Đại biểu Quốc hội: ‘Phí hoa hồng chữ ký là phí gì?’

Thời sựThứ Sáu, 19/06/2015 01:20:00 +07:00

Nhiều đại biểu cho rằng dự thảo luật cần điều chỉnh theo hướng thu gọn theo nhóm, rà soát các khoản phí vô lý, tránh tình trạng phí chồng phí

(VTC News) – Nhiều đại biểu cho rằng dự thảo luật cần điều chỉnh theo hướng thu gọn theo nhóm, rà soát các khoản phí vô lý, tránh tình trạng phí chồng phí, khiến người dân phải “oằn lưng cõng”.

Khi bàn về về dự thảo Luật phí và lệ phí, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) nhấn mạnh phải rà soát thật kỹ để tránh phí chồng phí; tránh mở rộng quá nhiều khoản phí, lệ phí khiến dân phải “oằn lưng ra cõng”.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai)
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) 
Đại biểu Vở đề nghị rà soát lại đánh giá, tính toán thêm về danh mục. Ông Vở đề nghị loại bỏ một số danh mục phí, lệ phí không phù hợp như phí sử dụng tạm thời lòng lề đường, hè phố. Đề xuất này được đại biểu Huỳnh Văn Tiếp tán thành.

“Chính phủ đã rà soát giảm danh mục phí, lệ phí, nhưng cần phải giảm thêm. Ví dụ một số mục phí tôi đọc không hiểu, như lệ phí hoa hồng chữ ký là phí gì? Chữ ký mà cũng có lệ phí hoa hồng?”, đại biểu Trương Văn Vở đặt câu hỏi.

Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị cần bổ sung thêm một chương quy định riêng đối với các loại phí, lệ phí ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân.

“Nếu trong Dự thảo Luật này Quốc hội không cụ thể hóa được các khoản phí này, không nêu được mục đích thu, nguyên tắc xác định mức thu, cách thức tiến hành thu thì sẽ không giải quyết được bức xúc của cử tri như phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng tạm thời lề đường, lòng đường, hè phố, học phí, viện phí, giá dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh...”, đại biểu Cảnh phát biểu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM)
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) 

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đề nghị bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí có mức thu thấp, chi phí hành thu cao, phức tạp, quản lý thu và sử dụng nguồn thu kém hiệu quả.

Điển hình như việc thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô cần phải bãi bỏ. Bà Tâm cho rằng khoản phí này không được người dân đồng tình, lại còn hội tụ cả những yếu tố như không hợp lý, thiếu công bằng, khó công khai minh bạch, khó hiểu, khó thực hiện trong thực tiễn.

Đại biểu Lê Nam cũng cho rằng Quốc hội nên thống nhất quản lý một số khoản phí, lệ phí chung, nhiều khoản khác nên theo hướng giao phân cấp.

“Ví dụ phí thăm thắng cảnh nhiều địa phương chỉ 2.000đ/người thôi, nhưng để chờ HĐND quyết thì trình tự thủ tục rất lâu. Hay như một HTX làm công tác vệ sinh môi trường thì nên để người ta chủ động thỏa thuận với dân ở cấp cơ sở, đừng để lên huyện, lên tỉnh nữa!”, đại biểu Lê Nam nêu ý kiến.

Liên quan đến phí học phí và viện phí, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) tỏ ý băn khoăn bởi nếu áp dụng phí, lệ phí theo pháp lệnh cũ thì phải chuyển sang cơ chế giá dịch vụ y tế và giá học phí.

“Tôi thấy gọi là học phí, viện phí tốt hơn gọi là giá. Gọi là giá chỉ được một điểm là điều chỉnh khi giá thị trường biến động và hai là Bộ Y tế ban hành. Gọi là phí thì phải là Bộ Tài chính ban hành.

Bây giờ chúng ta suy nghĩ cách làm này như thế nào? Từ trước đến giờ tôi có cảm giác chúng ta đang “đi đêm”, Nhà nước chi tiền rất nhiều nhưng vẫn mang tiếng”, ông Tiên nói.

Ông Tiên cho rằng nếu tiếp tục giữ giá học phí và viện phí thì phải bỏ phần thu thuế ở phần giá dịch vụ y tế. Thứ hai, Chính phủ cần làm gọn phần giá.

Đại biểu Tiên đề xuất: “Có 15.000 danh mục giá dịch vụ y tế, hiện nay đã được nhóm vào thành khoảng 2.000 danh mục. Tôi đề nghị phải ban hành nhóm lại khoảng 300-400 danh mục, trong đó thể hiện rõ phần Nhà nước bao cấp cái gì. Nếu chúng ta sử dụng viện phí và học phí thì trong luật này chúng ta phải quy định một chương riêng để rõ ràng vấn đề này”.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn