Đại biểu Quốc hội: Nhiều trường hợp bị Trung ương kỷ luật, ẩn mình rồi về làm lãnh đạo nơi khác

Thời sựThứ Bảy, 25/05/2019 07:20:00 +07:00

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh lấy ví dụ nhiều trường hợp bị Trung ương kỷ luật, ẩn mình rồi về làm lãnh đạo nơi khác.

"Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ công chức ở điều 79 vẫn dùng hình thức kỷ luật cũ là cảnh cáo, khiển trách, hạ bậc lương, buộc thôi việc. Những cách này không hiệu quả. Vi phạm ầm ĩ, bổ nhiệm siêu tốc, bổ nhiệm hot girl.

Nhiều trường hợp Trung ương đã ra quyết định kỷ luật, chịu ẩn mình một thời gian, rồi lại được lôi về làm lãnh đạo một đơn vị khác. Ví dụ ở tỉnh Thanh Hóa, đấy là lách luật cho thấy kỷ luật rất không nghiêm minh", bà Khánh nói trong buổi thảo luận tổ Hà Nội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

tran-thi-quoc-khanh

 Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội).

Bà Khánh dẫn ra nhiều trường hợp xử lý kỷ luật nghiêm minh ở các nước Đông Nam Á như Philipinnes, Singapore. Như luật của Philippines, kỷ luật sẽ theo hình thức lần thứ nhất cho nghỉ việc 3 ngày, lần thứ 2 nghỉ việc 1 tuần, lần thứ 3 nghỉ việc vĩnh viễn. 

"Xử lý như vậy mới nghiêm minh, ai cũng sẽ sợ và không dám vi phạm", vị nữ đại biểu đoàn Hà Nội cho biết.

Bà Khánh kể lại một lần tới Singapore muốn tặng mảnh áo dài cho hướng dẫn viên nhưng cô này khẳng định chỉ nhận quà dưới 50 USD nếu không sẽ bị phạt. 

"Nhìn sang Việt Nam, bộ máy kỷ luật của chúng ta rất không nghiêm minh, phải chờ đợi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo mới thực hiện. Như vậy toàn bộ hệ thống bộ máy chỉ chờ 1 người, chờ Ban Kiểm tra Trung ương xong mới bắt đầu kỷ luật. Như vậy không hợp lý", bà Khánh nói.

Nữ đại biểu Hà Nội cho rằng chúng ta phải học hỏi kinh nghiệm các nước, "phải nghiêm minh một lần mới có sức răn đe". 

Cũng liên quan tới hình thức kỷ luật cán bộ, công chức, đại biểu Phạm Quang Thanh đề nghị luật phải bám sát văn bản của Đảng, đặc biệt Quy định 102 vừa qua của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, dự thảo luật trình lên Quốc hội mới đây vẫn còn sơ sài. Như thực tế cán bộ công chức bị kỷ luật thì có tới 99,9% là đảng viên, như vậy sẽ phải kỷ luật song song ở hai bên. Vì vậy trong trường hợp hai bên vênh nhau sẽ gây ra lúng túng. 

"Như trường hợp ở Sóc Sơn vừa rồi, rất nhiều trường hợp bị vướng vì chính quyền một đằng, cấp ủy một đằng", ông Thanh cho biết. 

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Phương Hoa bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất bỏ hình thức giáng chức. 

"Nếu từ cảnh báo mà chuyển ngay sang cách chức là quá nặng. Nếu như trước đây, một người đang ở vị trí cấp trưởng, khi vi phạm sẽ bị giáng chức, dù không làm ở vị trí cũ vẫn có thể công tác ở cấp phòng. Nhưng nếu bỏ hình thức giáng chức, người đang từ vị trí rất cao mà không còn giữ bất cứ chức vụ nào là quá nặng", bà Hoa chia sẻ. 

Video: Cách chức ông Vũ Huy Hoàng - Về hưu không phải là "hạ cánh an toán"

Chiều 24/5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Một nội dung mới đáng chú ý trong tờ trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ là đề xuất đối với tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn.

Về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, qua tổng hợp, ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đều nhất trí với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.

Liên quan đề xuất không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay hiện còn 2 phương án. Một là, không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, bởi vì việc quy định đồng thời 2 hình thức kỷ luật giáng chức và cách chức áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức giáng chức thay vì phải áp dụng hình thức cách chức.

Hai là, giữ hình thức kỷ luật giáng chức như Luật Cán bộ, công chức hiện hành. Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội theo phương án không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức theo phương án 1.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn