Đại biểu Quốc hội: Tân Bộ trưởng GTVT phải giải quyết lùm xùm BOT, xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm

Thời sựThứ Năm, 26/10/2017 11:03:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội cho rằng có rất nhiều thách thức, nhiệm vụ đang chờ đón tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải trong nhiệm kỳ này.

Ngày 25/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nhiệm kỳ 2016-2021.

nguyen van the 2

 Ông Nguyễn Văn Thể.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, việc miễn nhiệm và tiến hành phê chuẩn bổ nhiệm mới đối với chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT đã được Bộ Chính trị cũng như Chính phủ tính toán rất kỹ.

Vị đại biểu Quảng Bình nhận định Bộ trưởng GTVT được đề nghị phê chuẩn mới trong thời điểm có nhiều khó khăn và thời gian còn hơn nửa nhiệm kỳ.

Ông Nguyễn Văn Thể từng là Thứ trưởng của Bộ GTVT nên chắc chắn việc tiếp cận sẽ có nhiều thuận lợi.

Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, sẽ có không ít thách thức đang chờ đợi tân Bộ trưởng, trong đó, đầu tiên phải nói đến là vấn đề BOT giao thông mà báo chí, dư luận phản ứng nhiều trong thời gian qua.

"Vấn đề BOT rồi người dân sử dụng tiền lẻ để trả phí nhằm phản đối rõ ràng là có trách nhiệm của cơ quan quản lý. Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ rõ điều này. Do đó, tân Bộ trưởng cần có những quyết sách, thay đổi đúng đắn, phù hợp, đảm bảo lợi ích của người dân khi thực hiện các dự án BOT, đồng thời, phải xem xét, xử lý các cán bộ thiếu trách nhiệm, gây sơ hở", ông Phương nói.

Cũng có cùng nhận định này, đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hoá) cho rằng vấn đề BOT là áp lực cho tân Bộ trưởng Bộ GTVT.

"Theo chỉ đạo của Chính phủ và theo nghị quyết của UBTVQH vừa ban hành ngày 25/10, tôi kỳ vọng rằng tân Bộ trưởng sẽ quyết tâm xử lý vướng mắc những vấn đề tồn đọng. Đây là quá khứ, không phải là trách nhiệm của Bộ trưởng mới, nhưng với quyết tâm chính trị với niềm tin của Quốc hội, mong đồng chí Bộ trưởng GTVT sẽ xử lý theo đúng chỉ đạo của Quốc hội và đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của nhân dân", đại biểu Bùi Sĩ Lợi bày tỏ.

bot bien hoa

 Tài xế dùng tiền lẻ phản đối trạm thu phí BOT tuyến tránh TP Biên Hòa.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhìn nhận, thực tế hiện nay, cả hệ thống hạ tầng giao thông từ đường bộ, thuỷ, hàng không, đường sắt đều đang thiếu để phát triển một nền kinh tế bền vững.

Vì vậy, tân Bộ trưởng GTVT phải xem xét lại toàn bộ hệ thống quy hoạch đã thực sự chuẩn, đáp ứng nhu cầu đi trước một bước chưa và khó khăn nhất là tìm bước đi cho phù hợp.

Sau khi có bước đi rõ ràng thì tìm nguồn lực cho phát triển trong lúc trần nợ công bắt đầu sát ngưỡng thì chỉ còn cách huy động nguồn lực trong nước để đầu tư.

Theo vị đại biểu này, hiện có nhiều hình thức đầu tư, trong đó có BOT và sắp tới phải tiếp tục dùng hình thức này để kêu gọi vốn.

Muốn vậy, Bộ GTVT phải giải bài toán BOT và khắc phục những hạn chế như vừa qua. Việc này không chỉ đặt ra cho ngành giao thông mà cả Chính phủ, Quốc hội phải hoàn thiện hệ thống pháp luật.

"Riêng ngành giao thông phải chạy trước và vừa chạy vừa xếp hàng chứ đợi pháp luật xong thì quá chậm", ông Sinh nhấn mạnh.

Video: BOT Biên Hoà giảm 20% giá vé, tài xế vẫn yêu cầu dời trạm

Bên cạnh đó, ông cũng nhắc đến hàng loạt thách thức khác với tân "Tư lệnh" ngành giao thông khi tiếp nhận nhiều dự án khó đang dở dang như đường cao tốc Bắc-Nam, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, cảng hàng không quốc tế Long Thành…

"Một loạt loạt vấn đề áp lực, thách thức rất lớn với ngành giao thông trong thời gian thắp tới, trong khi đang thiếu cả cơ sở pháp lý và cả nguồn lực", đại biểu Sinh bày tỏ.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn