều chỉnh của thị trường. Ngoài ra, việc nắm cổ phiếu bluechips và nhóm ngành đang được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách hỗ trợ của chính phủ cũng tiếp tục được khuyến nghị.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn