Đại gia thản nhiên ‘ăn cắp’ trăm tỷ

Kinh tếChủ Nhật, 06/04/2014 12:08:00 +07:00

(VTC News) – Là những doanh nghiệp có giá hàng ngàn tỷ đồng nhưng nhiều đại gia bất tín tới mức “làm xiếc” số liệu để “ăn cắp” hàng trăm tỷ đồng.

(VTC News) – Là những doanh nghiệp có giá hàng ngàn tỷ đồng nhưng nhiều đại gia bất tín tới mức “làm xiếc” số liệu để “ăn cắp” hàng trăm tỷ đồng.

Lộ sai sau kiểm toán

Chênh lệch giữa báo cáo sau kiểm toán và báo cáo tự lập luôn là vấn đề nhức nhối trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Vấn đề dù “nóng” nhưng vẫn chưa có phương án xử lý triệt để khiến tình trạng này vẫn tiếp diễn trong mùa báo cáo năm nay. Cuối tháng 3, đầu tháng 4, nhà đầu tư liên tục phải chứng kiến tình trạng đại gia thản nhiên “ăn cắp” tiền của chính mình.

Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) gây sốc nhất khi lợi nhuận sau thuế trong báo cáo tự lập và báo cáo sau kiểm toán chênh nhau tới gần… 500 tỷ đồng. Gần 500 tỷ đồng là con số rất lớn, bằng 20% vốn hóa thị trường của PVX. 

Mức chênh lệch quá lớn ngày bắt nguồn từ sự chênh lệch của hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh. Trong đó, kiểm toán viên đã phát hiện ra PVX “phù phép” khoản lợi nhuận gộp từ lãi thành lỗ. Các khoản mục doanh thu, chi phí, lãi khác, lãi liên kết đều có sự thay đổi lớn sau kiểm toán. Kết quả là kiểm toán đã phát hiện ra lợi nhuận sau thuế của công ty bị PVX “giấu” tới 487 tỷ đồng. 
dự án
Dự án của địa ốc Hòa Bình 
Cho tới thời điểm hiện tại, chưa công ty nào “giấu” tiền của chính mình nhiều như PVX. Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hoà Bình (HBC) dù có sai lệch trong báo cáo tài chính nhưng HBC cũng “chỉ” dám sai phạm 29,7 tỷ đồng.

Cụ thể, so với kết quả kinh doanh trước kiểm toán, lợi nhuận năm 2013 của HBC giảm 29,7 tỷ đồng, tương ứng 53%  xuống còn 26,4 tỷ đồng (phần dành cho cổ đông công ty mẹ). Khoản chênh lệch này bắt nguồn từ khoản mục sai lệch trong nhiều chỉ tiêu kinh doanh. 

Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex- VCG) cũng không kém cạnh gì so với “đồng nghiệp” HBC khi ghi khống lợi nhuận thêm 50 tỷ đồng. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty giảm đến gần 50 tỷ đồng, còn 496 tỷ đồng. Doanh thu thuần sau kiểm toán giảm hơn 240 tỷ đồng còn 11.104 tỷ đồng. Đây không phải lần đầu tiên Vinaconex công bố báo cáo kiểm toán với con số sai khác lớn so với báo cáo tự lập.

Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) thích làm đẹp báo cáo tài chính khi “vay mượn” hàng tỷ đồng.  Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế (phần dành cho cổ đông công ty mẹ) giảm 7,6 tỷ đồng xuống còn 21,7 tỷ đồng.

Có “thâm niên” trong việc cung cấp báo cáo tài chính với sai số lớn nên Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) không khiến nhà đầu tư ngạc nhiên khi kiểm toán tiếp tục tìm ra nhiều sai phạm trong báo cáo 2013 của ITA.

Trong khi nhiều công ty muốn “làm đẹp” báo cáo bằng cách tăng thêm lợi nhuận thì giống như PVX, ITA lại chọn cách “làm xấu” báo cáo khi giảm lợi nhuận. Thế nên sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng 42,8 tỷ đồng, tương ứng 90,11% lên 90,3 tỷ đồng. Năm 2012 tình trạng tương tự cũng đã xảy ra. Chỉ có điều, mức chênh lệch “chỉ” là 80% thay vì 90,11% như 2013.

Công ty cổ phần Than núi Béo – Vinacomin (NBC), CTCP Công nghệ Sài Gòn Viễn Đông – Savitech (SVT), Công ty cổ phần Sông Đà 4 (SD4), Công ty cổ phần Sông Đà 505 (S55), Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM), Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) … đều cung cấp báo cáo tài chính có nhiều chênh lệch sau kiểm toán. 

Giải trình qua loa

Anh Nguyễn Huy Toàn, một nhà đầu tư lâu năm ức chế: “Chúng tôi có cảm giác bị lừa khi các công ty liên tục công bố báo cáo tài chính với nhiều chênh lệch lớn như vậy. Đọc báo cáo tài chính điên ruột 1 thì nghe các công ty giải trình chênh lệch chúng tôi điên ruột 10 vì họ có cách giải trình không tôn trọng nhà đầu tư. Nhiều công ty giải thích rất qua loa, kết quả một đằng, giải thích một nẻo. Có công ty thậm chí còn chưa buồn lên tiếng”.

Ví dụ, Công ty cổ phần Than núi Béo – Vinacomin (NBC) đưa ra bản giải trình với lý do khó thuyết phục. Theo NBC, công ty có chênh lệch kết quả kinh doanh năm 2013 là do số liệu báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2013 công ty công bố trước đây chỉ là số tạm tính do công ty vừa mới thực hiện thanh quyết toán chi phí với Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Ngoài ra, công ty còn “khuyến mãi” thêm thông tin không liên quan đó là giải thích lý do lợi nhuận năm 2013 tăng so với 2012.

ITA giải trình sâu hơn khi đi vào khoản mục cụ thể. Theo ITA, sở dĩ có khoản chênh lệch trước và sau kiểm toán là do phần lợi ích thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại. Tuy nhiên, so sánh 2 báo cáo của công ty trước và sau kiểm toán, có thể nhận thấy hầu hết các khoản mục trên báo cáo đều có sự khác biệt.

Giải trình báo cáo tài chính, KDH cũng giải thích ngắn gọn sự chênh lệch này là do có sự khác biệt về việc phân bổ lợi thế thương mại của nghiệp vụ chuyển nhượng phần vốn góp thuộc sở hữu công ty trong Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh Nhà Đoàn Nguyên. Nhưng trên thực tế, hầu hết các khoản mục trong báo cáo đều có sai lệch. 

Trong khi đó, PVX lại “đổ lỗi” cho công ty con. PVX cho biết báo cáo của PVX phụ thuộc rất nhiều vào công ty con. Sau kiểm toán, báo cáo của công ty con có rất nhiều thay đổi nên báo cáo hợp nhất của PVX cũng thay đổi theo. 

Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng đưa ra bản giải trình thiếu thuyết phục như vậy. Nhiều công ty khá có trách nhiệm như HBC, SD4, S55, SVT  khi giải thích rất rõ ràng. Có công ty đi vào chi tiết tới gần 20 khoản mục

Sai nhiều, "xử" ít

Số lượng các công ty công bố báo cáo tài chính tự lập có nhiều chênh lệch so với kiểm toán rất lớn. Số công ty giải trình chưa khiến nhà đầu tư hài lòng cũng không nhỏ. Nhưng hiếm hoi lắm mới có công ty bị các Sở giao dịch “sờ gáy”. Trong năm nay, tính tới thời điểm này mới chỉ có PVX bị nhắc nhở vì đưa ra bản giải trình thiếu thuyết phục.

Chỉ 1 ngày sau khi nộp bản giải trình cho Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), cổ phiếu PVX đã bị đưa vào diện bị kiểm soát kể từ ngày 4/4. PVX cũng được yêu cầu phải giải trình và khắc phục tình trạng bị kiểm soát. 

HNX tỏ ra khá nghiêm khắc khi khẳng định nếu PVX không thực hiện giải trình theo yêu cầu, HNX sẽ xem xét tạm ngừng giao dịch cổ phiếu PVX theo quy định hiện hành. Công văn yêu cầu này đề ngày 2/4 và yêu cầu công ty giải trình chậm nhất là 7/4 (thứ 2 tuần tới).

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn