Đại diện Sở Y tế TP.HCM: Còn quá sớm để coi COVID-19 như cúm mùa 

Tin tứcThứ Hai, 14/02/2022 19:38:00 +07:00
(VTC News) -

Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, đến thời điểm hiện tại, còn quá sớm để nhận định COVID-19 như cúm mùa hay bệnh thông thường khác.

Tại họp báo cung cấp thông tin định kỳ chiều 14/2, nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi, liệu đến thời điểm hiện tại có thể coi COVID-19 như bệnh cúm thông thường được không?

Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho rằng, COVID-19 không giống như bệnh sốt xuất huyết hay bệnh lý thông thường, còn quá sớm để có thể khẳng định về tính chất bệnh của COVID-19.

Còn quá sớm để có thể coi COVID-19 như cúm mùa hay xử lý nó như một bệnh thông thường nào khác”, bà Mai nhận định.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM: Còn quá sớm để coi COVID-19 như cúm mùa  - 1

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM. 

Theo bà Mai, còn rất mới và rất sớm để có thể nói về tác động của COVID-19 với trẻ em. Tuy nhiên, qua theo dõi tại TP.HCM, trẻ mắc COVID-19 thường không có diễn biến nặng và ít tử vong hơn so với người lớn tuổi.

“Nhưng cần cẩn trọng với các trẻ suy dinh dưỡng, có bệnh nền, béo phì… vì có thể trạng yếu nên có nguy cơ cao hơn khi mắc COVID-19. Để bảo vệ nhóm này, các phụ huynh cần nhắc nhở các con thực hiện 5K và tiêm vaccine ngay khi đến lượt”, bà Mai nói.

Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn chi tiết về kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5 - 11 tuổi. Tuy nhiên, Sở Y tế  đã tham mưu UBND TP.HCM về kế hoạch tiêm để có thể tổ chức tiêm ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn.

Theo ông Tâm, tại TP hiện có khoảng 970.000 trẻ em từ từ 5 - 11 tuổi. Trong số này, 950.000 trẻ đã đi học sẽ do Sở GD&ĐT lập danh sách, 20.000 trẻ chưa đi học do Sở LĐTB&XH lập danh sách tiêm.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM: Còn quá sớm để coi COVID-19 như cúm mùa  - 2

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. 

Phó Giám đốc HCDC cho biết, trong thời gian chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế, HCDC đã tập huấn, hướng dẫn địa phương giám sát công tác tiêm chủng, bảo quản vaccine và xử lý những trường hợp tai biến…

Trong trường hợp gia đình trẻ không đồng thuận, về nguyên tắc, trẻ vẫn được đi học bình thường. Tuy nhiên, địa phương và ngành y tế cố gắng thuyết phục phụ huynh cho trẻ tiêm vaccine.

Về số ca mắc mới và tử vong tại TP.HCM sau Tết Nguyên đán, ông Tâm thông tin, trước Tết, số ca mắc mới trên địa bàn giảm mạnh (dưới 100 ca/ngày). Sau Tết, do hoạt động đi lại, giao lưu tăng cường, số ca mắc mới có tăng trở lại (khoảng 300 ca/ngày). Tuy nhiên trong vài ngày qua, số ca mắc mới có dấu hiệu giảm, dưới 200 ca/ngày.

Số ca tử vong do COVID-19 tại TP.HCM, tính từ ngày 8 - 14/2 dao động từ 0 - 2 ca/ngày. Trong đó, 2 ngày 9/2 và 14/2, TP.HCM không có ca tử vong (không tính ca ngoại tỉnh chuyển đến).

“Số ca tử vong gần như giảm rất thấp, dưới 5 ca/ngày. Đây là tín hiệu hết sức lạc quan”, ông Tâm nhận định.

Mặc dù số ca mắc mới giảm và số ca tử vong giảm thấp gần như bằng không, Phó Giám đốc HCDC cho rằng, sắp tới tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất lớn khi trẻ đi học lại. Do đó, ngành Giáo dục và Y tế luôn cảnh giác, chuẩn bị tốt nhất về quy trình xử lý, giám sát khi có F0, F1, cố gắng không để xảy ra lây lan dịch bệnh trong trường học.

MAI CÁT
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp