Đại gia Trầm Bê đình đám và mất hút

Kinh tếThứ Ba, 01/08/2017 18:00:00 +07:00

Đại gia Trầm Bê đã chính thức bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng vào ngày 1/8, khiến người ta nhớ lại những vụ làm ăn “đình đám rồi mất hút” của vị này…

“Đế chế” Trầm Bê ở Sacombank

Còn nhớ, vào cuối năm 2012, việc hai cha con ông Đặng Văn Thành và Đặng Hồng Anh rút khỏi Sacombank sau hơn 19 năm xây dựng và gắn bó cũng chính là lúc “đế chế” Trầm Bê được xác lập.

Chỉ trong thời gian ngắn (từ tháng 12/2012 đến tháng 6/2015), dưới “đế chế” Trầm Bê, Sacombank có vẻ khá ổn. Nếu lấy mốc ngày 31/12/2012 thì tổng tài sản Sacombank thời điểm này đạt 161.378 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 17.064 tỷ đồng, chiếm 10,6%. Tiền gửi huy động đạt 131.644 tỷ đồng, trong khi, cho vay khách hàng đạt 110.566 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) là 84%. Kết thúc năm 2012, Sacombank báo lãi ròng 2.229 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm tháng 6/2015, tổng tài sản STB tăng trưởng 30,6% lên mức 210.778 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 12,24%/năm. Vốn chủ sở hữu tăng trưởng trung bình 4,44%/năm lên 18.959 tỷ đồng. Huy động vốn tăng trưởng trung bình 14,7%/năm lên mức 179.941 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng trưởng trung bình 10,9%/năm lên 140.407 tỷ đồng. Tỷ lệ LDR đạt 78%.

trambegoqf-1498955715

Đại gia Trầm Bê từng hình thành "đế chế" tại Sacombank. (Ảnh: Nguoiduatin)

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, Sacombank báo lãi ròng 1.180 tỷ đồng. Con số này chênh lệch không đáng kể so với con số lãi ròng 1.174 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2012.

Đặc biệt, nếu xét tỷ lệ nợ xấu thì tại ngày 31/12/2012, giá trị nợ xấu của Sacombank là 1.610 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 1,46%. Tuy nhiên, đến ngày 30/6/2015, giá trị nợ xấu của Sacombank dù là 1.698 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ xấu giảm về chỉ còn 1,21%.

Tuy nhiên, nếu xét đến tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt (do VAMC phát hành) tại ngày 30/6/2015 mà Sacombank nắm giữ là 6.236 tỷ đồng, thì rõ ràng là tình hình tại Sacombank cũng không hề ổn, vì khoản trái phiếu đặc biệt trị giá 6.236 tỷ đồng này vẫn là... nợ xấu.

Những dự án “bộn” tiền

Dù đã làm được khá nhiều việc “đình đám” ở Sacombank nhưng khi dứt duyên với ngành tài chính – ngân hàng, đại gia Trầm Bê vẫn còn nhiều thương vụ gây chú ý khác.

Ông Trầm Bê dứt duyên Sacombank vào ngày 24/2/2017, khi ban lãnh đạo Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã chấp thuận và báo cáo Ngân hàng Nhà nước quyết định xin từ nhiệm Thành viên hội đồng quản trị của cha con ông Trầm Bê - Trầm Khải Hòa.

6f2inno3-1471848937417

Ông Trầm Bê - đại gia danh tiếng ngã ngựa. (Ảnh: CafeF)

Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank theo lộ trình và các giải pháp thực hiện phương án tái cơ cấu ngân hàng đã được Thủ tướng chấp thuận.

Điểm lại một số thương hiệu mà gia đình đại gia Trầm Bê đầu tư.Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An (Bệnh viện Triều An) tiền thân là Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An, đặt tại TP HCM là một trong số đó.

Theo VNExpress, đây là bệnh viện đa khoa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào năm 1999, chính thức hoạt động từ 2001, đổi tên vào năm 2006. Theo dữ liệu từ Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, đơn vị này hiện đang có vốn điều lệ 590 tỷ đồng và 9 cổ đông sáng lập đang sở hữu trên 83% vốn điều lệ. Trong đó, ông Trầm Bê đang sở hữu 9 triệu cổ phiếu của Bệnh viện Triều An, tương đương 15,25% vốn điều lệ và là cổ đông lớn thứ 3 trong danh sách cổ đông sáng lập còn sở hữu cổ phần.

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 của đơn vị này cũng cho biết, tính tới 31/12/2015, ông Trầm Bê và con gái là bà Trầm Thuyết Kiều đều đang giữ chức vụ thành viên trong Hội đồng quản trị của bệnh viện (tổng sở hữu khi đó đạt trên 26% vốn điều lệ). Riêng ông Trầm Bê kiêm nhiệm thêm chức danh Cố vấn Hội đồng quản trị. Cương vị Chủ tịch bệnh viện do ông Trần Ngọc Henri và Trưởng ban kiểm soát là ông Trầm Sê - em ông Trầm Bê nắm giữ.

Hoạt động kinh doanh của Bệnh viện Triều An duy trì khá ổn định trong thời gian gần đây với doanh thu đạt trên 300 tỷ đồng, lợi nhuận trong khoảng gần 30 đến 40 tỷ đồng mỗi năm. Phần lớn lợi nhuận sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính của bệnh viện đều được sử dụng để chia cổ tức cho các cổ đông. Năm 2014 và 2015, phần cổ tức ông Trầm Bê và bà Trầm Thuyết Kiều nhận được đạt từ 8 đến 9 tỷ đồng.Một đơn vị khác là Công ty Thương mại Vàng bạc đá quý Phương Nam (NJC) cũng là một trong số doanh nghiệp do gia đình ông Trầm Bê còn sở hữu. Số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, bà Trầm Thuyết Kiều vẫn đang sở hữu 11% vốn tại doanh nghiệp có vốn điều lệ 450 tỷ đồng này.

Được thành lập từ đầu năm 2007 với hậu thuẫn là Ngân hàng Phương Nam. Sau 4 năm đầu tăng trưởng mạnh kể từ năm 2011 đơn vị này bắt đầu rơi vào khủng hoảng, cũng tương tự nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng khi đó.

Đạt đỉnh vào giai đoạn 2009-2010 với doanh thu từ 6.600 đến 7.600 tỷ đồng, lợi nhuận 29-40 tỷ đồng, tuy nhiên từ năm tiếp sau đó hoạt động của NJC bắt đầu lao dốc và lần đầu ghi nhận thua lỗ vào năm 2013. Xuất phát từ những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, giữa tháng 8/2013, NJC đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua việc chuyển đổi mô hình công ty từ công ty cổ phần sang công ty TNHH 2 thành viên.

Ông Trầm Bê, thời điểm đó là cổ đông sáng lập, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của NJC đã xuất hiện và tuyên bố sẽ mua lại cổ phần của cổ đông khi chuyển mô hình hoạt động. Tuy nhiên, quyết định thời điểm đó không được thông qua do Đại hội phải tạm hoãn. Kế hoạch chuyển đổi cũng bị tạm dừng cho đến hiện tại với lý do được ban lãnh đạo đưa ra là cổ đông chưa bán lại hết cổ phần.

"Điệp khúc" đặt mục tiêu kinh doanh hòa vốn được ban lãnh đạo công ty đưa ra trong nhiều năm gần đây, nhưng chưa năm nào đạt kế hoạch. Đến năm 2015, khoản lỗ đã vượt qua mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi NJC hoạt động (hơn 41 tỷ đồng).

Video: Đại gia vàng xin làm du lịch ở khu đất có biệt phủ xây trái phép

Ngoài những khoản đầu tư nói trên, ông Trầm Bê cũng từng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác trước khi "toàn tâm, toàn ý" cho tài chính ngân hàng.

Lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp là dấu ấn đầu tiên của doanh nhân gốc Trà Vinh với Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh (1991 - 2001) và Công ty cổ phần Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn (2002 - 2004).

Năm 1999, ông cũng tham gia vào lĩnh vực bất động sản với việc trở thành thành viên Hội động quản trị của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI). Tuy nhiên sau 17 năm gắn bó, ông Trầm Bê đã rời khỏi vị trí này vào tháng 8/2016.

Minh Vân (tổng hợp)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn