Đại biểu Quốc hội: Phụ huynh đến nộp học mà nói giá dịch vụ nghe không phù hợp môi trường sư phạm

Thời sựThứ Tư, 30/05/2018 18:58:00 +07:00

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đề xuất nên giữ nguyên cụm từ "học phí" thay cho tên gọi "giá dịch vụ đào tạo".

Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chiều nay 30/5, một nội dung được nhiều đại biểu đề cập đến đó là quy định về “mức giá dịch vụ đào tạo”.

nguyen-thi-thu-dung

 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình).

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho rằng: "Từ trước đến nay “học phí” vẫn là cụm từ quen rồi. Nhưng bây giờ tôi hiểu “giá dịch vụ” là theo quy định nghị định 16 nên là chuyển sang giá dịch vụ.

Nói thật là trong quá trình trường tôi xây dựng tự chủ chúng tôi đề giá dịch vụ là theo nghị định 16 thôi chúng tôi vẫn đóng mở ngoặc là học phí, phụ huynh dễ hiểu. Vì thế nên giữ cụm từ “học phí”.

Phụ huynh đến nộp học mà nói giá dịch vụ nghe không phù hợp môi trường sư phạm. Do đó, theo tôi nên giữ từ “học phí” nhưng quy định cụ thể là bao gồm những khoản gì”, bà Dung kiến nghị.

Video: Phụ huynh đến nộp học mà nói giá dịch vụ nghe không phù hợp môi trường sư phạm

Cũng liên quan đến nôi dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, điểm mới cần trao đổi kỹ là quy định về giá dịch vụ đào tạo. Việc phải quy định giá trong dự thảo luật là đúng vì hiện nay các trường đang thu học phí theo Luật Phí và học phí.

Dự thảo luật đã tính đúng tính đủ chi phí hợp lý, bảo đảm chi phí tương xứng với chương trình đạo tạo chất lượng cao.

Bởi theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu cứ thu theo khung phí và lệ phí sẽ gây khó khăn cho các trường khi đưa ra sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao. Bản thân người học có mong muốn học các ngành chất lượng cao và sẵn sàng bỏ chi phí để có điều kiện học tập tốt nhất.

Tính đúng, tính đủ chi phí là điều hết sức hợp lý, góp phần tạo sự bứt phá, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Tuy nhiên, đại biểu Cường cho rằng Luật cần quy định để các cơ sở giáo dục không thể tính giá bao nhiêu cũng được mà phải quy định những gì được tính giá , những gì không. Toàn bộ những khoản thu vào và chi ra phải công khai để bản thân người học cảm thấy số tiền đã đóng là xứng đáng.

"Để tránh tình trạng nhầm lẫn như các trạm thu giá BOT, phải khẳng định các cơ sở giáo dục đào tạo được thu học phí trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo chứ không phải dựa trên Luật phí lệ phí." - đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn