Đại dịch Covid-19: Miễn, giảm thuế doanh nghiệp thế nào cho hiệu quả?

Đầu TưThứ Hai, 16/03/2020 17:01:00 +07:00
(VTC News) -

Theo các chuyên gia, giữa tâm dịch Covid-19, doanh nghiệp hiện không có doanh thu, vì vậy nên gia hạn cái gì, miễn giảm cái gì cũng cần phải thực tế, hiệu quả.

Tại tọa đàm "Cứu doanh nghiệp "vượt bão" Covid-19" do VTC1 tổ chức sáng nay 16/3, các chuyên gia kinh tế thảo luận về những giải pháp miễn, giảm thuế nhằm tăng niềm tin cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. 

Ông Nguyễn Đức Kiên - tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - cho rằng, Covid-19 tác động đến doanh nghiệp và nền kinh tế theo cấp số nhân chứ không còn  cấp số cộng. Hơn nữa, tác động cả phần cung lẫn phần cầu vì hai thị trường cung cấp nguyên liệu nhiều nhất cho Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc đều bị ảnh hưởng nặng. Tháng 1, Thủ tướng công bố dịch bệnh, chúng ta tập trung chống dịch, bảo vệ người dân. Sang tháng 2, đã thấy ngay tác động đến kinh tế. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ phương án kịch bản dịch và dự báo phát triển kinh tế. Thủ tướng cũng chỉ ra những việc rất cụ thể, yêu cầu các ngành, địa phương thống kê cụ thể ảnh hưởng của dịch bệnh. Đến tháng 3, Chính phủ có đầy đủ căn cứ để ra Chỉ thị 11.

Từ đây, những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 được đặt ra. Thủ tướng cũng nói rõ, những gì thuộc thẩm quyền Chính phủ, được quy định theo Luật thì Chính phủ làm hết trách nhiệm để hỗ trợ doanh nghiệp. Những gì thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì tại phiên họp thường kỳ tới đây, Chính phủ sẽ báo cáo để Quốc hội xem xét giải quyết.

Từ chỉ đạo này của Thủ tướng, ông Kiên dẫn giải về góc độ miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp: "Thẩm quyền Chính phủ theo Luật Thuế và Luật Ngân sách Nhà nước là chỉ được giãn, hoãn, kéo dài thời gian nộp thuế. Còn giảm và miễn thuế lại thuộc thẩm quyền Ủy ban thường vụ Quốc hội và của Quốc hội". 

Mặc dù vậy, theo ông Kiên, việc ban hành chỉ thị của Thủ tướng chính là thành công đầu tiên trong việc đưa những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đi vào thực tiễn. Bởi đây là cơ sở pháp lý quan trọng. "Cần tăng cường hậu kiểm để xử lý các vấn đề bất cập trong quá trình triển khai, cá nhân tập thể nào làm sai trong quá trình áp dụng cần được xử lý bằng biện pháp hành chính mạnh mẽ", ông Kiên nhấn mạnh.

Nói về đề xuất giảm, giãn thuế mà Bộ Tài chính nêu, ông Kiên nêu nhận định: "Nội tại doanh nghiệp cũng phải có những phương án để chuẩn bị đối phó, xác định nội lực đến đâu, ngoại lực nhờ các chính sách của Nhà nước như thế nào?. Chính sách thuế phải có độ trễ, chứ không phải Chính phủ quyết định xong là được áp dụng ngay. Ví dụ VAT phải tính lại hết năm mới được hoãn. Quý I, các doanh nghiệp sẽ được hoãn, giãn nộp thuế nhưng không phải nộp tiền trả chậm".

Đại dịch Covid-19: Miễn, giảm thuế doanh nghiệp thế nào cho hiệu quả? - 1

Hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. (Ảnh: Người lao động)

Trình bày ý kiến tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Cúc - nguyên Tổng cục phó Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam - cho rằng: "Từ trước đến nay, chúng ta hay nói miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng giờ doanh nghiệp có doanh thu đâu mà giảm thuế thu nhập? Bây giờ doanh nghiệp không có nguyên vật liệu, không có khách hàng, phải giảm giá thành tới mức không có lợi nhuận nữa. Vậy nên gia hạn cái gì, miễn giảm cái gì cho thực tế?".

Cũng theo bà Cúc, phải phân cấp rõ cái gì thuộc trách nhiệm của ai, để thực hiện cho đúng. Ví dụ ngành hàng không có một loạt thuế phí thuộc nhiều ban bộ khác nhau như: Phí bảo vệ môi trường phải trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội để xem xét; hoặc có những phí và lệ phí không thuộc Chính phủ, không thuộc bộ Tài chính như phí qua cầu, qua phà. "Mỗi bộ ngành đều phải rà soát kỹ để xem giảm được gì hỗ trợ doanh nghiệp", bà Cúc đề xuất.

Bàn về khía cạnh các doanh nghiệp cần làm gì để thoát khỏi khó khăn giữa tâm dịch Covid-19, bà Cúc nhấn mạnh: Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp cũng phải biến nguy cơ thành thời cơ. Các ngành thương mại phải thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng, như áp dụng bán hàng qua online hay những nguyên vật liệu có thể thay thế được trong nước thì phải tìm và thay thế, nhằm khắc phục tình trạng cạn nguyên liệu.

Doanh nghiệp du lịch thì cần tìm đầu ra với du lịch trong nước thay vì chỉ tập trung vào thị trường nước ngoài, vì nhiều nơi không bị ảnh hưởng bởi Covid-19, vẫn có thể phát triển du lịch.

Ngoài giảm thuế cho doanh nghiệp, theo bà Cúc, việc các bộ, ngành cắt giảm thủ tục hành chính, là rất quan trọng. "Điều cấp thiết là phải làm thật kịp thời để các doanh nghiệp không mất thời cơ phục hồi trong và sau dịch bệnh", bà Cúc nhấn mạnh.

Video: Vượt bão Covid-19: Giảm thuế, tăng niềm tin (Nguồn: VTC1)

Ngọc Khánh - Bích Đào
Bình luận
vtcnews.vn