Đại biểu tranh luận nảy lửa quanh đề xuất cho phạm nhân lao động bên ngoài trại giam

Thời sựThứ Hai, 19/11/2018 15:34:00 +07:00

Các đại biểu tranh luận nảy lửa trong phiên thảo luận sáng nay tại Quốc hội xung quanh Luật Thi hành án hình sự sửa đổi.

Trong phiên thảo luận sáng nay tại Quốc hội xung quanh Luật Thi hành án hình sự sửa đổi, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đồng ý với việc tổ chức cho phạm nhân lao động sản xuất bên ngoài trại giam thời điểm này.

Theo đại biểu Hoa, khi phạm nhân có điều kiện làm quen công việc lao động sản xuất gần môi trường ngoài xã hội thì sau khi họ ra tù, họ sẽ tiếp cận tốt hơn với việc làm, đây là điều kiện quan trọng để sớm tái hòa nhập cộng đồng, giảm bớt sự mặc cảm và tự ti.

mai-thi-phuong-hoa-qh-154260259337052300999 5

 Đại biểu Mai Thị Phương Hoa.

Mức chi chế độ giam giữ ăn ở, học tập cho người chấp hành án phạt tù hiện nay chỉ mới ở mức tối thiểu, bảo đảm yêu cầu cơ bản nhất cho phạm nhân. Vì vậy, việc phạm nhân được lao động sản xuất nhất bên ngoài trại giam sẽ sản xuất được những mặt hàng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện cuộc sống cho chính phạm nhân, giảm bớt áp lực, gánh nặng cho trại giam.

Việc tổ chức cho phạm nhân lao động sản xuất bên ngoài trại giam trong một số trường hợp phạm nhân có cơ hội có việc làm ngay tại chính doanh nghiệp đó sau khi mãn hạn tù.

Tuy nhiên, đại biểu Hoa cũng cho rằng không nên áp dụng đại trà mà chỉ nên áp dụng với phạm nhân sắp mãn hạn tù và có ý thức cải tạo tốt, còn trong độ tuổi lao động và có sức khỏe.

 
Không áp dụng việc lao động ngoài trại giam với phạm nhân phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Không áp dụng với phạm nhân phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và thuộc tội như buôn bán ma túy, giết người, cướp tài sản và phạm nhân cải tạo kém.

Ngoài ra, cơ sở giam giữ phải chịu trách nhiệm trong tổ chức phối hợp doanh nghiệp khi đưa phạm nhân ra lao động bên ngoài nếu không bảo đảm các điều kiện và không đủ khả năng kiểm soát phạm nhân thì không được tổ chức cho phạm nhân ra ngoài lao động.

"Phạm nhân phải được trả thù lao, được ký hợp đồng lao động và bảo đảm an toàn, có sự quản lý giám sát chặt của cán bộ quản giáo theo quy định của công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam là thành viên.

Phải làm ở những khu lao động tập trung và dành riêng cho phạm nhân. Tôi đề nghị cần quy định ngay trong luật này những nguyên tắc, điều kiện cơ bản nêu trên để làm cơ sở cho việc hướng dẫn chi tiết thi hành sau này", đại biểu Hoa nêu quan điểm.

Chung quan điểm với đại biểu Hoa, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cũng chỉ ra tính nhân văn trong việc tạo điều kiện cho phạm nhân được lao động sản xuất bên ngoài trại giam.

"Việc cho phạm nhân lao động sản xuất ngoài trại giam có thể giúp họ có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống sôi động, phong phú bên ngoài. Từ đó giúp họ lạc quan hơn, có thêm quyết tâm cải tạo tốt hơn để có thể sớm được về với gia đình và xã hội.

Mặc dù phạm nhân ra bên ngoài trại giam nhưng chúng ta đều có những quy định về sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cán bộ quản giáo, đặc biệt là cơ sở giam giữ phải chịu trách nhiệm trong việc tổ chức phối hợp với doanh nghiệp khi đưa phạm nhân lao động bên ngoài.

Do đó nếu không đảm bảo các điều kiện không đủ khả năng kiểm soát phạm nhân thì chắc chắn không có cơ sở giam giữ nào có thể cho phạm nhân ra ngoài lao động.

Tuy nhiên, để nhận được sự đồng thuận cao từ đại biểu và dư luận xã hội, tôi đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ về tác động, làm rõ những tiêu chí, điều kiện cụ thể, tính khả thi để trại giam tổ chức khu sản xuất để lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, nhất là việc trích xuất, tổ chức cho phạm nhân ra khỏi trại giam đi lao động hằng ngày", đại biểu Đức nói.

Tuy nhiên, khá nhiều đại biểu không đồng tình với đề xuất này.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) tỏ ý nghi ngại: "Pháp luật hình sự có chức năng trước tiên là trừng trị và sau đó là giáo dục người phạm tội. Việc tổ chức cho phạm nhân lao động, tạo ra của cải vật chất không phải là hoạt động duy nhất quan trọng mà chỉ là một trong nhiều biện pháp triển khai thực hiện giáo dục, cải tạo phạm nhân.

Việc mở rộng phạm vi đưa phạm nhân ra ngoài khu vực giam giữ để làm việc là không cần thiết, nhất là khi vấn đề này còn có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro không thể lường trước, là vấn đề rất lớn, liên quan đến bảo đảm an toàn cho cả phạm nhân, cả người quản lý phạm nhân, cả người dân khi phạm nhân đi ra ngoài làm việc và học nghề.

Hơn nữa, đây là vấn đề nhạy cảm, khi nước ta đang đứng trước yêu cầu của quốc tế về việc tham gia công ước, tổ chức lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Ban soạn thảo có đánh giá hết những vấn đề rủi ro phát sinh trong nước và quốc tế hay không?".

Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) khẳng định việc lao động của phạm nhân chỉ nên tổ chức trong trại giam hoặc khu sản xuất, điểm lao động thuộc khu vực quản lý của trại giam. Thực tế, việc này đã được thực hiện ổn định từ trước đến nay. Vì vậy, ông đề nghị cho giữ như quy định của Luật Thi hành án hình sự hiện hành.

Đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) đề nghị cần có đánh giá tác động trước khi cho phép phạm nhân lao động ngoài trại giam, đặc biệt, cần có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học để làm rõ hơn về nội dung này, các đại biểu có thể yên tâm hơn khi bấm nút thông qua luật này. 

Do tính chất phức tạp của dự thảo luật, chiều nay, đoàn chủ tọa kỳ họp sẽ gửi phiếu thăm dò ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội theo hai phương án thông qua Luật này trong 2 hay 3 kỳ họp.

Nhạc Dương
Bình luận
vtcnews.vn