Đại biểu 'truy' Bộ trưởng về hàng giả, hàng độc hại

Kinh tếThứ Hai, 12/11/2012 12:58:00 +07:00

(VTC News) - Trong phiên chất vấn sáng nay, các đại biểu “truy” Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khá kĩ về hàng giả, hàng độc hại.

(VTC News) - Trong phiên chất vấn sáng nay, các đại biểu “truy” Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khá kĩ về hàng giả, hàng độc hại.

Người đầu tiên đề cập tới vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng là đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang). Đại biểu Kim Bé cho rằng người dân hiện đang rất bất an trước hiện tượng hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan. Vấn đề này đã được phản ánh, xử lý nhưng hiện tượng không những không giảm mà còn tăng. Đại biểu muốn Bộ trưởng cho biết ngành Công thương đã và sẽ làm gì trong vấn đề xử lý hàng giả.

Cùng chung mối quan tâm với đại biểu Bé, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng vấn đề vì sao hàng độc hại vẫn được nhập về ồ ạt.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) có ý kiến rằng, quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm nghiêm trọng. Hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm, hoa quả có dư lượng hóa chất cao, làm hoang mang người tiêu dùng. Hậu quả người tiêu dùng rơi vào tình trạng tâm lý bất an, mua không dám mua, ăn không dám ăn. Đại biểu hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu và hướng khắc phục.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Bộ trưởng cho rằng hàng chất lượng kém là vấn đề không mới, tồn tại trong thời gian tương đối dài. Trong thời gian qua, chúng ta đã làm được nhiều việc nhưng vẫn còn một s việc chưa làm được. Theo Bộ trưởng, Bộ nên chịu trách nhiệm trước dân về vấn đề hàng giả lưu thông, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, sức khỏe người dân. 

 Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, để đối phó với vấn đề này, không phải chỉ quản lý thị trường là lực lượng duy nhất. Bên cạnh đó còn có ngành y tế, phát triển nông thôn, khoa học công nghệ và công an. Các lực lượng phối hợp quản lý thị trường để thị trường lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển hàng hóa trong nước.

Bộ trưởng tổng kết, thời gian qua công tác này còn hạn chế và khẳng định đây là việc trong thời gian tới ngành quản lý thị trường nói riêng cần quan tâm nhiều hơn.

Bộ trưởng đưa ra một số giải pháp cho vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đó là khung pháp lý cần hoàn chỉnh liên quan đến quản lý thị trường, tiêu chuẩn sản phẩm, quy phạm; xử phạt, nâng cao nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm. Ngoài ra, còn có vấn đề liên quan đến giáo dục tuyên truyền, giúp người dân hiểu biết hơn nữa, góp phần cùng các lực lượng chức năng đẩy lùi hàng giả, hàng nhái.

Các biện pháp kể trên, theo Bộ trường, vừa mang tính chất trước mắt và mang tính lâu dài. Bộ trưởng mong đại biểu quan tâm hơn nữa, tiếp tục tạo điều kiện giúp cơ quan chức năng hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hồng Hà, Bộ trưởng cho biết, Bộ có chịu trách nhiệm về hiện tượng hàng độc hại. Tuy nhiên hiện nay dù Bộ đã cố gắng nhưng vẫn còn nhiều bất cập chưa được giải quyết dẫn đến hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng độc hại được lưu thông.

Bộ trưởng cho biết, qua điều tra khảo sát, phần lớn hàng độc hại về Việt Nam là qua buôn lậu, qua đường mòn trải rộng trên đường bộ, đường thủy mà chúng ta chưa có điều kiện kiểm soát được hết.

Vậy vấn đề sắp tới cần là làm thế nào để tăng cường kiểm tra, kiểm soát vấn đề nhập khẩu. Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo 127 về phòng chống buôn lậu hàng giả ở cả Trung ương và địa phương.

 

Bộ trưởng khuyến khích dư luận cần có tiếng nói mạnh hơn, có thái độ kiên quyết hơn khi sản phẩm có biểu hiện kém.


 
Nhưng những gì đã làm trong thời gian vẫn là chưa đủ. Sự phối hợp của ban chỉ đạo chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kể trên. Bên cạnh đó, xử lý vi phạm có trường hợp chưa đủ sức răn đe, tái phạm diễn ra nhiều, điều kiện thực thi công vụ có bất cấp, phương tiện thiếu, yếu. Trong thời gian tới cần tập trung khắc phục, giải quyết, lực lượng quản lý thị trường cần đi đầu. Bộ trưởng khẳng định đó là trách nhiệm của Bộ Công thương.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vào thái độ người tiêu dùng. Nếu kiên quyết nói không với hàng kém chất lượng, không góp phần để tiêu thụ sản phẩm này, người tiêu dùng cũng đã chống hàng giả, hàng độc hại. Bộ trưởng khuyến khích dư luận cần có tiếng nói mạnh hơn, có thái độ kiên quyết hơn khi sản phẩm có biểu hiện kém.

Đại biểu Hồng Hà nói thêm rằng, người dân đã nghe quá nhiều khuyến cáo về thực phẩm không an toàn, thuốc chữa bệnh dởm nhưng người tiêu dùng làm gì có điều kiện nghiên cứu phân tích đâu là hàng hóa nhiễm hay không nhiễm... Cử tri chỉ mong Bộ trưởng và cơ quan có thẩm quyền công bố và khẳng định loại hàng nào được sử dụng, loại nào không được sử dụng và chỉ đích danh để người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn.

Bộ trưởng tiếp thu ý kiến đại biểu Hồng Hà và khẳng định khi phát hiện, các cơ quan cần có biện pháp thông báo rộng rãi các sản phẩm không đáp ứng yêu cầu.

Về vấn đề hàng giả, hàng nhái, đại biểu Đồng Vũ Mạo, Thừa Thiên Huế đi thẳng vào mặt hàng cụ thể. Theo đại biểu, hiện nay, mặt hàng mũ bảo hiểm kém chất lượng được bày bán tràn lan, xăng bẩn, kém chất lượng làm cháy nổ, phân bón rởm khiến người dân điêu đứng. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng liệu sau 1 năm nữa cơ bản chặn đứng được hàng giả 3 mặt hàng đó không.

Bộ trưởng cho biết, trường hợp mũ bảo hiểm kém chất lượng đã được phát hiện, đã được xử lý nhưng chưa chấm dứt được. Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bàn bạc, phối hợp trình Chính phủ ban hành quy định cụ thể hơn kiểm tra kiểm soát xử lý mũ bảo hiểm xe máy không đảm bảo chất lượng.

Trong khi đó, về vi phạm chất lượng xăng dầu, biện pháp là kiểm soát chặt chẽ khâu nhập khẩu vì 70% lượng xăng dầu tiêu thụ là nhập khẩu. Đây là kẽ hở nếu không kiểm soát chặt thì chất lượng sẽ bị ảnh hưởng. Bộ trưởng cho biết cần kiểm tra kiểm soát trong nước để kịp thời phát hiện hành vi gian lận pha trộn, xử lý nghiêm túc. Một số trường hợp đã bị xử lý nhưng do khung xử lý còn chưa đủ sức răn đe, tới đây kiến nghị xem xét lại.

Hạ Lan
Bình luận
vtcnews.vn