Đại gia quay cuồng chuyển nhượng: Lỗi tại Real, Barca?

Thể thaoThứ Ba, 05/08/2014 06:51:00 +07:00

(VTC News) - Thị trường chuyển nhượng mùa hè 2014 có thể đã chẳng rơi vào cảnh leo thang về mặt giá cả nếu như Real Madrid và Barca không nhúng tay vào

(VTC News) - Thị trường chuyển nhượng mùa hè 2014 có thể đã chẳng rơi vào cảnh leo thang về mặt giá cả nếu như Real Madrid và Barca không nhúng tay vào.

Bắt đầu từ năm 2009

Những cuộc chạy đua về giá có lẽ đều bắt nguồn từ mùa hè 2009 điên rồ. Đó là khoảng thời gian điên rồ mà Kền kền trắng đã bỏ ra tới hơn 200 triệu bảng để mang về những cái tên hàng hiệu như Arbeloa, Albiol, Benzema, Kaka, và đặc biệt là Ronaldo. 
Real Madrid luôn tạo động lực cho các CLB khác bạo chi 
Không chịu thua kém, Barca - khi ấy đang là ĐKVĐ La Liga và Champions League, và sở hữu "Dream team" được đánh giá là xuất sắc nhất lịch sử - cũng chịu chơi tới ngót nghét 100 triệu bảng, chỉ để mang về 4 cái tên gồm: Maxwell, 
Keirrison, Chygrynskiy, và dĩ nhiên là Ibrahimovic. 

Hiệu ứng dây chuyền diễn ra gần như ngay sau đó. Điển hình nhất là Inter. Sau khi thu lợi lớn từ việc bán Ibrahimovic, Nerazzurri đã bạo chi hơn 20 triệu bảng cho Milito, 13 triệu cho Sneijder... để biến mùa hè 2009 trở thành nhộn nhịp nhất trong lịch sử. 

Kịch bản tương tự tiếp tục xảy ra ở những mùa bóng tiếp theo. Cứ khi nào Real, Barca "kích nổ" một quả bom tấn là đối tác của họ cũng "loạn giá" trên thị trường chuyển nhượng. Năm 2013, Gareth Bale tới Bernabeu với giá 85 triệu bảng. Đổi lại, Tottenham lần đầu tiên vượt mốc 100 triệu bảng khi mua sắm bằng cách đưa về 4 cái tên hàng hiệu Lamela, Soldado, Paulinho và Eriksen. Điều đáng nói, ngoài Eriksen được mua đúng giá, thì Lamela, Soldado, và Paulinho đều không xứng đáng với số tiền Gà trống bỏ ra.

Tuy nhiên những gì đã xảy ra ở mùa hè 2014 là khủng khiếp hơn tất cả. Real Madrid mua James Rodriguez với giá khủng, và họ cũng buộc PSG, Juventus - những CLB nhăm nhe cầu thủ của họ - phải nhập cuộc đua leo thang. Đội bóng thành Paris phải chi tới 80 triệu euro (gần bằng kỷ lục của Ronaldo, Bale) chỉ để sở hữu Di Maria. Trong khi BLĐ Juve bị CĐV nhà chê không tiếc lời vì chi gần 20 triệu cho một kẻ gần như vô danh Morata.

Nếu Kền kền trắng buộc những đội bóng khác phải "nhảy" cùng điệu với họ, thì Barca lại "kích cầu" chuyển nhượng theo một cách khác. Tiếp sau việc cho Inter "bơi" trong biển tiền năm 2009, họ lại để Liverpool "mua sắm tẹt ga" khi chấp nhận biến Suarez thành cầu thủ đắt giá nhất mùa hè 2014 với giá 70 triệu bảng. Hệ quả là The Kop chẳng mất nhiều thời gian để trở thành "Tottenham 2.0" khi mua một mạch 5 ngôi sao "hot".
Thương vụ Di Maria chuyển sang PSG là minh chứng rõ nét cho tình trạng loạn giá hiện tại 

Bão giá khó dừng lại

Thông thường ở những mùa giải trước, sau khi Real Madrid và Barca thỏa mãn mua sắm, hiệu ứng bão giá sẽ tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên điều ấy rất khó xảy ra vào năm nay, khi ngoài 2 gã khổng lồ Tây Ban Nha vẫn còn có PSG, AS Monaco (Pháp), Man Utd, Man City (Anh) hay thậm chí là cả Inter Milan, Juventus (Italia) sẵn sàng làm "cách mạng" lực lượng.

Họ hoặc vừa thay tướng (Monaco, Man Utd, Juventus) hoặc có tiềm lực tài chính rất mạnh (Man City, PSG), hay đơn giản là muốn xác lập vị trí một cách nhanh chóng trên bản đồ bóng đá (Inter có Chủ tịch mới). Tất cả đẩy những CLB này vào cùng một suy nghĩ: Có bom tấn bằng mọi giá.

Có thể việc sở hữu những ngôi sao lớn, những quả bom tấn không đồng nghĩa với việc thi đấu thành công và giành được những danh hiệu. Tuy nhiên, điều ngược lại luôn đúng: không có bom tấn chuyển nhượng thì gần như chắc chắn sẽ không thể giành được những chiếc cúp.

Real Madrid với 2 dàn Galacticos hoành tráng, Chelsea thời kỳ đầu của Abramovich, Man City, PSG dưới bàn tay của những ông chủ Qatar, đó là những ví dụ tiêu biểu cho cách làm tiền sẽ lại sinh ra tiền. Có ngôi sao lớn, các CLB sẽ bán được nhiều áo đấu, kiếm được nhiều quảng cáo, dễ dàng thu hút các ngôi sao lớn khác, và cuối cùng mới đến gia tăng khả năng cạnh tranh cho ngôi vô địch.

Mua 1 ngôi sao có thể chẳng phải vì mục đích chuyên môn, nhưng đằng sau nó là những toan tính không hề đơn giản. Real Madrid và Barca có thể đã vô tình đẩy các CLB khác vào vòng "loạn giá", nhưng việc để tình trạng giá cả leo thang trong suốt mùa hè 2014, nguyên nhân chắc chắn không chỉ từ 2 đại gia này.

Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn