Đại biểu Quốc hội tán thành Luật Đặc khu sau khi điều chỉnh thời gian thuê đất

Thời sựThứ Sáu, 08/06/2018 07:50:00 +07:00

Đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng việc ban soạn thảo lắng nghe ý kiến của người dân để điều chỉnh thời gian cho thuê đất là hợp lý và đề nghị thông qua Luật Đặc khu ở kỳ họp này.

Bên hành lang Quốc hội, trả lời VTC News, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã bình luận xung quanh dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), hay còn gọi là Luật Đặc khu. Đại biểu Thân cho rằng việc ban soạn thảo lắng nghe ý kiến của người dân để điều chỉnh thời gian cho thuê đất là hợp lý và đề nghị thông qua Luật Đặc khu ở kỳ họp này.

nguyen-van-than-dac-khu

Đại biểu Nguyễn Văn Thân bàn luận về Luật Đặc khu. 

- Ngày 7/6, trả lời bên hành lang Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo ban soạn thảo dự luật Đặc khu sẽ điều chỉnh lại vấn đề thời gian thuê đất một cách hợp lý, phù hợp với nguyện vọng chính đáng mà nhân dân đã phản ánh, thưa ông?

Tôi thống nhất việc điều chỉnh đó.

Sắp tới, Quốc hội sẽ bàn thảo xem có thông qua dự luật Đặc khu hay không. Nếu mà Quốc hội thông qua với tinh thần không phải là 99 năm thì đấy là sự lắng nghe của Quốc hội và ý kiến của Thủ tưởng là sự lắng nghe của Chính phủ.

Theo tôi việc lắng nghe đó là rất tốt bởi khi có ý kiến của người dân, mà nhiều người dân có ý kiến như thế thì cũng phải lắng nghe. Mình nên lắng nghe, thấy hợp lý thì mình theo, không nên cứng nhắc vì mỗi người một ý kiến nhưng tập trung những ý kiến sáng nhất.

Những ý kiến của người dân mà thấy là việc 99 năm là không ổn, là bất an, mà lòng dân bất an thì khó làm lắm cho nên là phải điều chỉnh. Tôi nghĩ rằng việc điều chỉnh rất là tốt và thể hiện đó là một xã hội rất dân chủ.

- Trong dự thảo luật Đặc khu không nói đến yếu tố Trung Quốc nhưng tại sao dư luận lại phản ứng trái chiều như thế, thưa ông?

Luật thiết kế để mời tất cả các nhà đầu tư ở các nước trên thế giới. Ở đây theo tôi là công tác tuyên truyền của chưa mạnh, để cho người dân có sự hiểu lầm. Nhưng cái sự hiểu lầm không phải của tất cả mọi người, không phải tất cả mọi người đều hiểu như thế.

- Vậy các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội có cần lên tiếng để nói rõ hơn không, thưa ông?

Tôi cho rằng cần tuyên truyền để cho tất cả nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư của Việt Nam và nhà đầu tư của các nước trên thế giới thấy môi trường đầu tư của Việt Nam rộng rãi và thoáng thì người ta về đầu tư, chứ Trung Quốc cũng chỉ là một nước thôi.

Video: Thủ tướng khẳng định thời gian cho thuê đất đặc khu không còn 99 năm

- Ngoài yếu tố lo lắng về thời gian 99 năm hay 70 năm, còn yếu tố nào mà người dân, cử tri còn cần phải lưu ý khi bàn luận về Luật Đặc khu, thưa ông?

99 năm hay 70 năm, 50 năm hay 30 năm cũng chỉ là yếu tố kích thích đầu tư, còn cơ chế, chính sách rồi trong quá trình thực hiện làm sao để nhà đầu tư người ta thấy, người ta yên tâm, tạo điều kiện cho người ta mới là điều quan trọng.

Thời gian đấy chỉ là một tiêu chí để khuyến khích người ta vào thôi chứ không phải là số năm dài mà người ta vào mà mình không tính đến đến cái khác. Còn rất nhiều các chính sách ưu đãi khác đối với nhà đầu tư.

- Trong dự luật đã thể hiện được những ưu đãi đó chưa, thưa ông?

Nhiều chứ, trong dự thảo luật có nói nhiều ưu đãi chứ, ưu đãi về thuế, ưu đãi về môi trường, về độ dài thời gian cấp đất, rồi ưu đãi về mở các cái công ty, mở dịch vụ, kể cả dịch vụ du lịch...

Thực tế, những người làm dịch vụ du lịch, dịch vụ bất động sản người ta phải đi trước. Những người đầu tư về công nghệ người ta thấy hạ tầng phải tốt, chỗ sinh hoạt tất cả điều kiện sinh hoạt tất cả phải tốt thì bắt đầu người đầu tư về công nghệ.

Ở Mỹ tất cả các nền tảng, tất cả hạ tầng nó tốt rồi, Mỹ người ta đặt cái thung lũng silicon xa như thế nhưng các nhà đầu tư vẫn vào bởi vì xung quanh nó là hạ tầng rất tốt. Mình không thể bắt chước Mỹ được, mình phải làm sao hạ tầng của mình phải tốt, hạ tầng ở đây không chỉ là hạ tầng về đất đai mà còn hạ tầng về văn hóa, hạ tầng về nhà cửa, y tế, trường học…

Ví dụ như ở Hà Nội có khu công nghệ cao Láng – Hòa Lạc. Bao nhiêu năm nay, có phải đơn giản đâu, chỉ xa thành phố một tý thôi là người ta ngại vào rồi. TP.HCM có khu công nghệ cao cũng hai chục năm nay, xa nội thành một tý người ta cũng ngại vào. Cho nên để mà hy vọng là 3 vùng kinh tế đặc biệt này để hy vọng ngay từ đầu mà những người làm công nghệ cao mà người ta vào ngay thì tôi thấy vẫn còn mỏng manh.

- Đã đến thời điểm cần phải thành lập các đặc khu chưa, thưa ông?

Cần chứ, cần có các đặc khu để nó như là một cái trung tâm hút, bởi vì cũng là cái cơ chế mà mình không áp dụng trên toàn quốc thì nó phạm rất nhiều những thứ, nhưng mà ta đang muốn thử nghiệm, tinh thần là thử nghiệm, đột phá và vượt trội. Thử nghiệm mà trong mấy năm mà có gì đó chưa ổn thì mình rút kinh nghiệm và ta sửa.

Cái mấu chốt hiện nay là, nói chung các tầng lớp người dân người ta phản đối là về cái 99 năm, sợ là có một cái sự chiếm đất, rồi di dân. Mà dư luận rất là lớn nên tôi nghĩ phải điều chỉnh, Quốc hội nên nghe, Đảng nên nghe, Chính phủ nên nghe.

- Quan điểm của ông về thời hạn thuê đất 99 năm trong dự luật như thế nào?

nguyen-van-than-2

 

Tôi nghĩ là Luật Đặc khu nên được thông qua.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân

Tôi quan điểm là 99 năm không ảnh hưởng gì, vì 70 năm với 99 năm cũng không ảnh hưởng gì nhưng mà mình phải suy nghĩ lại, khi người dân phản ứng mình là đại biểu của dân mình phải suy nghĩ lại.

Tôi thấy Thủ tướng nói như hôm nay thì tôi cũng thấy hài lòng. Tôi thấy ủng hộ được. Còn Quốc hội thì chưa rõ. Chắc là trong vài ngày tới các đại biểu Quốc hội sẽ có những bàn thảo nhất định.

Nhưng tôi nghĩ là Luật Đặc khu nên được thông qua.

- Liệu đã là thời điểm hợp lý để thông qua luật về đặc khu hay chưa, thưa ông?

Tôi cho rằng là hợp lý.

Nói chung là dư luận xã hội, người dân ngại nhất là cái thời gian cho thuê đất 99 năm thôi.

Người dân cũng thấy cần phải kêu gọi đầu tư nước ngoài nhưng ngại Trung Quốc lại có một cái gì không ổn. Nhưng tôi cho rằng người dân có cái suy nghĩ sáng suốt chứ không phải không sáng suốt.

- Dù luật chưa được thông qua nhưng đất đai ở 3 khu vực dự định làm đặc khu hiện giờ rất "sốt" và có nhiều các giao dịch ngầm như các đại biểu đã nêu, thưa ông?

Điều đấy khẳng định chủ trương của Đảng ta là đúng đắn, phải khẳng định như thế bởi vì cái người đầu tư, người dân người ta rất thích, nguời ta thấy rằng cái chủ trương đó là đúng đắn và người ta thấy rằng có nhà đầu tư vào và cái khu đó sẽ khởi sắc thì người ta mới bắt đầu tính cái chuyện đầu cơ.

Còn đầu cơ trái phép, đầu cơ trái pháp luật thì phải có luật pháp hãm lại, giữ lại. Điều đó khẳng định như vậy là người dân rất quan tâm. Còn anh mà đưa ra chính sách mà không đúng đắn thì người ta không phải bỏ tiền đầu tư, người ta không mạo hiểm. Về mặt nào đó, điều này khẳng định chính sách của Đảng là đúng đắn, cái hay là ở chỗ đó.

Người ta đầu tư kiểu này kiểu khác, người thì đúng luật, người không đúng luật thì các nhà quản lý phải làm, phải lo, chứ không phải là của Quốc hội, không phải là của những người soạn thảo luật này.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn