Đại gia Việt lên cơn sốt… chăn bò

Kinh tếThứ Hai, 09/06/2014 12:22:00 +07:00

(VTC News) – Hoạt động trong các lĩnh vực “hoành tráng” nhưng nhiều đại gia bỗng dưng lên cơn sốt về nông thôn chăn bò.

(VTC News) – Hoạt động trong các lĩnh vực “hoành tráng” nhưng nhiều đại gia bỗng dưng lên cơn sốt về nông thôn chăn bò.

Đại gia đi chăn bò

Đại gia Việt chăn bò không phải là chuyện hiếm. TH True Milk hay Vinamilk có cả trang trại rộng lớn không khiến dư luận ngạc nhiên vì cả hai đại gia này đều hoạt động trong ngành sữa. Nếu TH True Milk có trang trại nuôi bò rộng 2.000 ha thì Vinamilk cũng không kém cạnh khi xây dựng hàng loạt trang trại quy mô lớn ở nhiều tỉnh thành.

Là doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn Vinamilk và TH True Milk, Hanoimilk nhập cuộc nuôi bò chậm hơn. Hanoimilk cũng xây dựng dự án trang trại bò sữa tại Mê Linh. Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa cho ra thành quả cuối cùng.

TH True Milk, Vinamilk và Hanoimilk xây dựng trang trại nuôi bò sữa là chuyện rất bình thường vì 3 “ông lớn” này đều hoạt động trong ngành sữa. Nhưng một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực “hoành tráng” như tài chính, bất động sản cũng tham gia… nuôi bò mới là chuyện lạ.

Trang trại bò sữa của Vinamilk 

Trong đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai diễn ra không lâu, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ công bố kế hoạch nuôi 100.000 con bò tại Lào. Theo bầu Đức, tất cả đã sẵn sàng, chỉ chờ đàn bò từ Úc về.

Chưa tiết lộ các con số cụ thể nhưng cổ đông đều tin rằng bầu Đức đã bỏ ra cả ngàn tỷ chuẩn bị chuồng trại, thức ăn, nước uống, thuốc men và hàng trăm điều kiện khác để những nàng bò có cơ hội phát triển tốt nhất, sản sinh nhiều sữa nhất.

Không trực tiếp chăn bò như Hoàng Anh Gia Lai, một số ông lớn khác đầu tư vào ngành sữa thông qua việc rót vốn vào doanh nghiệp nuôi bò. Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (SCIC Investment - SIC) là trường hợp điển hình cho sự “mê” bò.

Trong khi thoái vốn khỏi hàng loạt doanh nghiệp khác, SCIC Investment - SIC không những giữ lại cổ phiếu VNM của Vinamilk mà quyết định tăng thêm tỷ lệ sở hữu tại ông lớn ngành sữa. Mới đây, SCIC Investment - SIC công bố sẽ mua vào 500.000 cổ phiếu VNM.

Norges Bank ngân hàng của Na Uy cũng không ngừng rót tiền vào Vinamilk. Mới đây, Norges Bank đăng ký mua 200.000 cổ phiếu VNM sau khi đã gom thành công 379.000 cổ phiếu VNM. Năm ngoái, cùng với DC Developing Markets Strategies, Norges Bank mua vào 2.048.500 cổ phiếu VNM.

Lợi đủ đường

Thời gian gần đây, đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thường kém khả quan khi mang về những khoản lỗ lên tới ngàn tỷ đồng. Chính vì vậy, đầu tư ngoài ngành luôn nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm từ giới đầu tư.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành nào cũng sai lầm. Ví dụ như Hoàng Anh Gia Lai. Động thái đầu tư vào trang trại sữa giúp Hoàng Anh Gia Lai tận dụng được rất nhiều “đồ thải” mà một số ngành nông nghiệp khác của Tập đoàn như mía đường, bắp,… mang lại.

Trong Đại hội cổ đông, bầu Đức rất tự tin khi khẳng định: "Nếu chúng tôi tổ chức nuôi bò thì chắc chắn sẽ không một nơi nào trên thế giới này bằng".

mía đường HAG
Nuôi bò, bầu Đức tận dung được nguồn thức ăn khổng lồ 

Bầu Đức có lý khi trang trại bò sữa giúp Tập đoàn tận dụng được một số “đồ thải” như bã cọ dầu, 50.000 tấn mật rỉ tại các nhà máy đường và hàng trăm nghìn tấn hạt bắp, thân bắp phụ phẩm.

Những “đồ thải” này hoặc phải bỏ đi, hoặc chỉ được bán lại với giá rất rẻ thì nay trở thành nguồn thức ăn phong phú và chất lượng cho đàn bò. Mà việc cung cấp thức ăn cho bò đã chiếm 70% vốn đầu tư. Điều đó cho thấy, hiệu quả rất lớn mà Hoàng Anh Gia Lai có được khi nuôi bò.

Ngoài nguồn thức ăn thì công nghệ chuồng trại là điều vô cùng quan trọng, tuy nhiên, theo bầu Đức thì các khu đất của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào đều gần các dòng sông, đảm bảo thuận lợi cho việc tưới tiêu và thích hợp cho việc trồng cỏ.

Không chỉ nuôi bò, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng để xây nhà máy chế biến sữa tại Khu công nghiệp Trà Đa, tỉnh Gia Lai. Nhà máy này đảm bảo đầu ra cho trang trại bò sữa tại Lào của Hoàng Anh Gia Lai.

Bên cạnh đó, Hoàng Anh Gia Lai còn tận dụng được mối quan hệ với Công ty sữa Nutifood, đơn vị nhanh tay hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai khi U19 Việt Nam tạo “cơn sốt” trong lòng fan bóng đá. 

Nutifood cho biết công ty sẽ hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai để mở rộng thị phần sang sản phẩm sữa tươi. Nutifood sẽ đầu tư một nhà máy chế biến sữa tại Gia Lai với kinh phí khoảng 800 tỉ đồng, dây chuyền công nghệ nhập khẩu từ Đức và Thụy Điển.

Còn với Vinamilk, TH True Milk hay Hanoimilk, lợi ích thu được từ đầu tư vào trang trại sữa là vô cùng lớn. Đầu tiên, các doanh nghiệp này có thể chủ động được nguồn sữa nguyên liệu, chủ động được chất lượng sữa nguyên liệu. Và quan trọng, chi phí nguyên liệu cũng sẽ giảm mạnh.

Đầu tư trang trại bò sữa không chỉ giúp bản thân doanh nghiệp mà còn hỗ trợ nhiều cho toàn ngành sữa. Hiện tại, ngành sữa Việt Nam vẫn đang phụ thuộc tới 70-80% lượng nguyên liệu sữa nhập từ nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc dùng sữa nội nhưng 70% số tiền người dân bỏ ra thực chất lại trả cho sữa ngoại.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nhà nước không kịp thời đưa ra quy hoạch phát triển đàn bò sữa, phát triển nguồn cung nguyên liệu sữa nên phần lớn sữa nguyên liệu đều phải nhập khẩu. Hệ quả là năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên đã phải chi ra 1 tỷ USD để nhập sữa ngoại

Mà giá sữa nguyên liệu thế giới không ổn định, thường có xu hướng tăng cao. Mỗi khi giá sữa nguyên liệu “leo thang”, người tiêu dùng trong nước lại méo mặt vì giá sữa tăng vù vù. Thị trường Việt Nam thường xuyên phải chứng kiến cảnh giá sữa nhảy vọt vài lần trong một năm.

Năm nay, sau khi Bộ Tài chính áp giá trần cho hàng loạt sữa trẻ em, người tiêu dùng vẫn chưa hết lo vì các công ty hoàn toàn có lý do tăng giá sữa khi giá sữa nguyên liệu nhập khẩu tăng. Mà mới đây, đại diện Vinamilk cho biết hiện nguồn cung nguyên liệu đang rơi vào tình trạng khủng hoảng khi giá liên tục tăng cao. Vì vậy, không ai dám đảo bảo giá sữa sẽ không có thêm những đợt tăng mới trong năm nay dù vừa giảm theo quy định giá trần.

Thế nên việc các công ty đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò sữa sẽ giúp ngành sữa Việt Nam chủ động nguồn sữa nguyên liệu hơn, giảm phụ thuộc vào sữa nhập ngoại. Và như vậy, người tiêu dùng sẽ được hưởng mức giá tốt hơn.

Thanh Hà

Bình luận
vtcnews.vn