Đại dự án thu hồi 30 ha đất nông nghiệp sau 8 năm vẫn ‘giậm chân tại chỗ’

Kinh tếThứ Bảy, 20/07/2019 07:07:00 +07:00

Thành phố thu hồi gần 30 ha đất trồng lúa giao cho doanh nghiệp đầu tư nhưng gần 8 năm qua dự án hơn nghìn tỷ đồng vẫn "giậm chân tại chỗ".

Dự án ‘đắp chiếu’ gần 8 năm?

Phản ánh tới Báo điện tử VTC News, một số người dân thôn Xanh Soi, xã Thủy Đường (Thủy Nguyên, Hải Phòng) tỏ ra bức xúc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng của UBND huyện Thủy Nguyên đối với gần 30ha đất nông nghiệp và đất ở thuộc 2 xã Thủy Đường, Hòa Bình để giao cho một doanh nghiệp đầu tư Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, chung cư, biệt thự cao cấp bán và cho thuê, khách sạn 5 sao và khu ẩm thực chợ đêm.

Chủ dự án này ban đầu là Công ty Union Success, A California Limited Partnership (Hoa Kỳ). Đại diện pháp luật là ông Philip Su (SN 1966) làm Giám đốc.

Công ty thực hiện dự án được thành lập là Công ty TNHH Tập đoàn Phát triển bất động sản Thành Công, người đại diện chính là ông Philip Su, số vốn điều lệ là: 1.328 tỉ đồng (tương đương 80 triệu USD vào thời điểm đó).

dai du an thu hoi gan 30 ha dat trong lua sau 8 nam van giam chan tai cho o hai phong

Một người dân địa phương chỉ tay vào cánh đồng lúa đang trổ bông cho biết, dự án có quy mô gần 30ha từ đất trồng lúa và đất ở của người dân nhưng 8 năm nay vẫn giậm chân tại chỗ.

Theo tài liệu người dân cung cấp, ngày 21/1/2011, UBND TP Hải Phòng ra Thông báo số 25, thu hồi gần 30ha đất nông nghiệp đang canh tác phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản của Công ty TNHH Tập đoàn Phát triển bất động sản Thành Công.

Ngày 26/1/2011, UBND huyện Thủy Nguyên ra Thông báo số 52 về quản lý đất đai phục vụ cho việc đền bù giải phóng mặt bằng cho Công ty TNHH Tập đoàn bất động sản Thành Công.

Ngày 17/5, UBND huyện Thủy Nguyên ra Quyết định 1073 thu hồi đất, gửi cho từng hộ dân. Tuy nhiên, sau khi nhận được nội dung trên, nhiều người dân xã Thủy Đường có khiếu nại gửi cơ quan chức năng về việc đền bù không đúng quy định.

“Từ năm 2011 đến nay dự án chưa triển khai. Hiện vẫn còn hơn 40 hộ chưa nhận đền bù vì chúng tôi không đồng thuận việc UBND huyện Thủy Nguyên áp giá đền bù. Chúng tôi mong muốn được cấp đất dịch vụ phi nông nghiệp cho dân. Đồng thời, cần kiểm tra năng lực tài chính của Công ty Thành Công. Nếu doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính triển khai dự án, chúng tôi kiến nghị Nhà nước thu hồi dự án để một doanh nghiệp đủ năng lực đảm đương”, một người dân thôn Xanh Soi, xã Thủy Đường nói.

Cũng theo phản ánh của người dân, từ năm 2011 đến nay, chủ đầu tư đã thay đổi tên thành Công ty Cổ phần Union Success Việt Nam, do bà Lê Thị Thu Huyền làm Giám đốc, với số vốn điều lệ chỉ là 180 tỉ đồng.

IMG_1226 copy

 Người dân tranh thủ canh tác khi chủ đầu tư chưa thực hiện dự án.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hải Phòng, kể từ ngày thành lập cho đến nay, Công ty này đã thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 8. Vào ngày 17/7/2018 doanh nghiệp này giảm vốn điều lệ từ 1.328 tỷ đồng xuống 180 tỷ đồng, ngày 23/7/2018 doanh nghiệp này chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp cổ phần.

Ghi nhận của PV VTC News tại khu đất đã thu hồi được san lấp vào năm 2012, hiện nay mọc lên một số nhà hàng và khu kinh doanh vật liệu xây dựng.

Còn lại, với diện tích hàng chục ha doanh nghiệp đã thu hồi nhưng chưa triển khai dự án, người dân tận dụng trồng lúa, rau màu nhiều năm qua để tăng thêm thu nhập.

IMG_1268 copy 3

Nhiều diện tích đất san lấp, làm nhà hàng kinh doanh ăn uống trái phép trong vùng dự án. 

Cơ quan chức năng nói gì?

Liên quan đến dự án này, thông tin với PV VTC News, ông Lê Anh Thân - Giám Đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên cho biết, dự này có diện tích 29,4ha. Trong đó, tại xã Thủy Đường là 27,1ha; xã Hòa Bình là 2,3ha.

Hiện tại còn 45/440 hộ đất nông nghiệp (chiếm 4,5ha) chưa nhận tiền đền bù, đất ở là 10 hộ chiếm khoảng 5.000 m2.

“Số hộ dân chưa nhận đền bù vì họ kiến nghị đơn giá thấp. Về mặt hỗ trợ chuyển nghề lao động, người dân đề nghị giao đất sản xuất phi nông nghiệp trong dự án thay vì nhận tiền. Doanh nghiệp, UBND huyện cũng có đề xuất giao đất phi nông nghiệp cho bà con nhưng thành phố không đồng ý với lý do hết quỹ đất. Thành phố ra quyết định thu hồi đất và lập phương án đền bù. UBND huyện Thủy Nguyên là đơn vị thực hiện chức năng đền bù, giải phóng mặt bằng”, ông Thân nói.

Về mặt thỏa thuận giá đền bù, UBND huyện thực hiện theo đơn giá thành phố phê duyệt vào thời điểm 2011, cụ thể: 60.000 đồng/m2, hỗ trợ chuyển nghề lao động nông nghiệp: 120.000 đồng/m2. Hỗ trợ 20% công cải tạo đất, bồi thường cây cối 7.000đ/m2.

Theo Nghị định 197/2004/NĐ-CP, doanh nghiệp thực hiện dự án phải ứng trước cho UBND thành phố tiền bồi thường, GPMB. Tiền doanh nghiệp bỏ ra sẽ được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi làm thủ tục bàn giao mặt bằng.

IMG_1244 copy 4

Dự án nằm ở vị trí đắc địa, nơi có đường tỉnh lộ nối từ quốc lộ 10 vào Trung tâm huyện Thủy Nguyên, cách trung tâm huyện chỉ khoảng gần 1km. 

Chiều 16/7, thông tin với PV VTC News, ông Bùi Văn Vi – Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, cách đây khoảng 1 năm, dự án nêu trên được chuyển nhượng cho một doanh nghiệp khác.

Để có thông tin chi tiết dự án cũng như những vướng mắc, khó khăn hiện nay chính quyền địa phương, chủ đầu tư gặp phải, ông Vi giao ông Bùi Doãn Nhân – Phó chủ tịch UBND huyện phụ trách cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên lạc với ông Nhân, PV VTC News vẫn chưa nhận được lịch làm việc cụ thể vì lý do bận việc.

VTC News tiếp tục thông tin vụ việc!

Minh Khang - Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn